(Tổ Quốc) - Quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ, sáng kiến mới của Washington tại châu Phi có thể làm giảm những ảnh hưởng của Bắc Kinh và Moscow.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây tiết lộ, Washington đã lên kế hoạch để đối phó với những ảnh hưởng kinh tế và chính trị đang gia tăng nhanh chóng của Nga và Trung Quốc tại châu Phi.
Trong bài phát biểu tại Quỹ Di sản hôm thứ Năm (13/12), ông Bolton nói, ưu tiên số một của Mỹ sẽ là phát triển các mối quan hệ kinh tế với lục địa đen, nhằm tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ, đồng thời bảo vệ sự độc lập của các nước châu Phi và lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.
"Các đối thủ lớn, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tài chính và chính trị trên toàn châu Phi", ngài Cố vấn cảnh báo. "Họ đang cố tình và mạnh mẽ hướng các khoản đầu tư trong khu vực vào việc đạt được một lợi thế cạnh tranh đối với Mỹ".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang nỗ lực tìm cách giải quyết những tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo ông Bolton, Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả cho vay nợ chiến lược để "khiến các nước châu Phi nghe theo những yêu cầu và mong muốn của Bắc Kinh".
Các đối thủ lớn, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tài chính và chính trị trên toàn châu Phi.
John Bolton
Trong khi đó, từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Khang nhấn mạnh, quan hệ hợp tác của Trung Quốc với châu Phi là giúp đỡ châu lục này phát triển và đã nhận được nhiều sự đánh giá cao của người dân và chính phủ nơi đây.
"Khi chúng tôi nói về hợp tác với châu Phi, chúng tôi chủ yếu nói về những gì mà châu Phi cần như nông nghiệp và hiện đại hóa", ông Lu nói trước báo giới. "Tuy nhiên, người Mỹ, ngoại trừ việc nói về những nhu cầu của chính nước Mỹ, lại không nghĩ cho châu Phi, mà chỉ đề cập tới Trung Quốc và Nga. Điều này thật là thú vị".
Người phát ngôn cũng khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác hữu nghị, hai bên cùng có lợi với châu Phi cho dù ai có nói gì đi chăng nữa.
Không chỉ đối với Trung Quốc, ông Bolton cũng sử dụng một giọng điệu khá gay gắt khi nhắc tới Nga. "Tại khắp châu Phi, Nga đang tận dụng các mối quan hệ chính trị và kinh tế mà hầu như không tuân theo luật lệ hoặc có sự thực thi minh bạch đáng tin cậy nào", ông chỉ trích.
Quan chức cấp cao Mỹ cũng cáo buộc Nga bán vũ khí và năng lượng để đổi lấy phiếu bầu tại Liên Hợp Quốc, nhằm bảo vệ quyền lực, gây ảnh hưởng tới hòa bình – an ninh, và "đi ngược lại lợi ích của người dân châu Phi".
Theo ông Bolton, Nga và Trung Quốc đã gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế của châu Phi và đe dọa tới độc lập kinh tế của các quốc gia tại châu lục này. Đặc biệt, ông tiết lộ, Mỹ đang phát triển sáng kiến có tên gọi "Châu Phi thịnh vượng" nhằm hỗ trợ sự đầu tư của Mỹ tại châu Phi và gia tăng tầng lớp trung lưu trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông John Bolton
Landry Signe, một học giả của chương trình Sáng kiến tăng trưởng châu Phi, thuộc Viện Brookings tại Washington một mặt đánh giá cao những chú trọng chính sách của chính quyền Tổng thống Trmp tới thương mại và đầu tư, thay vì an ninh. Mặt khác, ông bày tỏ mong muốn có được những chi tiết cụ thể hơn trong kế hoạch hành động trên.
"Chiến lược châu Phi mới của Washington phản ánh sự thấu hiểu chính xác hơn về dòng chảy đang thay đổi nhanh chóng trong lòng châu Phi", ông Signe nói. "Tuy nhiên, chiến lược có vẻ như không đủ để giải quyết hiệu quả những nguy cơ dành cho kinh tế, an ninh cũng như lợi ích của Mỹ".
Chúng ta cần phải được làm rõ hơn về những lĩnh vực mà chính phủ Mỹ muốn đặt ưu tiên đầu tư tại châu Phi.
Judd Devermont
Judd Devermont, giám đốc của Chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington đánh giá, sau hai năm "xung đột nội bộ" trong chính quyền, sự ra đời của chiến lược châu Phi là một tín hiệu đáng mừng. Mặc dù vậy, ông không hài lòng khi Trung Quốc lại chiếm tỷ trọng lớn trong nội dung bài phát biểu của Cố vấn John Bolton, thay vì những chi tiết xung quanh các kế hoạch của Mỹ.
"Trung Quốc xuất hiện trong mọi thứ và ở mọi vấn đề quan trọng trong từ thương mại, đầu tư và minh bạch", ông Devermont nói. "Chúng tôi không có được nhiều thông tin cụ thể liên quan tới cách tiếp cận và thực thi của sáng kiến 'Châu Phi thịnh vượng'. Đó lẽ ra phải là những tiêu đề chính của chiến lược."
"Chúng ta cần phải được làm rõ hơn về những lĩnh vực mà chính phủ Mỹ muốn đặt ưu tiên đầu tư tại châu Phi", chuyên gia này cho biết. "Chúng cần phải được làm rõ với người châu Phi để giải thích, tại sao một số nước lại nhận được đầu tư".
Ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại châu Âu đang ngày càng gia tăng?
Các chính sách của Trung Quốc tại châu Phi đang ngày càng khiến Washington lo ngại. Hồi tháng Bảy, người đứng đầu Tổ chức Đầu tư Tư nhân Nước ngoài Mỹ (OPIC) cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách kiềm chế các nước châu Phi nghèo bằng các khoản nợ phi bền vững, thông qua các dự án hạ tầng cơ sở quy mô lớn không khả thi về mặt kinh tế.
Ông Bolton tuyên bố, cách tiếp cận của Mỹ đối lập hoàn toàn với Trung Quốc. "Cách chúng tôi làm kinh tế thẳng thắn hơn nhiều", ông khẳng định.
Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra mục tiêu xây dựng một mạng lưới hạ tầng cơ sở rộng lớn trên cả đường bộ và đường biển, kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, nền kinh tế kém phát triển của châu Phi đã tạo điều kiện cho tình trạng bạo lực và chủ nghĩa khủng bố không ngừng gia tăng. Ông nói, chính quyền sẽ làm hết sức mình để đảm bảo những hỗ trợ của Mỹ được sử dụng hiệu quả, với các khoản đầu tư vào y tế, giáo dục, các biện pháp tăng cường minh bạch chính phủ và tài chính, pháp luật…
"Chúng tôi sẽ khiến tất cả những hỗ trợ cho khu vực – cho dù là phục vụ nhu cầu an ninh, nhân đạo hoặc phát triển, đều củng cố lợi ích của Mỹ", ông Bolton tỏ ra chắc chắn.