• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lãnh đạo Công ty CP thép Dana - Ý nói gì về quyết định xử phạt, đình chỉ hoạt động nhà máy của chính quyền TP. Đà Nẵng

Thời sự 26/11/2018 08:13

(Tổ Quốc) - Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý cho rằng quyết định ngừng hoạt động là quyết định vô cùng hệ trọng và ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp, ảnh hưởng trật tự xã hội và môi trường đầu tư thành phố, ảnh hưởng đến an sinh xã hội khi người lao động thất nghiệp, không có việc làm...

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã đưa tin, ngày 22/11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã ký Quyết định số 5585/QĐ-XPVPHC và Quyết định  xử phạt vi phạm hành chính lần lượt  đối với hai nhà máy thép Dana-Ý  và Dana - Úc (đóng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý bị xử phạt 400 triệu đồng, Công ty Cổ phần Thép Dana – Úc bị xử phạt 740 triệu đồng. Ngoài số tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm, 2 công ty thép còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất 6 tháng để khắc phục các vi phạm.

Việc không thực hiện cam kết giải tỏa dân ra khỏi Cụm CN Thanh Vinh là lỗi của thành phố?

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý cho biết đã nhận được quyết định xử phạt của UBND TP Đà Nẵng và sẽ có văn bản khiếu kiện quyết định này. Theo ông Tân, năm 2006, Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý chuyển nhà máy từ KCN Hòa Khánh về Cụm công nghiệp Thanh Vinh là do TP Đà Nẵng tự bố trí vị trí (có bút tích của cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Trần Văn Minh) và Công ty buộc phải thực hiện.

"Tiếp đó, việc không thực hiện cam kết giải tỏa dân ra khỏi Cụm công nghiệp Thanh Vinh là lỗi của thành phố. Hơn nữa, việc tiếp tục cấp đất cho người dân và để họ làm nhà càng ngày càng tiến sát nhà máy là lỗi của cơ quan cấp phép. Rõ ràng, việc quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố là trách nhiệm của Thành phố, chứ không phải của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quy hoạch bố trí sai vị trí cho công ty, buộc công ty đang hoạt động ổn định tại KCN Hòa Khánh về Cụm CN Thanh Vinh là trách nhiệm của TP Đà Nẵng, còn công ty chỉ là "nạn nhân" khi phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào dự án rồi bị vướng vào hậu quả của vấn đề quy hoạch này", ông Tân cho biết.

Lãnh đạo Công ty CP thép Dana - Ý nói gì về quyết định xử phạt, đình chỉ hoạt động nhà máy của chính quyền TP. Đà Nẵng - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý.

Theo ông Tân, hoạt động đầu tư dự án nhà máy thép Dana - Ý tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh là hoàn toàn hợp pháp theo sự kêu gọi và cấp phép đầu tư của UBND TP. Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của công ty được đầu tư kỹ lưỡng và hoạt động tốt, kết quả quan trắc định kỳ thể hiện các chỉ số môi trường đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép đối với hoạt động sản xuất thép theo quy định pháp luật.

Nhưng vì người dân ở sát cạnh với nhà máy, không đảm bảo tiêu chuẩn cách ly giữa khu dân cư và cụm công nghiệp, nên vẫn bị ảnh hưởng trong quá trình nhà máy hoạt động. Đây là lỗi từ công tác quy hoạch nên cơ quan cấp phép đầu tư và cơ quan quản lý quy hoạch phải chịu trách nhiệm về việc này.

"Như vậy, đúng ra, Thành phố phải thể hiện trách nhiệm của mình với người dân và doanh nghiệp, có sai thì phải sửa, quy hoạch không đúng thì điều chỉnh quy hoạch (di dời dân hoặc di dời nhà máy). Thế nhưng, cách giải quyết của Thành phố trong thời gian vừa qua lại là đẩy toàn bộ trách nhiệm cho doanh nghiệp, đổ tiếng oan cho doanh nghiệp là "kẻ nhảy dù" (đầu tư bất hợp pháp) vào cụm công nghiệp Thanh Vinh; là doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường (dù không dựa trên bất kỳ quy định pháp luật hoặc cơ sở khoa học nào) gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây ảnh hưởng đến quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố; đồng thời, sử dụng mệnh lệnh hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật làm cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, bức tử doanh nghiệp là không công bằng và vi phạm pháp luật nghiêm trọng", ông Tân cho hay.

Gần 1.000 lao động mất việc làm, công ty thiệt hại hàng trăm tỷ

Theo ông Tân, ngày 02/3/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký Công văn số 1446/UBND-QLĐTư buộc Công ty ngừng ngay lập tức toàn bộ hoạt động sản xuất (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường nhưng không căn cứ bất kỳ kết luận, cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý nào xác định Nhà máy Dana - Ý hoạt động gây ô nhiễm môi trường và thuộc trường hợp buộc phải dừng hoạt động do vi phạm pháp luật về môi trường. Vì vậy, Công văn số số 1446/UBND-QLĐTư là quyết định hành chính trái pháp luật của người có thẩm quyền. Hậu quả là Nhà máy bị ngừng hoạt động từ ngày 02-26/3/2018, gây thiệt hại 100 tỷ đồng, hàng nghìn người lao động bị mất việc làm và doanh nghiệp bị mang tiếng xấu trong mắt của người dân và đối tác là "doanh nghiệp gây ô nhiễm".

Lãnh đạo Công ty CP thép Dana - Ý nói gì về quyết định xử phạt, đình chỉ hoạt động nhà máy của chính quyền TP. Đà Nẵng - Ảnh 2.

Người dân nhiều lần tụ tập trước cổng nhà máy thép Dana - Ý để ngăn chặn, không cho nhà máy hoạt động vì họ cho rằng ô nhiễm...

Ngày 23/3/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tiếp tục ký ban hành Thông báo số 30/TB-UBND khôi phục hoạt động của nhà máy từ ngày 26/3/2018 nhưng nhiều nội dung trong thông báo không rõ ràng (đề nghị nhà máy không thực hiện mở rộng sản xuất, không giao kết hợp đồng mua bán nguyên liệu là phế liệu để sản xuất thép)và UBND TP công bố thông tin không chính xác trên phương tiện truyền thông là nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng thêm 6 tháng để giải quyết hàng hóa tồn đọng và đến này 26/9/2018 sẽ chấm dứt hoạt động. Như vậy, Thông báo số 30/TB-UBND là quyết định hành chính không rõ ràng. Điều này làm các khách hàng và đối tác không tin tưởng vào khả năng hoạt động và cung cấp hàng hóa của Công ty nên không giao dịch. Đồng thời, Công ty khó khăn trong nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất và vay vốn. Điều này dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất của Công ty trong 6 tháng này sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu hoạt động không đủ chi trả chi phí hoạt động và lãi vay, sụt giảm thu nhập. Công ty đang tính toán cụ thể khoản thiệt hại này.

"Ngày 27/9/2018 đến nay, Nhà máy bị dừng hoạt động bởi những hành vi hành chính không phù hợp của UBND TP và cơ quan trực thuộc UBND TP, cụ thể: UBND TP không họp dân vào ngày 27/6/2018 (kết thúc thời hạn 6 tháng quyết định phương án theo Thông báo 30/TB-UBND) để trả lời chính thức phương án xử lý di dời nhà máy hay di dời dân như đã hứa, dẫn đến việc người dân bức xúc bao vây nhà máy, không cho nhà máy hoạt động từ ngày 27/9/2018 (kết thức thời hạn hoạt động 6 tháng của nhà máy theo Thông báo 30/TB-UBND) để gây sức ép cho thành phố giải quyết. Kể cả đến hôm nay, Thành phố vẫn chưa họp dân làm cho việc bao vây của người dân kéo dài", ông Tân cho biết và nói việc ban hành các Quyết định hành chính, đặc biệt là Quyết định 5585/QĐ-XPVPHC ngày 22/11/2018 đã gây ra từ sai lầm này nối tiếp sai lầm khác, chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào đường cùng, bức tử doanh nghiệp; đẩy gần 1.000 lao động cùng gia đình vợ con họ vào cảnh thất nghiệp.

"Việc áp dụng biện pháp buộc dừng hoạt động sản xuất thêm 6 tháng để khắc phục, Công ty đã có rất nhiều giải trình chi tiết về vấn đền này. Quyết định ngừng hoạt động là quyết định vô cùng hệ trọng và ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp, ảnh hưởng trật tự xã hội và môi trường đầu tư thành phố,  ảnh hưởng đến an sinh xã hội khi người lao động thất nghiệp, không có việc làm", ông Tân cho hay.

Lãnh đạo Công ty CP thép Dana - Ý nói gì về quyết định xử phạt, đình chỉ hoạt động nhà máy của chính quyền TP. Đà Nẵng - Ảnh 3.

Khoảng cách ly giữa nhà máy và nhà dân quá gần nhau.

Thành phố không công bố kết quả quan trắc môi trường!

Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Thép Dana – Ý cho rằng, UBND TP Đà Nẵng không công bố kết quả quan trắc môi trường nhà máy dẫn đến việc người dân không để nhà máy họat động vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vào tháng 7/2018, Thành phố đã cho tiến hành kiểm tra, thực hiện quan trắc môi trường và hàng loạt các biện pháp đánh giá liên quan đến môi trường khác nhưng không phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy thép Dana - Ý.

"Với kết quả kiểm tra thu được, theo nguyên tắc thì UBND Đà Nẵng phải công bố cho người dân được biết để giải quyết mối lo ngại về hoạt động của Nhà máy. Nhưng ngược lại, UBND Đà Nẵng vẫn "im lặng", không công bố (dù Công ty đã hàng chục lần kiến nghị) để mặc cho người dân hiểu nhầm mà thực hiện hành vi cản trở hoạt động nhà máy đến thời điểm hiện tại", ông Tân cho hay.

Ngoài ra, ông Tân cho rằng, UBND TP đề nghị Công ty tạm dừng hoạt động kể từ ngày 26/9/2018 để ổn định an ninh, trật tự khu vực nhưng từ đó đến nay, UBND TP vẫn không có hành động hoặc phương án giải quyết việc bao vây trái phép của người dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (mặc dù công ty đã nhiều lần kiến nghị).

"Thật sự bất công và vô pháp, khi giữa một nhà nước pháp quyền như hiện nay mà sự vi phạm pháp luật trắng trợn và gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng như vậy diễn ra gần 02 tháng qua nhưng UBND TP và cơ quan có thẩm quyền không ngăn chặn và giải quyết", ông Tân cho biết.

Ông Huỳnh Văn Tân: Ngày 22/11/2018, Phó Chủ tịch thành phố, ông Hồ Kỳ Minh tiếp tục ký ban hành Quyết định số 5585/QĐ-XPVPHC đối với Công ty, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty bằng tiền và đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty trong thời hạn 6 tháng để khắc phục, mặc dù tại Biên bản làm việc về vi phạm hành chính số 41/BB-VPHC ngày 29/10/2018, công ty đã giải trình với Thanh tra thành phố các hành vi này hoàn toàn không thuộc lỗi của doanh nghiệp. Những lỗi vi phạm này không đến mức phải đình chỉ sản xuất. Vấn đề lớn để hoàn thành các hồ sơ thiếu sót của doanh nghiệp cũng chính từ khoảng cách ly giữa nhà máy và nhà dân, mà việc này nếu giao cho doanh nghiệp yêu cầu khắc phục thì hoàn toàn nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.

Phúc An

NỔI BẬT TRANG CHỦ