• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa ra mắt, báo cáo điều tra của WHO về COVID-19 tại Vũ Hán đã đối mặt loạt chỉ trích

Thế giới 17/02/2021 17:10

(Tổ Quốc) - Tờ SCMP đăng tải, sau một tháng có mặt tại Vũ Hán (Trung Quốc) để điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19, đoàn các nhà khoa học quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phải đối mặt với một số chỉ trích cũng như loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp về loại virus đang khiến toàn cầu thay đổi.

Đã một tuần trôi qua kể từ khi đoàn chuyên gia tổ chức họp báo tại Vũ Hán – thành phố có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019. Tại sự kiện, một quan chức WHO cho hay, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "gần như không thể xảy ra". Phát biểu này đã làm gia tăng trọng lượng cho một nhận định khác của Bắc Kinh rằng, virus có thể đến từ các hàng hóa đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc.

Các kết quả tìm kiếm của đoàn đã vấp phải nhiều nghi ngờ từ chính phủ Mỹ và Anh. Theo Washington, Trung Quốc không cung cấp đủ minh bạch cần thiết. Các thành viên trong đoàn đã giải thích về một số hạn chế trong nhiệm vụ của họ, trong khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, "tất cả các giả thuyết" về nguồn gốc virus đều đã được xem xét.

Hiện mọi sự chú ý đang dồn vào các báo cáo chính thức sẽ được công bố trong tuần này và sau đó là một báo cáo tổng thể.

"Minh bạch, minh bạch và minh bạch. Đó là yếu tố quyết định cuộc chơi", giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học Quốc gia Singapore Ayelet Berman nói. "Cách tốt nhất để gia tăng độ tín nhiệm cho bản báo cáo là nó phải càng chi tiết càng tốt và được hỗ trợ bởi dữ liệu gốc".

Còn chuyên gia về điều hành y tế từ Đại học Griffith (Australia) Sara Davies chỉ ra, bất kỳ dữ liệu thiếu sót nào trong quá trình đánh giá cần phải được nêu rõ trong bản báo cáo. "Một số thành viên trong đoàn khá cởi mở khi nói về những gì đã tiếp cận và không tiếp cận được… [nhưng] bản báo cáo hiện giờ lại không thể bao gồm những điều đó", bà Sara nói. "Đây có thể là cơ hội để đi sâu hơn vào các chi tiết và giải thích các giả thuyết theo cách mà không phải lúc nào cũng xuất hiện trong một cuộc họp báo".

Chưa ra mắt, báo cáo điều tra của WHO về COVID-19 tại Vũ Hán đã đối mặt loạt chỉ trích - Ảnh 1.

Trưởng đoàn điều tra WHO Peter Ben Embarek tại sân bay Vũ Hán hôm 10/2 (ảnh: SCMP)

Tuần trước, đoàn chuyên gia cho hay, "gần như chắc chắn" virus Sars-CoV-2 bắt nguồn từ con dơi và ảnh hưởng tới con người thông qua một động vật trung gian. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm ra được cơ chế này xảy ra như thế nào hoặc ở đâu.

Cùng lúc, nhiều nghi ngờ nảy sinh liên quan tới nguồn thông tin hạn chế mà các nhà khoa học WHO có thể tiếp cận tại Trung Quốc. Theo nhà virus học Marion Koopman – một thành viên trong đoàn, họ không được tiếp cận các mẫu máu trong ngân hàng máu từ tháng 11/2019 cho phép hiểu rõ hơn về sự lây lan virus tại Vũ Hán trước thời điểm các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Science, Trưởng đoàn Peter Ben Embarek nói, các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đã tranh cãi xung quanh cách điều tra hồ sơ bệnh án của những trường hợp có khả năng bị lây nhiễm sớm. Những tiêu chuẩn khác nhau có thể dẫn tới thêm hàng trăm trường hợp khác cần được xem xét và "điều này vẫn đang được lên kế hoạch cho tương lai".

Ông Embarek cũng tiết lộ, đoàn làm việc không nhận được giấy phép để chính thức điều tra Viện Virus học Vũ Hán – nơi tiến hành nghiên cứu virus corona trên loài dơi.

Giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm được chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ mặc dù vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào.

Cuối tuần trước, cố vấn an ninh của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden là Jake Sullivan bày tỏ quan ngại về những kết quả tìm kiếm ban đầu của đoàn chuyên gia WHO. Ông Sullivan cũng kêu gọi Trung Quốc "cung cấp dữ liệu từ những ngày đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát".

Lập trường của Mỹ nhận được sự đồng tình từ London. Hôm thứ Hai (15/2), Thủ tướng Anh Boris Johnson nói, các cường quốc thế giới nên ký một hiệp ước toàn cầu về đại dịch nhằm đảm bảo những minh bạch cần thiết.

Bắc Kinh luôn kịch liệt phủ nhận giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh, họ luôn ủng hộ WHO và sứ mệnh điều tra.

Trong khi đó, một số chuyên gia nhấn mạnh, theo luật pháp quốc tế, WHO không có khả năng gây sức ép yêu cầu Trung Quốc tạo điều kiện để tiếp cận nguồn dữ liệu mở của bệnh nhân hay chính thức điều tra các phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.

"WHO không có bất kỳ quyền lực pháp lý chính thức nào để buộc Trung Quốc phải cung cấp các dữ liệu như vậy", giáo sư Berman của Đại học Quốc gia Singapore giải thích.

Ông Lawrence Gostin, Giám đốc Viện Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) nói, "thời điểm và các điều khoản trong cuộc điều tra của WHO" cho thấy tổ chức này cần phải được trao thêm nhiều quyền lực hơn nữa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, khả năng hành động bên ngoài các quy định sẵn có để WHO có thêm "tiếng nói" đối với các quốc gia – là điều rất khó khăn.

"WHO không sở hữu quyền được xuất hiện tại bất kỳ quốc gia nào mà không cần tới lời mời và [tổ chức] phải thể hiện sự tôn trọng ngoại giao lẫn nhau trong quá trình làm việc với các chính phủ", Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, nói trong cuộc họp báo ngày 15/2 tại Geneva (Thụy Sỹ). "Bởi vì đây là một quá trình hợp tác tìm hiểu giữa các nhà khoa học, rõ ràng vẫn tồn tại một tầng chính trị khiến việc quản lý trở nên khó khăn hơn cho tất cả các bên".

Còn bà Davies từ Đại học Griffith cho rằng, "cách tiếp cận củ cà rốt" có thể sẽ đem tới kết quả tốt hơn cho WHO cũng như việc tìm kiếm nguồn dữ liệu và nghiên cứu thực địa trong tương lai tại Trung Quốc. Gần như chắc chắn, bản báo cáo sắp tới sẽ được coi như là sự khởi đầu cho một cuộc điều tra tiếp theo và có thể là một phần trong cách tiếp cận này.

"Nếu anh thực sự muốn có dữ liệu, anh cần phải chứng được chính xác những gì đang còn thiếu và tại sao nếu thiếu chúng thì sẽ không thể đi tới được kết luận cuối cùng", bà Davies nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ