• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo

Văn hoá 07/11/2023 11:32

(Tổ Quốc) - Với mong muốn bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống của làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng đã sáng lập nên Đoài creative - một không gian văn hóa sáng tạo dành cho du khách, đặc biệt là trẻ em, du khách quốc tế và những người làm trong ngành nghệ thuật được trải nghiệm các hoạt động mang tính nghệ thuật và sáng tạo, nhưng chứa đựng hơi thở văn hóa truyền thống của nơi đây.

Địa điểm văn hóa mới

Đến làng cổ Đường Lâm đi qua cổng làng Mông Phụ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi có một dãy nhà được trát vách bằng bùn trộn rơm rạ. Đó là Đoài creative – một không gian văn hóa sáng tạo, nơi tổ chức các lớp học về mỹ thuật cho trẻ em trong làng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thực hành nghệ thuật dành cho cộng đồng. Vẻ đẹp cổ kính của Đường Lâm luôn khơi gợi cảm xúc cho mọi người và Đoài creative tạo môi trường cho người ta thể hiện những sáng tạo ấy, dù là người nghiệp dư, hay những sinh viên học mỹ thuật, khách du lịch quốc tế...

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 1.

Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, chủ của không gian văn hóa sáng tạo Đoài creative

Chia sẻ về cơ duyên đến với làng cổ Đường Lâm, Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, chủ của không gian sáng tạo cho biết: "Hồi ấy, tôi có dịp về làng chơi và lưu trú vài ngày, tình cờ thay lại gặp được một người bạn đang sinh sống tại đây. Người ấy đã kết nối và giúp tôi có được nền móng để tạo lên một xưởng gỗ chuyên phục dựng nhà cổ - một công việc có ý nghĩa và thật sự yêu thích với bản thân mình. Với tôi, Đường Lâm mang đậm nét truyền thống của người Việt, đó là sự giao thoa và hợp nhất của cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Cái tình yêu văn hóa của một con người nghệ sĩ, cũng như những cảm nhận của tôi về một Đường Lâm yên bình, thân thuộc đã khiến tôi quyết định gắn bó lâu dài và làm một điều gì đó cho nơi đây. Đặc biệt trong quá trình sinh sống tại Đường Lâm, tôi cảm nhận rõ được những giá trị truyền thống và văn hóa đang dần bị mai một và biến mất một cách vô cùng đáng tiếc. Đó cũng là lúc, Đoài creative ra đời với sứ mệnh tái sinh và phát triển các giá trị truyền thống tại Đường Lâm, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật và sáng tạo".

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 2.

Từng là một gian nhà dùng để chuyên sửa xe cũ trong nhiều năm qua, đã được anh cải tạo thành một không gian văn hóa sáng tạo đầy ấn tượng

Từng là một gian nhà dùng để chuyên sửa xe cũ trong nhiều năm qua, một dãy kiốt 7 gian lợp ngói với diện tích khoảng 100m2, đã được anh cải tạo thành một không gian văn hóa sáng tạo đầy ấn tượng. "Tôi đã "ngắm" ngôi nhà này từ rất lâu nên sau khi thuê lại được từ chủ cũ, ngôi nhà được tôi cải tạo thành quay lưng ra đường, quay mặt vào sân, nhưng cái lưng nhà được tôi thiết kế một loạt cửa sổ. Cách thiết kế này khiến ngôi nhà trở thành không gian mở cả hai chiều, phần hướng ra đường và phần nhìn ra sân nhà. Ngôi nhà cũ được lợp lại ngói, thiết kế một số công năng cho hoạt động văn hóa.

Ngoài ra, tôi khai thác những vật liệu cũ còn tận dụng được, sử dụng vật liệu thân thiện, gần gũi của Đường Lâm như: gỗ, tường đắp đất, mái ngói,…Bức tường gạch xây trát vữa cũ được đắp lại bằng đất trộn rơm theo phương thức truyền thống của nhà nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Việc có phụ gia khiến vách bùn hạn chế được những bất cập trong những ngôi nhà vách xưa. Điều đó khiến không gian Đoài creative vừa giữ được nét cổ xưa, vừa tạo cảm giác ấm cúng gần gũi" – Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng chia sẻ thêm.

Lan tỏa giá trị di sản làng cổ

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 3.

Không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo của các du khách

Hiện nay, đến với làng cổ Đường Lâm, ngoài việc tìm hiểu về giá trị lịch sử, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động sáng tác mỹ thuật khác nhau như: vẽ ngói, làm tranh, điêu khắc, làm diều,... để cảm nhận văn hóa truyền thống xứ Đoài. Song, điều độc đáo nhất là không gian này khác với những không gian văn hóa sáng tạo ở những nơi khác là khuyến khích mọi người sáng tác dựa trên chất liệu thân thiện và luôn mang dấu ấn truyền thống.

Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng chia sẻ: "Với những chiếc ngói cổ tại Đường Lâm, thay vì dỡ chúng và bỏ đi, tôi đã đi thu gom lại để có thể tận dụng làm nguyên liệu sáng tác, cùng với đó là những viên gạch cũ, những cánh cửa cũ, du khách đến đây có thể vẽ, nặn đất nặn hay thực hiện bất cứ ý tưởng nào với chúng. Khi tác phẩm hoàn thành, khách có thể mang tác phẩm của mình đi. Với ý tưởng độc đáo này, tôi nghĩ rằng sẽ khiến khách du lịch thích thú, vì họ đem theo được "chất quê" của nông thôn Việt bên mình. Đồng thời, còn giúp mọi người cảm nhận rõ nét hơn về các giá trị đặc trưng tại Đường Lâm".

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 4.

Điều độc đáo nhất là của nơi đây là khuyến khích mọi người sáng tạo trên những chất liệu truyền thống.

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 5.

Vào thứ 7, chủ nhật, nơi đây lại trở thành lớp học mỹ thuật cho các em nhỏ trong làng

Bên cạnh đó, ở không gian này, anh Khuất Văn Thắng đang tổ chức lớp dạy về nghệ thuật cho hơn 30 đứa trẻ trong làng. Các em sẽ sáng tác về chính làng quê của mình trên nền của những viên ngói, viên gạch, cánh cửa cũ mà anh thu gom được. Qua đó, giúp cho các em nhỏ hiểu và trân trọng những giá trị di sản văn hóa của ngôi làng mình đang sinh sống.

Cùng với những hoạt động thường ngày như thế, Đoài creative còn nhiều hoạt động và sự kiện khác nhau như: Sự kiện Lăng kính tuổi thơ – trưng bày các tác phẩm của trẻ thơ, sự kiện online Sáng tạo không rào cản – khuyến khích mọi người gỡ bỏ rào cản trong tư duy sáng tạo, triển lãm cá gỗ, dự án thời trang cá gỗ, sự kiện trăng thơ xứ Đoài,… Đồng thời, Đoài creative còn nhận được sự ủng hộ của nhiều trường học trên Hà Nội như: Alfred Nobel, Chu Văn An,...để tạo lên các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn tại Đường Lâm và thậm chí là ở nhiều nơi khác.

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 6.

Nhiều trường học kết nối với Đoài creative để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh

Một trong những nét văn hóa độc đáo của Đường Lâm là "mõ cá gỗ" vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn tại Đoài creative cho đến tận bây giờ. Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng cho biết: Quan niệm của dân gian xưa, mõ cá gỗ là biểu tượng của câu chuyện "Vượt vũ môn hóa rồng". Với người dân làng cổ, chiếc mõ cá chính là sức sống không thể thiếu của ngôi làng tượng trưng cho hy vọng về sự sống và tinh thần lạc quan. Chúng là vật dụng thay thế cho loa đài ngày xưa để truyền hiệu lệnh đến người dân mỗi dịp họp làng. Chính vì thế, đây là biểu tượng cổ vật quý giá tại ngôi làng nên tôi mong muốn làm một điều gì đó thật tuyệt vời vừa xây dựng biểu tượng đẹp, vừa lan tỏa rộng rãi giá trị văn hóa cốt lõi của làng cổ Đường Lâm. Và vừa qua, chúng tôi đã đăng ký thành công nhãn hiệu "cá gỗ" tới cục sở hữu trí tuệ. Đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng, giúp Đoài lưu giữ và phát triển hình ảnh cá gỗ, từ đó nhằm đưa văn hóa và bản sắc Đường Lâm đi muôn nơi".

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 7.

Biểu tượng "cá gỗ" - Một trong những nét văn hóa độc đáo của Đường Lâm

Cũng theo Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, trong con đường lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa của Đường Lâm nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng ta cần nhận thấy rõ tầm quan trọng của các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, nơi mà mọi thứ trở nên 'phẳng' hơn, khi công chúng đang du nhập quá nhiều văn hóa từ nước ngoài mà quên đi tiếng nói riêng của văn hóa Việt Nam trên mảnh đất hội nhập quốc tế. Thì chỉ có bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam mới là lời khẳng định mạnh mẽ nhất cho tinh thần yêu nước của người trẻ hiện nay.

"Tôi hy vọng rằng Đoài sẽ là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật tại Đường Lâm, từ đó thu hút du khách và phát triển du lịch tại nơi đây một cách bền vững" – Kiến trúc sư Khuất Duy Thắng bày tỏ.

Lan tỏa giá trị di sản qua không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 8.

Đoài creative đã nhận được sự hưởng ứng và quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước

Một trong những yếu tố khiến Hà Nội "ghi điểm" khi ứng cử Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là việc có nhiều không gian sáng tạo. Tuy nhiên, hầu hết các không gian sáng tạo đều nằm ở khu vực nội đô. Và Đoài creative đã đem lại một nét mới mẻ khi gắn bó với văn hóa làng cổ. Đến thời điểm này, Đoài creative đã nhận được sự hưởng ứng và quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước, các bạn sinh viên, người yêu thích nghệ thuật, từ đó đã chứng minh một hướng đi mới trong lan tỏa nét đẹp văn hóa làng cổ thông qua không gian sáng tạo. Đó cũng là gợi ý hay để Hà Nội có thêm những không gian sáng tạo khác ở những làng nghề, làng cổ./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ