(Tổ Quốc) - Chiều 24/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình dự kiến và thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Hôm nay, các ĐBQH sẽ "chấm điểm" các chức danh và kết quả được công bố vào buổi chiều.
- 24.10.2018 Hôm nay 24/10: Bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TTTT, bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm
- 22.10.2018 Lấy phiếu tín nhiệm: Đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm
- 22.10.2018 Tuần đầu tiên kỳ họp thứ 6: Quốc hội tập trung cho công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm
Theo danh sách, khối Chủ tịch nước có 1 người, khối Quốc hội có 18 người, khối Chính phủ có 26 người; 3 chức danh còn lại thuộc về Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Chia sẻ với phóng viên tại nghị trường, ĐBQH đoàn Hải Dương Vũ Trọng Kim cho hay, việc "chấm điểm" này dựa trên các yếu tố: Có hoàn thành nhiệm vụ không, quyền hạn có sử dụng đúng không; trách nhiệm phục vụ nhân dân như thế nào; lối sống, đạo đức, mức độ nhiệt tình của người đó trong công việc, có làm hết sức mình không?
Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Nam Nguyễn
Và việc kê khai tài sản, có điều gì bất thường không, mức sống có quá xa cách với người dân không?
Nhấn mạnh việc kê khai tài sản, ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, việc này nhân dân cũng theo dõi, do đó việc giải trình rất quan trọng. "Tuy nhiên, tôi chưa thấy có sự trình bày cụ thể về vấn đề này. Bản kiểm điểm của những người lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới các ĐBQH, nhưng trong đó ít người nói tới vấn đề tài sản"- ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.
Trong khi đó, theo ĐBQH đoàn TP HCM Phạm Khánh Phong Lan, khi "chấm điểm" các chức danh, bà sẽ chú ý tới cá nhân người được bỏ phiếu như thế nào; thứ hai là hiệu quả trong công việc chung.
"Rõ ràng xuất phát điểm của các chức danh là khác nhau, thí dụ, có những bộ ngành, lĩnh vực có nhiều tồn đọng từ thời gian trước, có thể tới ngày hôm nay, kết quả thực hiện được chưa phải là hoàn hảo nhưng có tiến bộ thì cũng nên được đánh giá.
Tiếp đó, với kết quả đó, vai trò cá nhân của chức danh đó đóng góp như thế nào? Thể hiện ra làm sao? Các vị ĐBQH cũng như tôi đã có thời gian tương đối dài từ 2016 tới nay. Chúng tôi đã có hơn nửa nhiệm kỳ để phân tích, đánh giá"- Bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Là thành viên của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, vị ĐB này cho rằng, lĩnh vực an sinh xã hội đã có những nỗ lực, hay lĩnh vực y tế cũng đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên về mặt căn cơ, bà cho biết, cá nhân chưa an tâm với chính sách an sinh xã hội của chúng ta hiện nay, đặc biệt là tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT và hiệu quả như thế nào để đảm bảo mỗi người dân trong xã hội được bảo vệ; được bảo đảm những nhu cầu tối thiểu trước những biến động.
Về mặt giáo dục, "tuy toàn ngành đã có những cố gắng nhưng với tất cả những tiêu cực xảy ra thì tôi chưa thấy được sự quyết liệt và giải pháp để xử lý một cách rốt ráo"- Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
Theo lịch, chiều nay, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này.
Cũng trong ngày làm việc hôm nay, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước./.