• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 "đánh gục" hệ thống y tế của Afghanistan

Thế giới 10/02/2022 14:38

(Tổ Quốc) - Các bệnh viện ở Afghnistan đối mặt với nguy cơ sụp đổ bởi các làn sóng dịch bệnh mới.

Theo hãng tin AP, chỉ 5 bệnh viện ở Afghanistan còn đủ sức để tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 trong khi 33 bệnh viện khác buộc phải đóng cửa trong thời gian gần đây vì thiếu bác sỹ, thuốc men và thiết bị y tế. Quốc gia này - vốn dĩ đã chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế tiếp tục đối mặt với sự khắc nghiệt lớn bởi làn sóng dịch bệnh quét qua.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 "đánh gục" hệ thống y tế của Afghanistan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tại bệnh viện Kabul, thời điểm này chỉ có thể sưởi ấm tòa nhà vào ban đêm vì thiếu nhiên liệu trong hoàn cảnh mùa đông giá rét. Bệnh nhân được cuốn trong chăn nặng để chống rét. Giám đốc bệnh viện Kabul – Tiến sỹ Mohammed Gul Liwal cho biết bệnh viện đang cần mọi thứ từ oxy đến thuốc.

Trong khi đó, bệnh viện truyền nhiễm Nhật Bản – Afghanistan có khoảng 100 giường bệnh. Khu vực điều trị Covid-19 luôn trong tình trạng quá đông bệnh nhân mắc Covid-19. Trước cuối tháng Giêng, bệnh viện chỉ tiếp nhận một hoặc hai bệnh nhân Covid-19 mới trong một ngày. Trong hai tuần qua, chỉ 10-12 bệnh nhân mới được tiếp nhận mỗi ngày.

"Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn", ông Liwal nói trong phòng họp. "Kể từ khi lực lượng Taliban tiếp quản, hầu hết các nhân viên bệnh viện chỉ nhận một tháng lương duy nhất vào tháng 12/2021."

Bên cạnh đó, hệ thống y tế Afghanistan cũng xuống cấp nghiêm trọng và nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng khi Taliban nắm quyền kiểm soát gần nửa năm qua.

Hệ thống y tế sụp đổ đã khiến cho khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn ở quốc gia này. Khoảng 90% dân số Afghanistan rơi vào cảnh nghèo đói và các gia đình hầu như không đủ khả năng chi trả đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

Theo AP, biến thể Omicron đã khiến người dân Afghanistan một lần nữa rơi vào cảnh khốn đốn. Người phát ngôn Bộ Y tế Công cộng Afghanistan – Tiến sĩ Javid Hazhir cho biết, các bệnh viện vẫn đang chờ các bộ kít xét nghiệm cho đến cuối tháng này.

WHO ghi nhận từ 30/1 đến 5/2, các phòng thí nghiệm công cộng ở Afghanistan đã xét nghiệm 8.496 mẫu, trong đó gần một nửa có kết quả dương tính với Covid-19.

"Nhu cầu khẩn cấp hiện tại ở Afghanistan là các bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Omicron trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng. Dù đã đạt được một số tiến bộ nhưng tình hình y tế tại Afghanistan vẫn rất nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng nhân đạo nặng nề đang tiếp tục đặt tính mạng người dân trước nguy cơ", Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định.

"Người dân thờ ơ với dịch bệnh"

Trong khi đó, chính quyền Taliban cũng phát động chiến dịch tiêm chủng để nhiều người dân có thể được tiêm vaccine. Tuy nhiên, hiện chỉ 27% dân số Afghanistan có thể tiêm chủng và hầu hết là loại vaccine J&J.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 "đánh gục" hệ thống y tế của Afghanistan - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tiến sĩ Mohammed Gul Liwal cho rằng việc bắt buộc người dân Afghanistan tuân thủ các quy trình an toàn tối thiểu như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội gần như là không thể bởi điều kiện sống của họ vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế Công cộng Afghanistan đã thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về giá trị của khẩu trang và giãn cách xã hội cho người dân nhưng hầu hết không để ý đến điều này.

Thậm chí ngay cả ở bệnh viện Afghanistan – Nhật Bản, hầu hết người dân đều không đeo khẩu trang cho dù là quy định bắt buộc của bệnh viện. Tại các khu chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ và nhân viên chỉ đeo khẩu trang và áo choàng phẫu thuật khi đưa bệnh nhân di chuyển từ giường này sang giường khác.

Người đứng đầu khu vực chăm sóc đặc biệt, Tiến sĩ Naeemullah cho biết bệnh viện cần thêm máy thở và đội ngũ bác sĩ để vận hành máy. Nhân lực ở bệnh viện đang phải làm quá nhiều việc nhưng không được trả lương. Theo ông Liwal, nhiều bác sĩ đã rời khỏi bệnh viện Afghanistan.

Hầu hết các nhân viên bệnh viện phải làm việc thường xuyên nhưng không nhận được bất kỳ đồng lương nào.

Trong tháng 12, một tổ chức từ thiện có trụ sở ở Mỹ đã kết hợp với Đại học Johns Hopkins thực hiện chương trình viện trợ để tạo điều kiện cho các nhân viên bệnh viện có thể nhận lương vào tháng 12 cũng như hy vọng có thể đảm bảo khoản lương tiếp theo vào tháng 1. "Bộ Y tế Công cộng Afghanistan cũng đang đàm phán với WHO để đảm nhận chi phí vận hành bệnh viện đến hết tháng 6", ông Liwal nói.

Theo Tiến sĩ Liwal, các bệnh viện khác của Kabul từng có khả năng tiếp nhận bệnh nhân nhưng hiện tại không đủ nguồn lực. Việc thiếu kinh phí và nhân viên y tế nghỉ việc đã khiến 33 cơ sở điều trị Covid-19 buộc phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Faridullah Qazizada, nhà vi trùng học duy nhất ở bệnh viện Afghanistan - Nhật Bản cho biết ông từng nhận lương khoảng 1000 đôla/tháng trước khi lực lượng Taliban tiếp quản Afghanistan. Tuy nhiên, hiện tại ông mới nhận được một tháng lương duy nhất kể từ tháng 8.

"Các trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất không đủ để điều trị bệnh nhân. Toàn bộ hệ thống y tế gần như sụp đổ", ông Faridullah Qazizada nói thêm./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ