(Tổ Quốc) - Indonesia nói rằng không có bất kỳ hành động thêm nào theo yêu cầu của Mỹ có thể thực hiện nếu không có sự đồng thuận của 15 quốc gia thành viên.
Theo tờ The Guardian, Mỹ đã liên tục phải hứng chịu một bước lùi ngoại giao sau khi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bác bỏ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm mở rộng các trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Trong tuần trước, 13 thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phủ quyết đề xuất của Mỹ tạo áp lực lên Iran, với lập luận rằng Washington không có quyền hợp pháp thực hiện các trừng phạt đối với Tehran bởi vì nước này đã quyết định ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ năm 2015.
Vào ngày 25/8, Indonesia – quốc gia đã giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng này nói rằng, không thể thực hiện thêm hành động nào theo yêu cầu của Mỹ bởi vì không có sự đồng thuận của 15 quốc gia thành viên.
Thông báo này đã khiến cho Đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc – ông Kelly Craft phản ứng mạnh mẽ. Ông Kelly Craft nói rằng: "Hãy để tôi nói rõ ràng rằng, chính quyền Tổng thống Trump không hề sợ hãi khi đứng trước các hạn chế như vậy. Tôi chỉ tiếc rằng các thành viên khác của hội đồng không nhìn thấy được điều này".
Theo tờ báo, Mỹ tuyên bố rằng họ vẫn có quyền can thiệp vào thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Washington tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran. Vì vậy, với tư cách từng là thành viên, Mỹ có thể áp trừng phạt đối với các vi phạm liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói, ông đã khởi động một quy trình kéo dài 30 ngày nhằm áp đặt các trừng phạt giải quyết khủng hoảng ngay tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc – hội nghị thường niên Liên Hợp Quốc do các nhà lãnh đạo đứng đầu các quốc gia chủ trì.
Theo Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc - Vassily Nebenzia lên tiếng, ông hi vọng Mỹ sẽ từ bỏ nỗ lực gia tăng các áp lực với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt. Điều này không chỉ được xem là bất hợp pháp mà còn khiến cho sự việc dẫn đến kết quả không giống như Washington dự tính.
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, nước này sẽ thoát khỏi lệnh cấm vận vũ khí vào giữa tháng 10/2020. Tuy nhiên, Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Tehran có thể tăng cường quân sự mặc dù không rõ liệu Moscow và Bắc Kinh có sẵn sàng bán vũ khí cho Iran hay không và liệu Iran có đang thiếu tiền mặt để mua vũ khí điện tử tinh vi hay không.
Liên minh châu Âu vừa có lệnh cấm vũ khí riêng của khối, tuy nhiên, các thành viên châu Âu vẫn muốn tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân 2015, được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).
Quyền phó đặc phái viên của Vương Quốc Anh – ông James Roscoe cho hay: "Chúng tôi không ủng hộ động thái kích hoạt snapback (quy trình đảo ngược) trong thời điểm này vì nó được xem là không hề tương thích với các nỗ lực hiện tại của chúng ta trong việc cố gắng duy trì Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Trong quan điểm của Vương quốc Anh, Mỹ không còn là thành viên tham gia JCPOA sau khi Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018".
Theo tờ the Guardian, việc Mỹ tăng cường gây áp lực vào Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ khiến cho Mỹ trở nên bị cô lập hơn khi 13 trong số 15 lá phiếu của Hội đồng Bảo an phản đối quyết định gia hạn lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran.
Theo Kế hoạch Hành động Toàn diện chung, các trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ được khôi phục trong 30 ngày kể từ khi tuyên bố quy trình đảo ngược. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên trong Hội đồng đều cho rằng Mỹ không có quyền để kích hoạt các trừng phạt này bởi vì đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018.
Trong thời gian qua, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thường được xem là đồng minh của Mỹ trong hầu hết các vấn đề và từng tuyên bố sẽ ủng hộ Washington nếu thỏa hiệp thông qua.
Giới ngoại giao tại Liên Hợp Quốc cho biết, chiều sâu về sự cô lập của Mỹ một phần được phản ánh trong cách mà Washington cư xử trong thời điểm này.
"Hầu hết các quốc gia trong Hội đồng Bảo an đều cơ bản hiểu rằng Iran vẫn duy trì vũ khí hạt nhân và thậm chí là có nhiều vũ khí. Tuy nhiên, cách thức Washington thể hiện dường như quá áp lực khiến họ tự cô lập mình giữa các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an", một nhà ngoại giao cho biết.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết Anh, Pháp và Đức có thể nhất trí với Mỹ trong nỗ lực duy trì lệnh cấm vận, nhưng cần phải đạt được sự đồng thuận với Nga và Trung Quốc. Các quan chức giấu tên này nói rằng, châu Âu đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp nhưng Mỹ, Nga và Trung Quốc không thể hiện thiện chí thỏa hiệp này.
Giới ngoại giao cũng đã lên tiếng rằng, kế hoạch sử dụng điều khoản khôi phục toàn bộ các lệnh cấm vận (snapback) sẽ gây khó khăn và đầy mâu thuẫn khi Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác trong Hội đồng Bảo an có các động thái phản đối.