(Tổ Quốc) - Các xe bưu chính màu đỏ là một dấu hiệu rất quen thuộc tại Ấn Độ. Mỗi ngày, những chiếc xe này thực hiện hàng nghìn chuyến đi dọc theo mạng lưới bưu điện rộng lớn của quốc gia châu Á bao gồm hơn 600.000 thành phố, thị trấn và ngôi làng lớn nhỏ.
Tại Ấn Độ, dịch vụ bưu chính không chỉ là giao thư và bưu phẩm. Đó còn là ngân hàng, quỹ hưu trí và một công cụ tiết kiệm chủ chốt cho hàng triệu người dân Ấn Độ. Và giờ đây, các xe bưu chính còn vận chuyển cả vật tư, thiết bị y tế tới những địa điểm cần thiết nhất, vào thời điểm mà tất cả các phương tiện giao thông đều không được hoạt động.
Khi Ấn Độ bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 24/3 nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, tất cả mọi công việc kinh doanh - ngoại trừ các ngành nghề thiết yếu, được yêu cầu đóng cửa và mọi người dân phải ở trong nhà.
Do lệnh giới nghiêm chỉ được thông báo có 4 giờ trước khi chính thức có hiệu lực, nhiều ngành nghề đã "không kịp trở tay", bao gồm cả các bệnh viện, công ty dược phẩm và phòng thí nghiệm đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chúng tôi thường phải dựa trên dịch vụ giao hàng để gửi các sản phẩm tới khách hàng, nhưng giờ đây không một dịch vụ nào hoạt động", ông Ashok Kumar Madan, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ (IDMA) chia sẻ với kênh BBC. Một phần không nhỏ trong các sản phẩm là những loại thuộc thiết yếu cho điều trị tim hoặc ung thư.
Sau đó, ông nhận được một cuộc gọi từ người phụ trách dịch vụ bưu điện ở bang Uttar Pradesh, ông Alok Ojha. Do IDMA đã hợp tác với bưu chính ở bang Gujarat trong việc vận chuyển và phân phát thiết bị và thuốc men y tế, ông Ojha đề nghị làm điều tương tự nhưng ở quy mô lớn hơn.
Bưu chính Ấn Độ chính là một trong số ít các ngành nghề thiết yếu vẫn được hoạt động bình thường trong thời kỳ phong toả.
"Chúng tôi cho rằng mình có thể hỗ trợ vì đã có sẵn mạng lưới rộng khắp", ông Ojha nói. "Điều này sẽ giúp thuốc men được lưu chuyển trên thị trường và tránh được tình trạng tích trữ".
Rất nhanh, nhiều người khác bắt đầu liên lạc và đề nghị được giúp đỡ.
Tiến sỹ Ujjala Ghoshal, một chuyên gia sinh học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Sanjay Ganhdi ở TP Lucknow cho hay, bà đã gọi điện cho ông Ojha khi một chuyến hàng các bộ xét nghiệm COIVD-19 mà bà đang cần gấp bị kẹt lại ở thủ đô Delhi cách đó 550 km.
"Viện nghiên cứu nói với chúng tôi là, cần phải cử ai đó tới Delhi để lấy các bộ xét nghiệm bởi vì công ty vận chuyển họ thường sử dụng hiện không hoạt động, nhưng chúng ta không thể làm vậy được do lệnh phong toả", bà Ghoshal nhắc lại tình huống khó khăn ban đầu trước khi phải viện tới sự giúp đỡ của dịch vụ bưu điện.