(Tổ Quốc) - Theo AP, giao tranh ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan đã khiến khoảng 100 binh sĩ thiệt mạng trong ngày 13/9. Những diễn biến hiện tại đang dấy lên lo ngại về xung đột có thể leo thang giữa hai đối thủ lâu năm.
Armenia cho biết ít nhất 49 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và Azerbaijan cho biết họ mất 50 người.
Theo Bộ Quốc phòng Armenia, cuộc giao tranh đã nổ ra vài phút sau nửa đêm hôm trước. Lực lượng Azerbaijan đã khai hỏa một loạt pháo và sử dụng máy bay không người lái nhắm vào nhiều khu vực của Armenia.
Còn Bộ Ngoại giao Azerbaijan thì cho biết họ phải đáp trả một "hành động khiêu khích quy mô lớn" của Armenia vào cuối ngày thứ Hai và đầu thứ Ba. Họ cho biết quân đội Armenia đã gài mìn và bắn vào các vị trí quân sự của Azerbaijan.
Hai nước này đã mắc kẹt trong một cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về khu vực biên giới Nagorno-Karabakh kể từ sau khi một cuộc chiến ly khai kết thúc vào năm 1994.
Azerbaijan đã giành lại nhiều khu vực thuộc Nagorno-Karabakh trong một cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào năm 2020 khiến hơn 6.600 người thiệt mạng và sau đó tạm kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian. Moscow đã triển khai khoảng 2.000 binh sĩ tới khu vực này để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Ba kêu gọi cả hai bên "kiềm chế để không leo thang thêm tình hình và thể hiện sự kiềm chế". Moscow đang tìm cách cân bằng quan hệ với cả hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Nga hiện có quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Armenia, nơi có căn cứ quân sự của Moscow, đồng thời cũng đang phát triển hợp tác chặt chẽ với Azerbaijan giàu dầu mỏ.
Cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi cả hai nước kiềm chế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Armenia và Azerbaijan "thực hiện ngay lập tức các bước đi để hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề tồn đọng thông qua đối thoại", đồng thời tuân thủ các thỏa thuận trước đó, người phát ngôn của ông cho biết.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã lên lịch tham vấn kín trong ngày 14/9 về cuộc giao tranh mới này.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó cũng có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan, Jeyhun Bayramov.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đối thoại với cả Thủ tướng Armenia Pashinyan và Tổng thống Azerbaija Ilham Aliyev. Mỹ có một đặc phái viên về khu vực này "và hy vọng của tôi là chúng ta có thể chuyển từ xung đột quay trở lại bàn đàm phán và nỗ lực xây dựng hòa bình", ông Blinken nói.