• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu tích cực về COVID-19 bất ngờ đẩy Tổng thống Trump vào "thế khó" mang tính lịch sử?

Thế giới 13/04/2020 07:51

(Tổ Quốc) - Tám ngày trước, Tổng thống Donald Trump từng yêu cầu người dân Mỹ chuẩn bị tinh thần cho "tuần căng thẳng nhất" của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với bản thân ông Trump, 7 ngày sắp tới đây thậm chí có thể còn khó khăn hơn.

Theo CNN, nguyên nhân là ngay cả khi số lượng ca tử vong vì COVID-19 tiếp tục gia tăng, thì đi kèm với nó cũng là các dấu hiệu ngày càng rõ ràng về tính hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội đối với một trong những cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Thế nhưng tin tức tốt vô hình chung lại khiến cho việc tiếp tục thực hiện các quy định hạn chế trở nên khó khăn hơn nhất là khi kết quả cuối cùng của cuộc chiến chống lại COVID-19 tại Mỹ vẫn còn chưa hiện hình.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan trên đã tạo ra những áp lực to lớn bên trong Nhà Trắng. Các tập đoàn, cố vấn kinh tế và chính trị gia Đảng Cộng hòa bảo thủ muốn chấm dứt các lệnh "phong toả" khiến cuộc sống bình thường của nước Mỹ bị ngưng trệ và hơn 16 triệu người dân mất việc; trong khi đó, các cơ quan y tế cảnh báo, những động thái thiếu cẩn trọng có thể sẽ dẫn tới một đợt "sóng thần" lây nhiễm mới khiến số lượng người chết leo thang và những thiệt hại kinh tế thậm chí còn sâu sắc hơn.

"Hiện tại không phải là lúc để lùi lại", Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ chia sẻ với CNN ngày 10/4. "Bây giờ là thời điểm để thực sự nhấn chân ga bởi vì chúng ta đang đi đúng hướng".

Tín hiệu tích cực về COVID-19 bất ngờ đẩy Tổng thống Trump vào "thế khó" mang tính lịch sử? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đứng trước quyết định khó khăn (ảnh: getty)

Quy mô của cuộc khủng hoảng hiện tại và những yêu cầu nó đặt ra với nước Mỹ gợi nhớ tới thế khó mà Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã phải đối mặt khi ông bước vào Nhà Trắng vào đầu năm 1933 trong thời kỳ Đại Suy thoái. Roosevelt đã đưa ra một thách thức cho tinh thần cũng như nền kinh tế Mỹ khi tuyên bố, "điều duy nhất mà chúng phải sợ hãi chính là nỗi sợ hãi".

"Chúng ta phải chuyển động như một đội quân trung thành đã được huấn luyện, sẵn sàng hy sinh để tuân thủ tính kỷ luật chung", ông nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức. "Bởi vì nếu không có kỷ luật như vậy, sẽ không có tiến bộ, sự lãnh đạo sẽ không hiệu quả".

"Đó chính là câu hỏi điều hành chủ chốt mà chúng ta đang phải đối mặt", học giả Donald Ketti tại Trường Chính sách công, Đại học Texas chỉ ra. "Vấn đề của chúng ta giờ đây là nỗi sợ hãi vì sự thiếu chắc chắn".

Cho tới thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump dường như vẫn chưa tìm ra được một hướng đi thỏa đáng nhất. Trước đó, ông từng đề cập tới khả năng kết thúc giãn cách xã hội vào Lễ Phục sinh nhưng rồi lại chịu "khuất phục" trước sự cương quyết của chuyên gia Fauci và gia hạn các khuyến cáo liên bang tới tận ngày 30/4.

Giờ đây, đứng trước một mô hình dịch tễ học dự đoán nước Mỹ sẽ có ít ca tử vong hơn so với các ước tính trước đây, ông Trump lại thể hiện sự phân vân về việc tái khởi động nền kinh tế vào tháng sau. Nhưng mô hình này dựa trên giả định là các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được thực thi cho tới cuối tháng 5. Nới lỏng sớm có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News vào tối thứ 7 (11/4), Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ sử dụng "thực tế và bản năng" để đưa ra quyết định về liệu có cho phép tái khôi phục một số lĩnh vực hoạt động của đất nước hay không.

"Tôi nghĩ đó sẽ là quyết định khó khăn nhất mà tôi từng đưa ra và hy vọng cũng sẽ là cái khó khăn nhất mà tôi sẽ phải làm", ông Trump nói.

Từ tâm dịch New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo tuần vừa qua đã nhấn mạnh vào tính kỷ luật ngay cả khi thông báo các tín hiệu tích cực liên quan tới số bệnh nhân nhiễm COVID-19 phải nhập viện và tử vong.

"Quỹ đạo là quỹ đạo do chúng ta thiết lập ra từ hành động của chúng ta", ông Cuomo phát biểu ngày 10/4. Một ngày sau đó, ông cho hay: "Con số đang khá ổn định nhưng ổn định ở một tỷ lệ kinh khủng. Có những con số đáng kinh ngạc miêu tả những đau thương và mất mát không thể tin tưởng tượng nổi".

Liê quan tới việc tái khởi động nền kinh tế, người đứng đầu bang New York cảnh báo: "Tái mở cửa là câu hỏi về cả kinh tế và y tế công. Tôi không sẵn sàng chia tách hai vấn đề. Anh không thể yêu cầu người dân của bang [New York] hay đất nước này lựa chọn giữa mất đi sinh mạng và có tiền".

Ông Mark McClellan, từng điều hành Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm dưới thời Tổng thống George W. Bush, hiện đang tham gia vào một nhóm các chuyên gia y tế cố vấn cho Quốc hội và chính quyền Mỹ xác định các mục tiêu quốc gia cần thiết để khôi phục lại hoạt động xã hội và kinh tế một cách an toàn. Ông hy vọng rằng, người dân Mỹ hiện đã có đủ nhận thức về dịch bệnh để duy trì sự kiên nhẫn với cách tiếp cận không tập trung vào một ngày cụ thể mà chỉ hướng tới các kết quả từ xét nghiệm và điều trị.

"Mọi người vẫn lo lắng", ông McClellan nói. "Họ sẽ ghi nhớ mãi tình hình đã tồi tệ tới mức nào".


Chia rẽ sâu sắc về thời điểm quay trở lại cuộc sống bình thường

Tuần trước, kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của CNN chỉ ra, hầu hết người dân Mỹ muốn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Khoảng 80% người trả lời cho rằng, thời điểm tồi tệ nhất của dịch bệnh vẫn còn ở phía trước, 60% bày tỏ sự không hài lòng nếu phải trở lại cuộc sống như trước đây sau khi các khuyến nghị của Nhà Trắng kết thúc vào ngày 30/4.

Tuy nhiên, phía sau các con số trên lại là một sự chia rẽ sâu sắc. Trong số những người đồng ý khôi phục là nhịp độ sống thường ngày, tỷ lệ thành viên Đảng Cộng hòa (53%) nhiều hơn gấp đôi so với Đảng Dân chủ (23%).

Sự thiếu kiên nhẫn của Đảng Cộng hòa đang tạo ra một gút thắt ảnh hưởng tới phản ứng nhất quán toàn quốc mà đội ngũ đối phó với COVID-19 tại Nhà Trắng đang kêu gọi. Các quan chức Đảng Cộng hoà, giới điều hành doanh nghiệp và chức sắc tôn giáo coi các quy định giãn cách xã hội vì virus là "hà khắc" một cách không cần thiết.

Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro nói với Fox News, các "chuyên gia y tế thuần tuý" là những người theo đuổi lập trường rằng, cách duy nhất để tối thiểu hóa con số thương vong vì COVID-19 là đóng cửa nền kinh tế và xã hội cho tới khi virus "biến mất". Tuy nhiên, theo ông, họ chỉ "đúng một nửa". Ông Navarro phân tích, đóng cửa sẽ ngay lập tức làm giảm số người thiệt mạng do virus, nhưng các sang chấn kinh tế cũng "giết người" thông qua tỷ lệ trầm cảm, tự sát và lạm dụng thuốc. "Vì vậy, quyết định rất khó khăn mà tổng thống phải đưa ra là cần phải tìm được sự cân bằng và xác định con đường nào gây thiệt hại nhiều hơn".

Còn học giả Kettl của Đại học Texas chỉ ra, "những gì người dân cần là một thông điệp rõ ràng và không thay đổi cho dù họ đang ở đâu. Đó là một thách thức lãnh đạo bắt đầu ngay từ cấp cao nhất".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ