(Tổ Quốc) - Những người dân Mỹ đang hy vọng lạm phát hạ nhiệt chưa thể nhìn thấy tín hiệu lạc quan rõ rệt trong báo cáo tháng Chín về vấn đề này.
Theo hãng tin AP, báo cáo ngày 12/10 của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng về lạm phát tại Mỹ được xem là văn bản cung cấp số liệu lạm phát cuối cùng trước cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng của Mỹ diễn ra vào ngày 8/11 tới.
FactSet cho biết: "Các nhà kinh tế ước tính chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng lên tới 8,1% trong tháng Chín. Đây là mức tăng đáng kinh ngạc mặc dù vẫn dưới mức đỉnh là 9,1% năm ngoái."
Chỉ số giá tiêu dùng lõi (đo lường những thay đổi trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, ngoại trừ thực phẩm và năng lượng) ước tính tăng 0,4% từ tháng 8 đến tháng 9, chậm hơn so với trước đó nhưng vẫn nhanh hơn nhiều so với mức thông thường trước đại dịch. Chỉ số giá tiêu dùng lõi trong tháng 9 được ước tính là tăng 6,5%, nhỉnh hơn so với mức 6,3% trong tháng 8. Con số này cũng vượt xa mức lạm phát 2% mà Cục Dự trữ Liên bang từ lâu đã đặt làm tỷ lệ mục tiêu.
Lạm phát đã làm leo thang giá cả ở hóa đơn mua hàng tạp hóa của các gia đình, tiền thuê nhà và chi phí tiện ích cũng như các khoản chi phí khác, gây khó khăn cho các hộ gia đình và làm cho nền kinh tế trở nên ảm đạm hơn bất chấp tín hiệu tăng trưởng mạnh trong thị trường việc làm và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
"Khi cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, người dân Mỹ ngày càng cảm thấy bất an về tài chính của họ", cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng cho biết.
Động thái của FED
Tuy nhiên, báo cáo lạm phát tháng 9 cũng không có khả năng thay đổi kế hoạch của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong mục tiêu tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. FED đã tăng lãi suất ngắn hạn chủ chốt thêm 3 điểm phần trăm vào tháng 3 năm nay, tốc độ được đánh giá là nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Động thái này nhằm mục đích tăng lãi đối với các khoản thế chấp, khoản vay mua ô tô và vay kinh doanh đồng thời sẽ giúp lạm phát hạ nhiệt. Song song với đó là làm chậm lại dòng chảy kinh tế toàn cầu.
Trong biên bản cuộc họp gần đây của FED vào cuối tháng 9, nhiều nhà hoạch định chính sách vẫn chưa nhìn thấy những tiến triển rõ rệt trong cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ sau nhiều lần tác động tăng lãi suất. Các quan chức của FED dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ lãi suất chuẩn thêm 1,25 điểm phần trăm trong hai cuộc họp vào tháng 11 và 12 tới. Làm như vậy sẽ đưa lãi suất chủ chốt của FED lên mức cao nhất trong 14 năm qua.
Cùng với giá xăng giảm, các nhà kinh tế cho biết giá ô tô đã qua sử dụng cũng giảm mạnh trong tháng Chín sau khi chỉ hạ nhẹ trong hai tháng trước đó. Giá bán buôn ô tô đã qua sử dụng cũng giảm trong gần cả năm nay mặc dù mức sụt giảm này vẫn chưa hiển thị rõ trong dữ liệu lạm phát của người tiêu dùng. Trước đó, giá xe đã qua sử dụng tăng mạnh vào năm 2021 sau khi các nhà máy ngừng hoạt động và tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng làm giảm sản lượng sản xuất. Các nhà bán lẻ lớn cũng bắt đầu giảm giá sớm trong mùa mua sắm nghỉ lễ sau khi đã tích lũy dư thừa kho dự trự quần áo, đồ nội thất và các hàng hóa khác vào đầu năm nay. Những đợt giảm giá có thể làm cũng giảm lạm phát trong tháng 9 hoặc trong những tháng tới.
Chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ cho biết sẽ giảm giá mạnh đối với các mặt hàng như đồ chơi, đồ gia dụng, đồ điện tử và mỹ phẩm. Xu hướng này sẽ tiếp tục được phát huy trong các kỳ nghỉ lễ vào tháng này. Tuy nhiên, giá dịch vụ, đặc biệt là tiền thuê nhà và chi phí nhà ở vẫn ở mức cao và có thể cần thêm nhiều thời gian để hạ nhiệt. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thậm chí là dịch vụ thú y đang tăng giá chóng mặt.
"Việc tăng giá dịch vụ đang kéo dài hơn nhiều so với tăng giá hàng hóa", ông Raphael Bostic, Chủ tịch Ngân hàng Liên bang Atlanta lưu ý trong nhận xét tuần trước.
Chi phí thuê nhà tăng là một vấn đề nan giải đối với FED. Các chuyên gia kinh tế lưu ý có thể sẽ phải mất thêm một năm nữa hoặc lâu hơn trước khi giá thuê nhà mới có thể giảm xuống trong các hợp đồng thuê mới./.