• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Lan tỏa" vaccine COVID-19 khắp Mỹ Latin, Nga sắp hưởng trái ngọt?

Thế giới 18/02/2021 14:33

(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, Nga đang trở thành nhà cung cấp vaccine COVID-19 chủ chốt cho Mỹ Latin. Động thái này có thể dẫn tới những hệ quả lâu dài trong định hình thế giới hậu đại dịch cũng như vị thế của Mỹ tại khu vực.

Những thách thức đối nội và đối ngoại mà Nga đang phải đối mặt dường như không có nhiều ảnh hưởng tại Mỹ Latin. Gần đây, một bài báo đánh giá tích cực về vaccine Sputnik V của Nga đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet, đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ các chính phủ Mỹ Latin.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ Moscow

Mặc dù từng được coi là "sân sau" địa chính trị của Washington, Mỹ Latin đang ngày càng hướng về Moscow khi tìm kiếm sự trợ giúp trong cuộc chiến với đại dịch. 6 quốc gia trong khu vực – Argentina, Bolivia, Mexico, Nacaragua, Paraguay và Venezuela – đều đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Các nước khác đang khẩn trương xem xét yêu cầu cấp phép trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên thế giới còn đang rất khan hiếm.

Nhu cầu mua vaccine đang rất khẩn thiết tại Mỹ Latin. Đây cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona; tuy nhiên, các chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn vẫn chưa được tiến hành.

Theo Đại học Oxford, tại các nước Nam Mỹ, trung bình cứ 100 người dân được tiêm chưa đầy 2 liều vaccine – một tỷ lệ quá thấp so với 5 liều/100 người dân tại EU và 14 liều/100 người dân tại Mỹ.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Hội đồng Đối ngoại Nga là Danil Bochkov nhận định, các hợp đồng luôn sẵn sàng chờ ký kết của Nga là yếu tố then chốt trong sứ mệnh phổ biến vaccine ra toàn Mỹ Latin.

"Làm việc với một quốc gia bao giờ cũng dễ dàng hơn với công ty tư nhân… Các công ty nhà nước sở hữu sẽ dễ dàng đàm phán hơn, đặc biệt nếu họ theo đuổi các mục tiêu chính trị", ông Bochkov nói với CNN.

Còn ông Eduardo Valdes, một cựu nhân viên ngoại giao và hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Argentina tiết lộ, thương lượng với Moscow thuận lợi hơn so với Pfizer. Ban đầu chính phủ Argentina cũng dự định mua vaccine từ công ty này. "Khi nhìn vào hợp đồng, chúng tôi đánh giá hợp đồng với Pfizer không tuân thủ các quy trình pháp lý như chúng tôi kỳ vọng. Vì vậy chúng tôi tìm tới người Nga và Tổng thống [Argentina] Fernandez đã trực tiếp liên hệ với Tổng thống [Nga] Putin, sau đó mọi chuyện được đẩy nhanh ", ông Valdes nói.

Cho tới hiện tại, Argentina đã mua 25 triệu liều vaccine Sputnik và phân phát được 600.000 liều. Trong khi đó, những liều vaccine Pfizer đầu tiên vẫn đang trong quá trình chờ được sử dụng.

Hai nước láng giềng Peru và Brazil cũng gặp khó khăn khi đàm phán hợp đồng với Pfizer, và phải quay sang các loại vaccine khác như Peru chọn Sinopharm của Trung Quốc và Brazil chọn Coronavac và AstraZeneca.

Hai yếu tố nữa khiến Sputnik V được ưa chuộng tại Mỹ Latin đó là giá thành rẻ và khá dễ dàng bảo quản.

Giá một liều vaccine Nga vào hoảng $10 – bằng một nửa so với vaccine Pfizer ($19,5). Sputnik V có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C và không đòi hỏi nhiệt độ đông lạnh nhanh như vaccine của Pfizer. Không chỉ có nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, các nước Mỹ Latin còn thiếu cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu từ Pfizer – đặc biệt là ở các vùng nông thôn khó khăn.

Trên thế giới, khoảng 26 quốc gia đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V.

Nga sẽ được gì?

Theo nhiều nhà ngoại giao và giới phân tích tại Buenos Aires và La Paz, Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đây có thể tận thưởng những "trái ngọt" từ việc bán vaccine bao gồm coi nó như một tấm danh thiếp vàng để bắt đầu các mối quan hệ mới.

Andres Serbin, Chủ tịch Tổ chức tư vấn chính sách CRIES tại Buenos Aires, lợi ích của Nga tại Mỹ Latin trộn lẫn giữa chính trị (thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại Tây bán cầu) và thương mại (mở rộng thị trường cho các công ty Nga). Các hợp đồng vaccine hướng tới cả hai mục tiêu này.

"Nga đánh ván cược lớn vào vaccine: trong những năm gần đây, Nga đã tái khám phá Mỹ Latin, không phải vì ý thức hệ và bởi vì nếu mục tiêu của anh là nghi ngờ các giá trị và quy tắc của trật tự thế giới tự do, Mỹ Latin đặc biệt là một khu vực nhạy cảm với mục tiêu đó", ông Serbin chỉ ra.

Cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách cải thiện danh tiếng sau nhiều năm đối đầu với Mỹ và EU. Vai trò của vaccine đối với các nước đang phát triển là một cơ hội tuyệt vời để thực hiện một chiến dịch PR lớn. Theo ông Bochkov, "Nga đã hoàn toàn biến Sputnik V thành một công cụ ngoại giao tuyệt hảo".

Về mặt thương mại, bán hàng triệu liều vaccine sẽ thu về lợi nhuận nhiều triệu USD – một yếu tố cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế Nga sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Cơ hội bị phương Tây bỏ qua

Học giả về truyền thông chính trị người Argentina Amadeo Gandolfo phân tích, các cường quốc phương Tây đáng lẽ phải nắm chắc các lợi thế chính trị - thậm chí là đạo đức. Ông cho rằng, các nước phương Tây đã bỏ lỡ cơ hội lớn có được thắng lợi về mặt đạo đức khi cho phép các công ty đăng ký bản quyền sáng chế với vaccine.

"Khi cả thế giới đều cần vaccine, để nó rơi vào tay các công ty dược phẩm và không cho phép tự do hóa công thức, tôi nghĩ điều này đã đẩy một phần các nước Mỹ Latin rời xa khỏi Mỹ", ông Gandolfo nói.

Giờ đây, dưới ảnh hưởng của bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong khi các công ty tư nhân như Pfizer và AstraZeneca phải "vật lộn" để hoàn thành các đơn đặt hàng thì các phòng thí nghiệm khác lại không thể tham gia sản xuất cùng loại vaccine và gia tăng nguồn cung.

Thay vào đó, một số nước phương Tây lại đầu tư vào cơ chế Covax – một khung làm việc được Tổ chức Y tế Thế giới bảo trợ nhằm mua vaccine theo số lượng lớn và đảm bảo phân phối cho các nước đang phát triển không thể tự mua vaccine.

Tuy nhiên, mặc dù khẳng định sẽ ưu tiên bốn nước Mỹ Latin bao gồm Bolivia và Colombia có vaccine sớm, nhưng đến giờ, các nước này vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vaccine nào theo cơ chế Covax.

Theo cựu đại sứ Bolivia tại Liên Hợp Quốc Pablo Solon, các chính phủ phương Tây sẽ phải trả giá đắt về địa chính trị hậu COVID. "Đôi khi thế giới là đa cực nhưng trong thế giới đa cực này, Nga và Trung Quốc đang tiến đi cực nhanh. Tình hình vaccine chỉ giúp xu thế đó ngày càng mạnh mẽ hơn", ông Solon kết luận.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ