• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU có kế hoạch mở lại cơ quan ngoại giao tại Afghanistan trong một tháng tới

Thế giới 25/10/2021 21:34

(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu đang tìm cách mở rộng tương tác với chính phủ lâm thời Taliban – một phần của phương pháp "tiếp cận đã được hiệu chỉnh".

Mở lại cơ quan đại diện ngoại giao của EU

Theo Financial Times, EU đang có ý định mở lại cơ quan đại diện ngoại giao tại Afghanistan trong vòng một tháng tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chương trình hỗ trợ nhân đạo của khối. Điều đó cho thấy các đại diện ngoại giao của EU sẽ trở lại Kabul sau 12 tuần rời khỏi thành phố.

EU có kế hoạch mở lại cơ quan ngoại giao tại Afghanistan trong một tháng tới - Ảnh 1.

Lực lượng Taliban ở bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Kabul vào tháng trước. Ảnh: Getty

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các siêu cường trên toàn cầu đang tính đến phương án tiếp cận mới với chính quyền Taliban tại Afghanistan. Bỉ cho biết đang tìm kiếm "cách tiếp cận được hiệu chỉnh" đối với các chiến binh hồi giáo, tiếp tục tiếp cận với chính quyền nhưng vẫn chưa công nhận tính hợp pháp.

Liên minh châu Âu nhấn mạnh, quá trình duy trì "quan hệ hạn chế" với chính quyền Taliban nhằm thực hiện chương trình vận động nhân quyền; ngăn chặn nguy cơ trở thành quốc gia "xuất khẩu khủng bố" một lần nữa đồng thời góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ở quốc gia này. Đây được xem là phản ứng đầu tiên của EU sau khi Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không hề có ý định đóng cửa đại sứ quán ở Afghanistan.

Bên cạnh đó, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) – cơ quan ngoại giao và an ninh của EU cũng đang có kế hoạch mở lại văn phòng đại diện ở Kabul nhằm triệu hồi các quan chức và nhà ngoại giao từ các nước thành viên ở đây trong quá trình đang chờ giải quyết lo ngại về bảo mật.

"Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm ở Doha", một quan chức giấu tên cho biết khi đề cập đến vai trò của thủ đô Qatar được xem như là địa điểm đối thoại giữa các quốc gia phương Tây và Taliban. Bỉ đã cử một phái đoàn đến Afghanistan vào tháng trước để đánh giá tính khả thi trước khi có kế hoạch đưa các nhà ngoại giao trở lại Kabul.

Trước đó, trong cuộc họp thượng đỉnh G20 trực tuyến vào ngày 12/10, EU đã cam kết gói viện trợ 1 tỉ Euro, bao gồm tiền hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp và tiền hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan đang tiếp nhận người Afghanistan chạy trốn khỏi Taliban.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, cho biết số viện trợ nói trên nhằm "ngăn chặn một cuộc sụp đổ kinh tế xã hội và nhân đạo lớn".

Một số ý kiến cho rằng, ở bối cảnh hiện tại, nếu không có sự hiện diện ngoại giao ở Afghanistan thì EU rất khó có khả năng tiếp cận cần thiết đảm bảo gói viện trợ khu vực trị giá 1 tỉ Euro cho Afghanistan. Vào tháng trước, Bỉ đã cố gắng đưa ra thỏa thuận với Kabul, cho phép nhân viên an ninh tư nhân hoặc vệ sĩ quốc gia thành viên tham gia bảo vệ tòa nhà ngoại giao mà EU có ý định cử điều phối viên đến. Tuy nhiên, họ phải miễn cưỡng chấp nhận giải pháp thay thế bằng việc tuân thủ các quy tắc: các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài sẽ do lực lượng an ninh Taliban giám sát.

Đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo

Người phát ngôn của EU - bà Nabila Massrali cho biết, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về điều khoản bảo mật.

"Các quốc gia thành viên có thể quyết định tham gia nhưng vẫn do quyết định từ phía họ. Chúng tôi muốn hỗ trợ tốt hơn cho người dân Afghanistan – những người đang cần giúp đỡ rất nhiều. Và điều đó ắt hẳn chúng tôi phải có tương tác với chính quyền Taliban", bà nói.'

Theo The Guardian, trước đó, ngày 14/9, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán với các thủ lĩnh mới ở Afghanistan, và EU sẽ tìm cách phối hợp với các nước thành viên để tổ chức một phái bộ ngoại giao tại Kabul.

Các Ngoại trưởng EU đã ra điều kiện tái thiết lập các quan hệ ngoại giao và nhân đạo với Taliban, trong đó có điều kiện là tôn trọng quyền của phụ nữ.

Theo tờ báo, EU từng khẳng định không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tham gia với chính quyền lâm thời Taliban để hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở Afghanistan. Liên minh châu Âu sẽ duy trì hiện diện ngoại giao tại Kabul.

"Đại sứ quán của các quốc gia thành viên đã đóng cửa và sẽ không mở trở lại. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có một phái đoàn của EU – không phải là đại sứ quán vì không phải đại diện của một quốc gia. Hoạt động này có thể áp dụng nếu các điều kiện an ninh đáp ứng nhằm thảo luận trực tiếp với chính phủ Taliban chặt chẽ hơn so với việc tham gia hội nghị truyền hình hoặc qua tin nhắn", ông Josep Borrell nhấn mạnh.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết, EU sẽ không công nhận tính hợp pháp của chính phủ Taliban nhưng khối có nhiều lợi ích nếu tham gia trao đổi trực tiếp với chính quyền mới. EU cũng đang đặt các điều kiện về mức độ tham gia của họ với Taliban, bao gồm cả vệ nhân quyền.

Bên cạnh đó, EU cũng bày tỏ lo ngại về khủng hoảng nhập cư khi nhiều người đang tìm cách rời khỏi Afghanistan trong những tháng tới.

"Đơn giản chúng tôi muốn bảo vệ người dân Afghanistan trong cuộc khủng hoảng nhân đạo. Và việc thảo luận với Taliban sẽ giúp chúng tôi nhanh chóng thực hiện sứ mệnh này đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện", ông Borrel nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ