Việt Nam hiện có khoảng 200 không gian văn hóa sáng tạo (KGVHST) đang hoạt động trên cả nước, thu hút hàng nghìn người tham gia. Với tính chất giao thoa giữa văn hóa và kinh tế của mô hình, việc mở đường, hỗ trợ để các hoạt động KGVHST hiệu quả, được đánh giá sẽ góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Không gian mới, điểm đến mới
Từ lâu, làng Cựu-ngôi làng biệt thự ở phía nam Hà Nội là điểm đến của người mê nhiếp ảnh và từng được công chúng biết đến nhiều qua nhiếp ảnh. Nhưng cả tuần qua, làng Cựu bỗng “nổi tiếng trở lại” nhờ ý tưởng hay của một nhóm họa sĩ. Làng Cựu được tái hiện dưới góc nhìn mới, góc nhìn hội họa. Nhóm họa sĩ 33A xây dựng dự án “Ðánh thức di sản”, thông qua các chuyến đi thực tế ghi chép tư liệu, các họa sĩ sẽ vẽ về di sản, danh lam thắng cảnh, đình chùa, đền miếu, vẽ các làng nghề cổ truyền ở mọi miền đất nước… 9 họa sĩ của nhóm đã đến làng Cựu thực hiện chuyến điền dã. Họ ăn, ở cùng dân làng để cảm nhận những nét đẹp của ngôi làng cổ. Mỗi người có những cảm nhận riêng và thể hiện cảm nhận của mình qua từng phong cách. Họ đã đem thành quả những ngày lao động của mình đến Triển lãm “Bóng di sản” và đang trưng bày tại Nhà triển lãm 29 phố Hàng Bài (Hà Nội). Một điểm chung của những bức tranh là sự tĩnh lặng, những nét đẹp xưa cũ ở làng Cựu đang bị xô đẩy bởi thời cuộc. Nhiều ngôi nhà cổ đã bị phá đi, thay thế bằng những ngôi nhà bê tông cốt thép. Và chính điều đó khơi gợi trong mỗi người những xúc cảm, trách nhiệm đối với di sản.
Con đường ven bờ vở sông Hồng (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ tháng 2-2020 đến nay dường như tấp nập hơn. Sự có mặt 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng của 16 nghệ sĩ trong Dự án nghệ thuật Phúc Tân-sông Hồng đã đánh thức không gian đẹp từng là cửa ngõ giao thương của Hà Nội một thời. Ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ, đã sống ở Phúc Tân đến nay tròn 60 năm, trong ký ức của ông nơi đây trước là đồng bãi, rộng rãi và thưa thớt, nhiều hộ dân đã tự ý san lấp, lấn chiếm bờ vở và lòng sông, hình thành những khu vườn kiên cố… Dù chính quyền đã nhiều lần ra quân xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, lấn chiếm tại khu vực này nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm vẫn là một thách thức. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: “Một không gian đẹp, thơ mộng bên sông nhưng đang đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường, khiến nhóm nghệ sĩ càng có quyết tâm hơn khi tham gia dự án. Nếu như ở các không gian khác, nghệ thuật thường đi sau, sạch rồi mới đẹp thì ở đây nghệ thuật lại đi trước một bước, nghĩa là làm đẹp rồi mới sạch”. Dự án nghệ thuật Phúc Tân-sông Hồng sau khi hoàn thành được coi là điểm sáng trong việc đánh thức các không gian công cộng ở Hà Nội. Điểm sáng đó chính là sự tham gia của người dân cùng nhau gom vật liệu để giúp họa sĩ làm tác phẩm…
Có thể nói, kiến tạo KGVHST đang trở thành hướng đi, được nhiều địa phương chú trọng thúc đẩy nhằm mang tới những lợi ích cho cộng đồng, thu hút sự tham gia của đông đảo các thành viên đang hoạt động ở hầu khắp các lĩnh vực, nổi bật là nghệ thuật. Theo thống kê của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam-Vicas (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nếu như năm 2014 tại Việt Nam có khoảng 40 KGVHST thì tới nay đã lên khoảng gần 200. Những KGVHST thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, giáo dục… thu hút sự quan tâm của cộng đồng, như Hà Nội có: Phố đi bộ hồ Gươm, Phố sách, Phố bích họa Phùng Hưng, Cà phê thứ bảy, Ơ kìa Hà Nội, Heritage Space…; TP Hồ Chí Minh với: Đường sách, Salon Saigon, A. Farm, Sàn Art Laboratory…; Huế có NewSpace Art Foundation…
Cần có đường đi dài
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Vicas cho hay, một quốc gia khởi nghiệp thì sáng tạo là hạt nhân. Khi tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt thì sáng tạo chính là nguồn “tài nguyên” vô tận và cần được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời đại ngày nay. Sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật càng phải được chú trọng, không chỉ tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng mà còn tạo nên sức mạnh “mềm” trong điều kiện Việt Nam hội nhập với quốc tế. KGVHST chính là các mô hình đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành bản sắc đô thị, góp phần đưa nghệ thuật vào cuộc sống, làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ tri thức.... Bên cạnh đó, các mô hình này còn tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, tình trạng của các KGVHST trong bối cảnh này đang rất đáng báo động. Bởi nguồn thu chính của những không gian này không dựa vào các hoạt động trực tiếp, như: Triển lãm, chiếu phim, giảng dạy, biểu diễn... mà phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ hoặc vào các nguồn tài trợ, dự án ngắn hạn. Khi dịch Covid-19 ập đến, họ không kịp chuẩn bị về nguồn lực và năng lực để chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ của mình. Gần 200 KGVHST đang hoạt động trong mạng lưới của Việt Nam hầu như đều có quy mô nhỏ. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho thuê địa điểm và duy trì hoạt động lại đắt đỏ, việc không có nguồn thu khiến đa phần các địa chỉ KGVHST trở nên khó khăn chồng chất khó khăn, vì “yếu” nên dễ chết yểu nếu... ra gió.
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng một câu hỏi được đặt ra, hết dịch thì khả năng “hồi sức” của những KGVHST này sẽ như thế nào? Viện trưởng Vicas Bùi Hoài Sơn cho hay, ở các nước, nếu cần giúp đỡ thì nhà nước sẽ tập trung vào các không gian văn hóa nghệ, thuật tư nhân. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần một gói cứu trợ khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ thuê địa điểm, trợ cấp thất nghiệp, vay ưu đãi, miễn giảm thuế... cho các KGVHST. Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, Vicas, Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh thông qua dự án KGVHST Việt Nam thực hiện từ năm 2018 đến 2021, đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu, báo cáo về KGVHST ở Việt Nam và tư vấn chính sách hoạt động cho lĩnh vực này.
“Cần có đường dài để thúc đẩy các KGVHST” là nhận định của ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê. Cũng theo ông Vinh, ở các quốc gia phát triển, người ta lập ra các quỹ văn hóa, mà đóng góp tài chính đều từ các doanh nghiệp, các tỷ phú, triệu phú. Tùy vào mục tiêu của mỗi quỹ mà họ tài trợ cho các hoạt động, chương trình nghệ thuật có giá trị. Đơn cử như Hàn Quốc lập quỹ bảo trợ văn hóa ở cấp quốc gia, với mục tiêu dùng văn hóa để dọn đường cho kinh tế, thương mại và xây dựng thương hiệu chung cho các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, đã có các doanh nghiệp, như: Toyota, Sun Group… đầu tư cho các dàn nhạc giao hưởng để mang nghệ thuật tới cộng đồng. Đó là các loại hình nghệ thuật có giá trị cao, nâng tầm thưởng thức văn hóa của công chúng, nhưng khó làm và khó thu lợi nhuận. Đây là những hình thức bảo trợ ban đầu, khá tốt, mà các doanh nghiệp tiên phong này phải rất nỗ lực mới có thể đi được đường dài. Các KGVHST muốn có đường dài, thì việc ủng hộ của công chúng và các doanh nghiệp là rất quan trọng.