Lạ lùng ngọn đồi bốc khói nghi ngút bất kể ngày đêm, không ai dám bén mảng lại gần vì có thể mất mạng trong phút chốc
(Tổ Quốc) - Kể cả các nhà khoa học cũng phải dè chừng và trang bị thiết bảo hộ cẩn thận mới dám tiến đến.
Ở phía Đông mũi Cape Bathurst, Tây Bắc đất nước Canada, có một ngọn đồi kỳ lạ mang tên Smoking Hills (hay còn gọi là Đồi bốc khói). Sở dĩ nó được gọi với cái tên đặc biệt như vậy là vì quanh năm suốt tháng khói bốc lên nghi ngút dù không có đốm lửa nào cháy. Những khối đá lại có màu đỏ rực như những hòn than, khói trắng bốc ra từ đá bất kể ngày đêm.
Khung cảnh chẳng khác nào địa ngục trần gian này đã từng gây sốc đối với những thủy thủ châu Âu khi lần đầu tiên họ phát hiện ra địa điểm này.
Theo Atlas Obscura, hiện tượng kỳ lạ này được nhà thám hiểm người Ireland, Robert McClure, khám phá vào đầu những năm 1800. Đoàn thám hiểm của ông đã thực hiện hành trình đến Bắc Cực để tìm kiếm nhà thám hiểm mất tích John Franklin, người đã biến mất 5 năm trước đó trong chuyến thám hiểm để lập bản đồ Hành lang Tây Bắc.
Con tàu Investigator di chuyển về phương Bắc băng qua Thái Bình Dương và tiến vào Bắc Băng Dương thông qua eo biển Bering. Sau đó, nó đi theo hướng đông để đồng hành cùng với một tàu thám hiểm khác của Anh di chuyển đến từ Tây Bắc.
Khi đoàn tìm kiếm của McClure đến cửa sông Horton trên vùng biển Beaufort gần Cape Bathurst (Canada), ông nhìn thấy đám khói từ những ngọn đồi phía xa. Nghi ngờ khói có thể đến từ lửa trại của Franklin, McClure lập tức cử một đội thủy thủ điều tra.
Nhóm thám hiểm phát hiện những cột khói dày đặc bốc lên từ các miệng phun trên mặt đất. Họ trở về với một hòn đá vẫn cháy âm ỉ. Theo những câu chuyện lan truyền, khi họ đặt hòn đá lên chiếc bàn gỗ của McClure, nó đã làm cháy một lỗ trên bề mặt.
Đoàn thám hiểm của McClure tin rằng hoạt động núi lửa đã tạo ra cảnh tượng đồi bốc cháy, nhưng thực tế có một lời giải thích khác.
Theo bài viết trên trang IFL Science ngày 16/5 mới đây, các nhà khoa học cho biết ngọn đồi tự bốc khói này là kết quả của một phản ứng hóa học diễn ra trong hàng ngàn năm.
Khói được tạo ra bởi quá trình đốt cháy tự phát của các lớp đá phiến. Trong đá phiến có các khoáng chất như lưu huỳnh, pyrite (khoáng chất sắt sunfua kết tinh) và than nâu. Khi các vách đá bị xói mòn, chúng lộ ra, phản ứng với không khí và bốc cháy, tạo ra một luồng khói liên tục chưa bao giờ dứt bất kể ngày hay đêm.
Kết quả của phản ứng này là khu vực xung quanh được bơm đầy khí sulfur dioxide, khiến không khí trở nên độc hại và khó thở.
Xung quanh ngọn đồi này còn có những vũng nước màu đỏ ruby nằm rải rác. Nước có tính axit và giàu lưu huỳnh. Nồng độ lưu huỳnh cao đồng nghĩa với việc không gian nồng nặc mùi trứng thối.
"Nó thực sự giống như địa ngục trần gian vậy. Mọi thứ về nó rất kinh khủng", Steve Grasby, một nhà khoa học nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Canada, người nghiên cứu địa hóa học của đá trầm tích, cho biết.
"Mặt đất rất nóng. Nó đen. Màu đen bao trùm khắp vùng. Nó là một loại bùn sâu nên khi bước qua, bạn cảm thấy như mình sắp bị mắc kẹt trong vùng đất nóng ẩm này. Và sau đó là những ống khói bốc ra. Âm thanh lớn, hơi nước. Mùi hydro sunfua nồng nặc", ông nói.
"Bạn phải mặc tất cả các thiết bị bảo hộ này, nếu không sẽ bị bỏng mắt và cổ họng. Nó có thể giết chết bạn ngay lập tức nếu bạn đến quá gần địa điểm này", Grasby nói thêm.
Không rõ khói đã bốc lên từ ngọn đồi trong bao lâu, nhưng Grasby nói rằng hiện tượng này có thể bắt đầu từ khoảng 7.000 đến 10.000 năm trước khi các sông băng rút đi trong khu vực và để lộ ra đồi đá này.
Người dân bản địa từ lâu đã đến khu vực này để thu thập than. Cộng đồng dân cư ở gần nhất (cách đó gần 100km) được gọi là Paulatuk, có nghĩa là “nơi có bồ hóng” hoặc “nơi có than” trong ngôn ngữ Inuvialuktun.
Đồi bốc khói nằm trên bờ biển phía Đông của Cape Bathurst, cách biển Beaufort vài km về phía Nam nên không có con đường nào dẫn đến khu vực này. Nếu muốn khám phá địa danh này, bạn chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay trực thăng hoặc thuyền.
Nguồn: Atlas Obscura, IFL Science