• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Leo thang tàu dầu với Iran khiến quân sự châu Âu ráo riết muốn hiện diện tại Hormuz

Thế giới 24/07/2019 09:32

(Tổ Quốc) - Pháp, Ý và Đan Mạch đang dành sự hỗ trợ bước đầu cho kế hoạch của Anh về triển khai một nhiệm vụ hải quân do châu Âu dẫn đầu nhằm đảm bảo an toàn cho sự di chuyển qua eo biển Hormuz.

Đề xuất này được đưa ra sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh, Reuters dẫn tin từ ba nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết hôm thứ ba.

Sự ủng hộ thận trọng này diễn ra tại một cuộc họp của các đặc phái viên EU tại Brussels. Điều này trái ngược với phản ứng thờ ơ của các đồng minh châu Âu đối với lời kêu gọi tương tự của Mỹ lần đầu nêu ra tại NATO vào cuối tháng 6. Thời điểm đó, nhiều quốc gia lo ngại một động thái như vậy của Mỹ có thể khiến căng thẳng với Iran trở nên tồi tệ hơn.

"Yêu cầu của Anh, thay vì Washington, giúp người châu Âu dễ dàng tập hợp lại trong vấn đề này", một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói. "Tự do hàng hải là điều cần thiết, điều này tách biệt với chiến dịch gây áp lực tối đa của Hoa Kỳ đối với Iran."

Hối hả chuẩn bị

Anh đã đề cập đến ý tưởng trên với các nhà ngoại giao cấp cao của EU tại một cuộc họp ở Brussels, nói rằng động thái này sẽ không liên quan trực tiếp đến Liên minh châu Âu EU, NATO hay Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao này cho biết.

Đây là cuộc họp chính thức đầu tiên ở châu Âu kể từ khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt vạch ra kế hoạch này trước quốc hội Anh vào thứ Hai để bảo vệ eo biển Hormuz- nơi một phần năm dầu mỏ của thế giới đi qua.

Anh đã vạch ra kế hoạch này sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thứ 6 tuần trước bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh.

Các quan chức Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Anh cũng đã thảo luận về một nhiệm vụ có tính khả thi, có thể bao gồm cả tàu và máy bay, trực tiếp với các đối tác Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Đức.

Tau dau di chuyen qua Hormuz Reuters

Việc Iran bắt giữ tàu Stena Impero vào thứ Sáu tuần trước dường như đã mang đến cho châu Âu động lực mới. Nguồn: Reuters

Một nhà ngoại giao cấp cao của Đức tại Berlin cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã tiếp xúc chặt chẽ với các đối tác Anh và Pháp, ông Hunt và ông Jean-Yves Le Drian, để "đóng góp cho an ninh" của vùng Vịnh, bao gồm cả an ninh hàng hải.

Hà Lan cũng đang đánh giá đề xuất của Anh, trong khi một quan chức Tây Ban Nha cho biết Madrid đã có cuộc hội đàm với London và đang nghiên cứu ý tưởng này.

Iran bác bỏ đề xuất trên và nói rằng các cường quốc nước ngoài nên rời khỏi các tuyến đường vận chuyển biển đến Tehran và các quốc gia khác trong khu vực. Ả Rập Saudi, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE, Kuwait và Iraq xuất khẩu phần lớn dầu thô của họ qua eo biển Hormuz.

Bất chấp việc Mỹ kêu gọi bảo vệ tuyến vận chuyển quan trọng này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ ba cho biết nước này đã trả tiền cho một tuyến đường mà họ không sử dụng nó nhiều như trong quá khứ.

"Chúng tôi không cần nó (eo biển Hormuz-pv). Chúng tôi đã trở thành một nhà xuất khẩu", ông nói tại một sự kiện ở Washington, đề cập đến xuất khẩu năng lượng đang gia tăng của Hoa Kỳ. Ông cũng đề cập đến việc Trung Quốc và Nhật Bản cần làm nhiều điều ở đây hơn nữa.

Với kế hoạch Anh sắp rời khỏi EU, nhiệm vụ trên có thể sẽ là một hoạt động liên kết lỏng lẻo hơn so với nhiệm vụ hải quân chống cướp biển của khối và cũng có thể có sự tham gia của các quốc gia ngoài EU như Na Uy.

Trung Quốc có một căn cứ quân sự ở Djibouti, mặc dù chưa có cuộc thảo luận nào liên quan đến Bắc Kinh, các nhà ngoại giao cho biết.

Anh dự định sẽ có các cuộc họp tiếp theo với các nước EU khác, bao gồm Thụy Điển, các nhà ngoại giao cho biết. Tại cuộc họp của EU ở Brussels, Ba Lan và Đức cũng cho thấy họ có quan tâm.

Nhiệm vụ này có thể được điều hành bởi một chỉ huy chung của Pháp-Anh, một trong những đặc phái viên cho biết. Anh có một căn cứ hải quân ở Oman, trong khi Pháp có một căn cứ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tuy nhiên, bất kỳ nhiệm vụ nào như vậy vẫn sẽ cần sự chấp thuận của quốc hội ở một số nước EU, theo các nhà ngoại giao.

Liên minh liệu đã sẵn sàng?

Việc Iran bắt giữ tàu Stena Impero vào thứ Sáu tuần trước dường như đã mang đến cho châu Âu động lực mới. Liên minh châu Âu gần đây cũng đã có các cuộc thảo luận không chính thức về một nhiệm vụ của khối tuần tra vùng biển chiến lược ngoài khơi Iran và Oman.

Bất kỳ nhiệm vụ nào trong tương lai ở đây cũng sẽ có hoạt động tuần tra vùng biển, dẫn đầu các nỗ lực giám sát và hộ tống các tàu thương mại và phối hợp với các tàu hải quân trong khu vực. Và bất kỳ lực lượng nào cũng cần phải làm việc với Hoa Kỳ, cường quốc quân sự có sự hiện diện nhiều nơi trên thế giới.

"Vẫn còn những câu hỏi: chúng tôi nên kêu gọi sự giúp đỡ của người Mỹ ở mức độ nào? Chúng tôi sẽ cần nói chuyện với họ", một phái viên ngoại giao nói.

Trước đó, lời kêu gọi của Hoa Kỳ về tiến hành một nhiệm vụ quốc tế bảo vệ tiến trình vận chuyển tại một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels vào ngày 27 tháng 6, đã bị Pháp và Đức phản đối. Họ lo lắng rằng liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ bị kéo vào một cuộc đối đầu có thể với Iran.

Anh, Pháp và Đức, với sự hỗ trợ từ phần còn lại của EU, đang cố gắng cứu hiệp ước hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới (JCPOA). Theo thỏa thuận này, Tehran đã hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Căng thẳng đã gia tăng kể từ khi ông Trump từ bỏ hiệp ước này năm ngoái và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, làm tê liệt nền kinh tế của nước này để gây sức ép buộc Tehran tham gia vào quá trình đàm phán một thỏa thuận mới, quy mô rộng hơn.

Châu Âu, sẽ thảo luận về tình trạng của thỏa thuận hạt nhân JCPOA vào Chủ nhật này tại Vienna, cùng với Trung Quốc và Nga, phản đối cách tiếp cận của Hoa Kỳ.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ