• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lầu Năm Góc dẫn đầu ngoại giao Mỹ tại châu Á

Thế giới 23/11/2019 13:34

(Tổ Quốc) - Chuyến công du của Bộ trường Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Đông Nam Á tuần này thể hiện ưu tiên của ông Trump về chiến lược ngoại giao do quân sự đi đầu, theo Asia Times.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper tuần này đã có chuyến thăm Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Mục đích của chuyến đi, như ông Esper cho biết trên chuyến bay tới châu Á vào ngày 13/11, là để củng cố tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác, thảo luận về các vấn đề chính để đảm bảo rằng họ hiểu rõ rằng khu vực [Ấn Độ-Thái Bình Dương] là ưu tiên số một của Bộ Quốc phòng Mỹ".

Đằng sau tuyên bố này, ông Esper cũng có thể muốn hòa hoãn ánh nhìn về việc ông Trump không tham dự một loạt các cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gần đây được tổ chức tại Bangkok, theo Asia Times.

Lầu Năm Góc dẫn đầu ngoại giao Mỹ tại châu Á - Ảnh 1.

Lầu Năm Góc đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại châu Á. Ảnh: Asia Times/ AFP.

Trong khi đang phải đối mặt với cuộc luận tội, tập trung vào cuộc chiến thương mại và tham gia chiến dịch tái tranh cử năm 2020, hầu như không ngạc nhiên khi ông Trump không đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á thường niên trong năm thứ hai liên tiếp.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông Trump lại được kết hợp cùng cả sự thiếu vắng Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và thay vào đó, Mỹ được đại diện bởi cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump Robert O'Brien và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Liệu chuyến đi với định hướng an ninh của ông Esper tới khu vực này có điều chỉnh những tín hiệu không tích cực về ngoại giao trên hay không vẫn là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, điều rõ ràng là ông Trump ủng hộ những nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc dẫn đầu tiến trình ngoại giao thực hiện chính sách của ông đối với khu vực chiến lược này.

Elizabeth Becker, một nhà báo đã đưa tin về châu Á kể từ năm 1970, cho biết, ngày nay, Mỹ chủ yếu gắn kết với khu vực này với tư cách là một cường quốc quân sự.

Tăng cường hợp tác an ninh

Đầu tuần này, ông Esper nói với các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Bangkok rằng Hoa Kỳ nghi ngại về ý định của Trung Quốc đối với bộ quy tắc ứng xử được chờ đợi từ lâu đối với Biển Đông - nơi giá trị thương mại ước tính trị giá 5 tỷ USD mỗi năm đi qua và được cho là có trữ lượng khí đốt sinh lợi.

Trước cuộc họp đó, ông Esper đã ký một Tuyên bố Tầm nhìn chung quốc phòng với đồng minh lâu năm Thái Lan, cùng với nhiều động thái khác, hướng tới hợp tác an ninh song phương, xây dựng năng lực, giáo dục, đào tạo và các sáng kiến để cải thiện khả năng tương tác và hiện đại hóa quốc phòng và các cơ chế an ninh.

Thông báo này được đưa ra sau khi Thái Lan vào tháng trước nhận nhóm đầu tiên trong số 120 xe bọc thép Stryker dành cho các đơn vị bộ binh, theo đó sẽ được giao cho đội bảo vệ tinh nhuệ của Vua Maha Vajiralongkorn.

Thái Lan, giống như những nước khác trong khu vực, đang tìm cách đạt được sự cân bằng chiến lược tinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, gắn kết với 2 nước ở những vấn đề không ảnh hưởng đến nhau.

Trong trường hợp của Thái Lan, điều đó có nghĩa là họ cho phép người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei dẫn đầu sự phát triển và triển khai mạng 5G, tìm kiếm một địa điểm được hai bên đồng ý để đặt một tàu ngầmTrung Quốc được mua gần đây để không gây trở ngại cho tàu Mỹ vào căn cứ hải quân Sattahip.

Sự hiện diện Trung Quốc đang lên

Mỹ đã coi Trung Quốc là một đối thủ tiềm năng lớn nhất của mình trong báo cáo an ninh quốc gia được công bố trong những tháng gần đây, động thái diễn ra khi Bắc Kinh ngày càng khẳng định sức nặng của mình trên khắp châu Á.

Một số nhà phân tích nhận thấy sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Đông Nam Á đang diễn ra theo cách gợi nhớ đến Học thuyết Monroe cũ của Mỹ, khi Washington hạn chế sự tiếp cận của các cường quốc khác vào châu Mỹ.

Chuyến đi của ông Esper cũng diễn ra khi Bộ trưởng Thương mại Ross dẫn đầu một phái đoàn đại diện các công ty Mỹ có chuyến công du Indonesia, Thái Lan và Việt Nam vào ngày 3-8/11. Bên cạnh việc kí kết các thỏa thuận thương mại, ông Ross cũng đề cập với các nước ASEAN về một số vấn đề của chính quyền Trump: sự mất cân bằng thương mại nghiêm trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - 1,23 nghìn tỷ USD nhập khẩu vào Hoa Kỳ nhưng chỉ xuất khẩu 720 tỷ USD và cách các nền kinh tế của Châu Á phát triển thịnh vượng trong khi quân đội Hoa Kỳ cố gắng bảo đảm các tuyến đường biển và các thị trường mở của Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng năng suất của châu Á.

Chiến lược Ưu tiên nước Mỹ và chi trả công bằng là một phần trong chính sách châu Á của Trump, điều cũng ngày càng đặt Trung Quốc vào thế căng thẳng với họ về các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh, cũng như gia tăng sự canh tranh Mỹ - Trung tại khu vực này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ