• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làn ranh đỏ khiến "món quà Giáng sinh" của Triều Tiên không thể là tên lửa?

Thế giới 23/12/2019 20:22

(Tổ Quốc) - Nhiều chuyên gia dự đoán, "món quà Giáng sinh" mà Bình Nhưỡng úp mở có thể là một vụ phóng thử tên lửa, nhưng điều có thực sự khả thi?

CNN dẫn lời một nguồn tin chuyên gia cho hay, Triều Tiên đang lên kế hoạch áp dụng một chính sách cứng rắn nhằm vào nước Mỹ có liên quan tới việc loại bỏ phi hạt nhân hóa ra khỏi bàn đàm phán, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang trở nên ngày càng dễ tổn thương về mặt chính trị.

Nguồn tin trên nhận định, chính sách mới gần như chắc chắn chính là "món quà Giáng sinh" mà một quan chức hàng đầu của Bình Nhưỡng từng đề cập tới hồi đầu tháng. Nó được cho là sẽ bao gồm việc hủy bỏ đàm phán với Washington và củng cố vị thế của Triều Tiên trong vai trò một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng cũng sẽ không coi việc dỡ bỏ trừng phạt là một biện pháp để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Thay vào đó, họ sẽ gia tăng cam kết với ý thức hệ của mình là tự dựa vào bản thân, hay còn gọi là Juche.

Làn ranh đỏ khiến "món quà Giáng sinh" của Triều Tiên không thể là tên lửa? - Ảnh 1.

Triều Tiên sẽ áp dụng một chính sách cứng rắn hơn đối với Mỹ? (ảnh: KCNA)

Năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố, Triều Tiên đã "hoàn tất" cuộc hành trình phát triển vũ khí hạt nhân và quyết tâm sẽ tập trung toàn bộ các nỗ lực vào phát triển kinh tế cũng như cải thiện đời sống người dân.

Hiện chưa rõ liệu chính quyền Trump sẽ có phản ứng gì nếu chính sách mới của Bình Nhưỡng trở thành sự thực. Trong hai năm gần đây, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã gặp mặt trực tiếp ba lần, nhưng các cuộc đàm phán cấp làm việc lại không có nhiều tiến triển. Trong khi thời hạn chót cuối năm cho thương lượng do Triều Tiên đặt ra đang tới gần, phát ngôn của hai bên đang dần trở nên căng thẳng giống như thời kỳ năm 2017.

Theo nguồn tin chia sẻ với CNN, ông Kim đang thực hiện cách tiếp cận "chờ và xem". Điều này dựa trên nhận định rằng Tổng thống Trump đang phải đối mặt với những thách thức trong sự nghiệp chính trị do cuộc điều tra luận tội và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Giới phân tích chỉ ra, Bình Nhưỡng đang lo ngại, nếu họ đạt được một thỏa thuận với chính quyền Trump nhưng tới tháng 11/2020, ông Trump bị thất bại trong bầu cử thì người kế nhiệm ông có thể sẽ không tuân theo thỏa thuận. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng và Washington đã ký kết những hiệp định không tồn tại được qua các chính quyền kế tiếp. Một ví dụ mà các nhà ngoại giao Triều Tiên nhìn vào chính là quyết định của ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Do đó, tại thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng không thể tin tưởng vào một cam kết lâu dài với Mỹ.

Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, Bình Nhưỡng sẽ xem xét việc trở lại bàn thương lượng; nhưng chắc chắn đã có nhiều rào cản được dựng lên giữa hai bên.

Nguồn tin khẳng định, giờ đây, phi hạt nhân hóa không còn nằm trong chương trình nghị sỹ đàm phán.

Khả năng phóng thử tên lửa "rất thấp"

Nhiều chuyên gia và nhà phân tích dự đoán, "món quà Giáng sinh" của Triều Tiên có thể là một vụ phóng tên lửa hoặc vệ tinh. Các bức ảnh vệ tinh thương mại thu được gần đây cho thấy hoạt động tại khu phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên và một khu vực khác có liên hệ với việc sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Tuy nhiên, theo nguồn tin của CNN, cơ hội Triều Tiên thực sự tiến hành một hành động khiêu khích như phóng thử vệ tinh, ICBM hay một vũ khí hạt nhân… là "rất thấp". Bởi vì, những động thái này không chỉ "kích động" phản ứng từ Mỹ mà còn cả Trung Quốc và Nga – hai đối tác thương mại quốc tế quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.

Cả Nga và Trung Quốc đều có mối quan hệ lịch sử lâu dài với Bình Nhưỡng. Đặc biệt Trung Quốc là đích đến của gần 90% giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Triều Tiên.

Nguồn tin hé lộ, các dòng cung cấp "cửa sau" từ Trung Quốc và Nga bắt đầu tái mở ra, và người Triều Tiên hiểu rằng, nếu trở nên quá cực đoan họ sẽ phải đối mặt với khả năng bị hai đồng minh lớn "bỏ rơi".

Cũng theo giới phân tích, mặc dù Trung Quốc và Nga muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, ưu tiên lớn nhất chính là ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Trong quá khứ, Moscow và Bắc Kinh từng đồng ý trừng phạt Bình Nhưỡng vì phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Năn 2017, cả hai nước đã thông qua lệnh trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên sau loạt vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của nước này.

Các hoạt động thử nghiệm gần đây tại khu Sohae được cho là giúp các nhà khoa học Triều Tiên "có thêm nhiều kiến thức có giá trị" nhưng không vượt qua làn ranh đỏ có thể khiến phá hoại quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Nga và Trung Quốc.

Trong những tháng qua, Triều Tiên đã tiến hành một loạt các vụ phóng tên lửa tầm ngắn. Điều này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh của một thỏa thuận đạt được giữa hai ông Trump và Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ cam kết dừng các vụ thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân.

Nếu Triều Tiên phá vỡ cam kết với Tổng thống Trump, gần như chắc chắn Mỹ sẽ có phản ứng mạnh.

"Mối quan hệ của tôi với ông Kim Jong-un rất tốt, nhưng nó không có nghĩa là ông ấy sẽ không tuân theo thỏa thuận mà chúng tôi đã ký kết", người đứng đầu nước Mỹ phát biểu bên lề một hội nghị thượng đỉnh NATO hồi đầu tháng. "Tôi hy vọng ông ấy tuân theo thỏa thuận, nhưng chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ