(Tổ Quốc) - Vẫn tồn tại một lựa chọn có thể giảm bớt những đổ vỡ trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara mua S-400 từ Nga?
Bloomberg nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất, là thách thức lớn nhất, thậm chí có thể dẫn tới khủng hoảng trong những nỗ lực của Mỹ nhằm hàn gắn quan hệ với Ankara.
Hợp đồng mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành?
Theo các chuyên gia và một số cá nhân thân cận với giới chức Mỹ, ban đầu, quyết định mua S-400 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được coi là một cách để giành lợi thế cân bằng với Mỹ và NATO. Tuy nhiên, sau đó chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nghiêm túc xem xét lại mọi việc, và giờ đây đang cố gắng hạn chế thêm đổ vỡ trong quan hệ giữa hai nước.
"Những người ủng hộ cho quan hệ Mỹ - Thổ từng bao biện rằng, ít nhất Ankara vẫn là một đối tác tin cậy của NATO chống lại Nga, và rồi vấn đề tên lửa S-400 đã công phá ngay luận điểm cuối cùng còn lại," Max Hoffman, phó giám đốc phụ trách an ninh quốc gia và chính sách quốc tế tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, phân tích. "Từng có hy vọng đây chỉ là một chiến thuật thương lượng mang tính công kích cao, tuy nhiên, giờ đây nó ngày càng trở nên hiện thực hơn".
Việc hoàn thiện hợp đồng và triển khai S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đem lại những hậu quả vô cùng tiêu cực lên mối quan hệ song phương, từng được coi là chủ chốt trong các mục tiêu chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Mối quan hệ này trong thời gian gần đây đang không ngừng gia tăng căng thẳng khi Tổng thống Erdogan ngày càng tiến gần hơn về phía Nga.
Quyết định mua S-400 sẽ thay đổi lớn quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ theo một cách rất khó để sửa chữa.
Wess Mitchell
Đầu tiên, hợp đồng S-400 nhiều khả năng đẩy Ankara phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Washington - và quan trọng hơn, khiến các kế hoạch của Mỹ về máy bay tàng hình thế hệ mới F-35 gặp ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một mặt, muốn mua máy bay F-35; mặt khác Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà sản xuất nhiều linh kiện quan trọng của siêu phi cơ này. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, triển khai S-400 ở cùng một đất nước có cả F-35, có thể cho phép Nga nắm được các thông tin tình báo công nghệ quan trọng. Tích hợp S-400 vào mạng lưới phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ còn "dâng" cho Nga cơ hội tìm hiểu sâu về chiến thuật của NATO.
Cùng lúc, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, nếu cắt bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35, lịch trình sản xuất của Mỹ sẽ phải kéo dài thêm tới 2 năm nữa. Ankara đã đầu tư 1,25 tỷ USD vào giai đoạn phát triển F-35.
Phát biểu trước các phóng viên tại Washington ngày 20/11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, đất nước của ông muốn mua hệ thống tên lửa Patriot, nhưng chưa từng nhận được sự cam kết từ Mỹ. Ông Cavusoglu khẳng định, hợp đồng S-400 sẽ không thay đổi; tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỹ vẫn để ngỏ khả năng mua thiết bị của Mỹ trong tương lai.
"Hợp đồng đã xong"
"Hợp đồng hiện tại đã xong. Tôi không thể hủy bỏ nó", ông Cavusoglu nhấn mạnh. "Nhưng tôi cần nhiều hơn thế. Tôi muốn mua từ các đồng minh của mình".
Theo Bloomberg, những rắc rối xung quanh thương vụ S-400 Nga – Thổ là điều mà giới chức Mỹ không muốn đối mặt. Ngoài ra, nó cũng không phải là trở ngại duy nhất trong quan hệ hai bên.
Mặc dù vậy, Washington từng hy vọng quan hệ song phương được cải thiện sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson vào tháng Mười. Họ cũng tìm cách làm giảm những xung đột xuất phát từ vụ nhà báo người Arab Saudi Jamal Khashoggi bị giết tại Istanbul vào tháng trước. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sở hữu các bằng chứng cho thấy Thái tử Saudi Mohammed bin Salman – một đồng minh khác của Mỹ, đứng sau vụ sát hại Khashoggi.
Quan hệ Mỹ - Thổ đang đứng trước nguy cơ lớn?
Tuy nhiên, giờ đây các quan chức Mỹ đang nghiêm túc cân nhắc nhận định mà Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Wess Mitchell, về các vấn đề châu Âu từng phát biểu trước Quốc hội hồi tháng Sáu.
"Chúng ta hiểu rõ, quyết định mua S-400 sẽ thay đổi lớn quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ theo một cách rất khó để sửa chữa", Michell nói. Nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng thể hiện sự phản đối trước việc một quốc gia được phép sở hữu cả F-35 và S-400.
"Việc mối quan hệ Mỹ - Thổ tiếp tục phát triển là điều rất quan trọng, và hợp đồng mua S-400 là một bước lùi lớn", Thượng nghị sỹ Dân chủ Jeanne Shaheen nói. "Luật pháp của chúng ta quy định, triển khai hệ thống vũ khí này tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới lệnh trừng phạt".
Nếu hợp đồng S-400 đánh bại F-35, không phải là Washington hay Ankara, mà chính Moscow mới là bên chiến thắng.
Can Kasapoglu
Một quan chức chính phủ tiết lộ, Washington đang xem xét các khả năng đáp trả, có thể giúp cho quan hệ song phương không bị ảnh hưởng; trong khi vẫn giữ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong dây chuyển sản xuất, cũng như mua các máy bay F-35.
Lựa chọn Patriot
Một lựa chọn có thể giải quyết mọi khó khăn, chính là Mỹ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ trên không Patriot. Điều này sẽ đảm bảo Ankara không bị quá phụ thuộc vào S-400.
Một khả năng tiếp cận khác là cố gắng xoay mũi dùi về phía Nga và tận dụng quyết định mua S-400 của Thổ, để có được thêm các thông tin tình báo giá trị, giúp F-35 tăng cường cơ hội vượt qua hệ thống phòng thủ tối tân của Nga. Ví dụ "mẫu mực" nhất là Cyprus. Từng mua hệ thống S-300 vào cuối những năm 1990, sau loạt sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, Cyprus đã đưa các thiết bị của S-300 cho Hy Lạp – từ đó, Mỹ thành công nắm được các thông tin quan trọng về các tên lửa thế hệ trước của S-400.
Theo các chuyên gia, nếu hợp đồng thành công, S-400 sẽ chỉ được triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất là vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, không còn nhiều thời gian để có thể đạt được một thỏa thuận giữa Washington và Ankara.
"Có vẻ như không có một lựa chọn phi nguy cơ thích hợp ở thời điểm hiện tại", Can Kasapoglu, một chuyên gia từ Trung tâm Kinh tế và Nghiên cứu chính sách đối ngoại, đánh giá. "Nếu hợp đồng S-400 đánh bại F-35, không phải là Washington hay Ankara, mà chính Moscow mới là bên chiến thắng".