• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên hợp quốc: Khó đạt được mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030

Thế giới 08/09/2023 15:28

(Tổ Quốc) - Trong một báo cáo ngày 7/9, Liên hợp quốc cho biết mục tiêu đạt được bình đẳng giới vào năm 2030 là rất khó do còn nhiều thành kiến sâu xa đối với phụ nữ trên thế giới.

Bình đẳng giới khó có thể đạt được vào năm 2030

Theo hãng AP, những thành kiến sâu xa đối với phụ nữ trên thế giới thể hiện rõ ràng qua những lĩnh vực như y tế, giáo dục, việc làm và vị thế xã hội.

Liên hợp quốc: Mục tiêu đạt được bình đẳng giới vào năm 2030 là không thể  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

"Thế giới đang thất bại trong việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em", Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) trong một báo cáo cho biết.

Báo cáo phân tích khái quát về thực trạng bình đẳng giới theo toàn bộ 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững; đồng thời chỉ ra các xu hướng nổi bật, khoảng cách và trở ngại gần đây trên hành trình đạt được bình đẳng giới vào năm 2030.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc tiếp cận sức khỏe sinh sản và tình dục không bình đẳng, đại diện chính trị không đồng đều, sự chênh lệch về kinh tế và thiếu sự bảo vệ pháp lý cùng với các vấn đề khác đã ngăn cản sự tiến bộ rõ rệt.

Bà Maria Francesca Spatolisano, Trợ lý Chủ tịch ECOSOC đã phát biểu trong cuộc họp cho rằng bình đẳng giới đang trở thành "một mục tiêu ngày càng xa vời".

Bà Maria Francesca Spatolisano chỉ ra những trở ngại gần đây đối với phụ nữ và trẻ em gái sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, tác động của biến đổi khí hậu và "sự phản đối với bình đẳng giới và tình trạng thiếu đầu tư".

Các mục tiêu trong đánh giá của Liên hợp quốc

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá sự tiến bộ của phụ nữ trong việc đạt được 17 mục tiêu tại Liên hợp quốc đến năm 2030, liên quan tới các vấn đề từ xóa đói giảm nghèo và giáo dục đến biến đổi khí hậu và nhân quyền. Qua đó, bức tranh ảm đạm về khoảng cách giới và cam kết "mờ nhạt" trên toàn cầu về bình đẳng đối với phụ nữ đang trở nên rõ rệt hơn.

Về mục tiêu chính là xóa đói giảm nghèo, báo cáo khẳng định cứ 10 phụ nữ thì sẽ có một người (tương đương với 10,3%) sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày – mức nghèo cùng cực.

Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì 8% dân số nữ trên thế giới (trong đó có 342,4 phụ nữ và trẻ em gái) sẽ sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030, hầu hết ở châu Phi cận Sahara.

Theo báo cáo, mặc dù khả năng tiếp cận giáo dục nói chung đang tăng lên đối với trẻ em gái và trẻ em trai nhưng báo cáo của Liên Hợp Quốc lại nhấn mạnh hàng triệu bé gái chưa bao giờ được đến lớp hoặc hoàn thành chương trình học tập, đặc biệt là ở các khu vực xung đột.

"Vào năm 2023, ước tính 129 triệu trẻ em gái và phụ nữ trẻ phải nghỉ học trên toàn cầu. Với tốc độ hiện tại, ước tính có khoảng 110 triệu học sinh sẽ không được đến trường vào năm 2030", báo cáo gợi ý.

Về mục tiêu việc làm bền vững, báo cáo ghi nhận khoảng 2/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 54 (chiếm khoảng 61,4%) tham gia lực lượng lao động vào năm 2022 so với 90,6% nam giới. Trong khi đó, phụ nữ được trả lương thấp hơn nhiều.

Trong năm 2019, báo cáo từng ghi nhận với mỗi đô la mà nam giới kiếm được từ thu nhập lao động thì phụ nữ chỉ kiếm được 51 xu. Đến năm 2022, các nhà phát minh có tên trong đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế ghi nhận tỷ lệ nữ thấp hơn nam gấp 5 lần. Trước đó, vào năm 2020, phụ nữ chỉ nắm giữ 1/3 vị trí nghiên cứu trên toàn thế giới và chỉ 1/5 công việc về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Và quyền lực, theo báo cáo, trên toàn cầu, phụ nữ chỉ nắm giữ 26,7% số ghế trong quốc hội, 35,5% số ghế trong chính quyền địa phương và chỉ 28,2% vị trí quản lý tại nơi làm việc.

Đối với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, báo cáo khẳng định các cuộc xung đột đang leo thang trên khắp thế giới và "con số gây sốc là 614 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi xung đột vào năm 2022, cao hơn 50% so với năm 2017".

Vì vậy, báo cáo của UN Women và ECOSOC đưa ra cảnh báo rằng việc tiếp tục không ưu tiên đạt được bình đẳng giới sẽ khiến 17 mục tiêu đặt ra của Liên hợp quốc chỉ có thể lưu lại trong hồ sơ.

Báo cáo khẳng định nguồn tài trợ cho các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đang "phân bổ không đầy đủ, không có kế hoạch và không nhất quán giữa các quốc gia".

Theo báo cáo, cần phải huy động khoảng 6,4 nghìn tỷ USD mỗi năm ở 48 quốc gia đang phát triển để đạt được bình đẳng giới trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm chấm dứt đói nghèo và hỗ trợ sự tham gia bình đẳng hơn của phụ nữ trong xã hội đến năm 2030./.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ