• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm ngơ Bắc Kinh, Mỹ tiếp tục “khuấy” căng thẳng Đài Loan

Thế giới 20/07/2018 16:38

(Tổ Quốc) - Kế hoạch tiếp tục để nhà lãnh đạo Đài Loan quá cảnh trên lãnh thổ Mỹ, rất có thể đẩy căng thẳng trên Eo biển Đài Loan vào đợt sóng mới.

Tờ SCMP đưa tin, Washington đang có kế hoạch để nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đi qua các sân bay ở phía nam nước này, khi bà công du tới Nam Mỹ để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Paraguay Mario Benitez.

Một nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ và Đài Loan cho hay, bà Thái có thể quá cảnh ở các sân bay Houston (Texas) hoặc Miami (Florida) trên đường tới Paraguay – quốc gia Nam Mỹ duy nhất trong số 18 nước có quan hệ ngoại giao toàn diện với Đài Bắc. Cũng theo nguồn tin trên, do e ngại sự phản đối của Trung Quốc, Mỹ gần như chắc chắn sẽ không để bà Thái đi vào các thành phố lớn như Washington hay New York.

Hiện Mỹ và Đài Bắc vẫn chưa quyết định điểm quá cảnh cho bà Thái. Cũng có khả năng, nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ đi qua “một nơi mà bà chưa từng đến” trước đây. Nếu điều này xảy ra, trạm dừng chân của bà Thái tại Mỹ rất có thể sẽ tiếp tục làm khuấy lên những căng thẳng địa chính trị liên quan tới các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông và Eo biển Đài Loan, cũng như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn phản đối việc Mỹ cho phép người đứng đầu Đài Loan quá cảnh trên lãnh thổ của Mỹ. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2016, bà Thái Anh Văn đã ba lần đi qua Mỹ trong các chuyến công du của mình.

Trong một email ngày 19/7, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, những lần quá cảnh như trên “được tiến hành dựa trên việc cân nhắc sự an toàn, thuận tiện và quyền lợi của hành khách; và phù hợp với chính sách Một Trung Quốc”.

Tuần trước, các quan chức phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã chỉ trích Washington sau khi hai tàu chiến của Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan và được Bộ Quốc phòng Mỹ miêu tả là “quá cảnh hợp pháp có thể chấp nhận”.

Liu Jieyi, Giám đốc Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, đồng thời là cựu Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ động thái nào gây tổn hại tới lợi ích quốc gia Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không chấp nhận nó”. Theo Liu, những hành động quân sự như trên, cùng với việc nhà lãnh đạo Đài Loan dừng chân tại Mỹ - cho thấy Mỹ vẫn đang tiếp tục ủng hộ các nỗ lực độc lập của Đài Bắc, bất chấp không có quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn của Đài Loan

Năm 1979, Washington đã dừng quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau khi chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, theo luật Mỹ, Washington phải đối xử với Đài Loan như một đồng minh và hỗ trợ quốc phòng cho hòn đảo thông qua việc bán vũ khí và trợ giúp quân sự, nhằm duy trì trạng thái không đối đầu trên Eo biển Đài Loan.

Cùng lúc, Mỹ thực thi chính sách mà đôi khi, một số nhà quan sát gọi là “ngăn chặn kép”, qua đó kiềm chế cả Đại lục và Đài Loan. Michael Fonte, một đặc phái viên của Đảng Dân chủ tiến bộ Đài Loan tại Mỹ nhận định, mục tiêu của Washington là cố gắng “ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan, và không để Đài Loan tạo ra căng thẳng vì mong muốn độc lập”.

Một trong những hệ quả đó chính là việc chính phủ Mỹ rất thận trọng “tiếp đón”  các nhà lãnh đạo Đài Loan nhưng cùng lúc, cũng tránh “chọc giận” Bắc Kinh.

Tháng 5/1995, ông Lý Đăng Huy là nhà lãnh đạo đương chức đầu tiên của Đài Loan được phép đi vào lãnh thổ Mỹ kể từ năm 1979, khi ông có bài phát biểu tại Đại học Cornell ở New York.

Sự kiện này đã làm nổ ra một cuộc khủng hoảng khi Bắc Kinh dừng quan hệ ngoại giao bán chính thức với Mỹ và bắt đầu tiến hành tập trận quân sự, dẫn đến việc Trung Quốc phóng tên lửa về khu vực biển gần Đài Loan.

Người kế nhiệm ông Lý, nhà lãnh đạo Trần Thủy Biển cũng dừng chân hai đêm tại New York vào cuối tháng 5/2001 trên đường đi tới Mỹ Latin. Khi trở về Đài Loan, ông cũng quá cảnh tại Houston.

Ngay sau khi nhậm chức, bà Thái Anh Văn đã dừng chân 24 giờ tại Miami khi công du tới Paraguay và Panama. Năm 2017, Panama cũng đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Tháng 1 và 10/2017, bà Thái còn dừng chân tại đảo Guam; Houston (Texas) và San Fraincisco (California).

Shirley Kan, một cựu chuyên gia về Đài Loan tại cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, kể từ năm 1994, thái độ của Mỹ trước những yêu cầu được quá cảnh trên lãnh thổ Mỹ từ giới lãnh đạo Đài Loan, đã có nhiều tiến triển. Từ việc ban đầu từ chối ông Lý Đăng Huy, Washington đã cho phép quá cảnh có hạn chế với ông Trần Thủy Biển. Sau đó, Mỹ tiếp tục “nới lỏng” lệnh cấm khi chấp nhận các lần “quá cảnh” có quy mô như chuyến thăm dành cho hai nhà lãnh đạo Đài Loan là Mã Anh Cửu và Thái Anh Văn.

Kể từ khi Luật Đi lại Đài Loan được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Donald Trump phê chuẩn vào năm nay, Bắc Kinh đã liên tục cảnh báo Mỹ kiềm chế không có các liên hệ chính thức hoặc cải thiện quan hệ với Đài Loan.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc… và xử lý chính đáng các vấn đề liên quan tới Đài Loan, nhằm duy trì lợi ích chung của quan hệ Trung Quốc – Mỹ, cũng như hòa bình và ổn định trên toàn Eo biển”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong một cuộc gặp mặt với người đồng cấp từ Mỹ Mike Pompeo.

Ruan Zongze, một cựu cố vấn chính trị tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nhận định, Bắc Kinh sẽ làm “bất kỳ điều gì có thể” để bảo vệ chính sách Một Trung Quốc. “Nếu lùi bước, Trung Quốc sẽ không có lợi ích gì”, ông Ruan chỉ ra.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ