(Tổ Quốc) - Washington có thể tận dụng được những khe hở trong mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc để tái khẳng định vị thế của mình?
Tờ The Washington Post nhận định, trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hết sức "tận dụng" sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hai sự kiện thượng đỉnh lớn diễn ra ở châu Á. Ông Putin gặp gỡ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore; trong khi ông Tập sẽ tham dự thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea. Tại châu Á, nơi kinh tế đóng vai trò chiến lược, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc không chỉ đơn thuần xuất hiện, mà còn đang khẳng định thắng lợi của một cách tiếp cận mới đối với toàn cầu hóa.
Chủ tịch Tập Cận Binh và Tổng thống Vladimir Putin
Trong thời gian gần đây, cả ông Tập Cận Bình và ông Putin đều liên tục nhắc tới sự cởi mở và bao trùm – sử dụng chính ngôn ngữ của phương Tây để "châm ngòi" những bất mãn tại các địa điểm, từng hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa. Năm 2015, Nga và Trung Quốc thậm chí còn cam kết thiết lập sự gắn kết các tầm nhìn kinh tế nổi bật của hai bên – một động thái chính trị được duy trì bằng một loạt các thỏa thuận chung và lễ ký kết. Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc hứa hẹn cung cấp 1.000 tỷ USD cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở mới, thỏa thuận thương mại và tăng cường quan hệ văn hóa với hơn 80 quốc gia. Liên minh kinh tế Á Âu giúp Nga trở thành trung tâm của một thị trường đơn lẻ hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động.
Moscow và Bắc Kinh chia sẻ một lợi ích chung trong việc làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, và đang tích cực hợp tác làm điều này.
Vấn đề đặt ra là không phải Mỹ đang bỏ qua những tín hiệu đe dọa trên, mà Washington chưa có được một chiến lược đối phó hoàn chỉnh. "Moscow và Bắc Kinh chia sẻ một lợi ích chung trong việc làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, và đang tích cực hợp tác làm điều này", Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ từng kết luận trong một báo cáo công bố năm 2017. Tuy nhiên, ngoài dự kiến, ảnh hưởng cộng dồn từ các lệnh trừng phạt Mỹ dành cho Nga và các mức thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ - rất có thể sẽ hiện thực hóa một nguy cơ mà Washington không hề mong muốn: một mối quan hệ hợp tác chống phương Tây giữa một bên là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và bên kia là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Tuy nhiên, theo The Washington Post, Mỹ vẫn có thể tránh được "ác mộng" trên. Mối quan hệ Nga – Trung Quốc được cho là vẫn chưa đi vào thực chất, mà mới chỉ đang nhận sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo cấp cao nhất, hơn là những phát triển tự thân từ bên trong. Sau mỗi vòng đàm phán và cam kết hợp tác, Trung Quốc vẫn vượt lên trước Nga về kinh tế và địa chính trị. Cùng lúc, xuất phát từ nguyên nhân lịch sử, nỗi e ngại của Nga về các siêu cường nước ngoài muốn tiếp cận biên giới của mình – sẽ không dễ dàng biến mất chỉ trong một đêm.
Ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở Singapore
Mặc dù vậy, các nhà lập pháp Nga buộc phải chấp nhận coi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là vấn đề đáng chú ý "ngang ngửa" với sức mạnh quân sự của phương Tây. Những tham vọng to lớn của Trung Quốc "hiện diện" ở Nga và các nước láng giềng; nhưng các dự án đầu tư và hạ tầng cơ sở do Bắc Kinh làm chủ, vẫn chưa thực sự khiến Moscow phải cảnh giác. Nga hiện được coi là người giữ cửa cho hành trình tây tiến của Trung Quốc; tuy nhiên, chìa khóa nằm trong tay ông Tập Cận Bình thông qua các dự án đầu tư – điều mà ông Putin không thể có được, do bị phương Tây cô lập về cả kinh tế và ngoại giao.
Washington có thể nhằm vào những nguy cơ đến từ sáng kiến Vành đai, Con đường, tại "sân nhà" của Nga. Ba trong số tám nước phải đối mặt với nguy cơ nợ cao nhất trước Trung Quốc, chính là các láng giềng thân cận của Nga: Tajikistan, Kyrgyzstan và Mông Cổ. Trung Quốc có thể tận dụng điểm yếu của các nước nhỏ nhưng lại vay các khoản tiền lớn. Năm 2011, Bắc Kinh từng xóa bỏ một phần nợ của Tajikistan để đổi lấy một phần lãnh thổ tranh chấp.
Hiện diện kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc đương nhiên sẽ đi kèm với hiện diện an ninh. Sự xuất hiện của các thiết bị quân sự Trung Quốc tại khu vực Hành lang Wakhan ở Afghanistan cho thấy, Bắc Kinh đã bắt đầu hoạt động mở rộng an ninh của mình.
Để có thể thu hẹp những ảnh hưởng từ Trung Quốc và Nga, chính sách thương mại của Tổng thống Trump cần phải được cập nhật. Ngày 15/11, ASEAN và Liên minh kinh tế Á Âu đã ký kết một biên bản ghi nhớ hợp tác. Trung Quốc cam kết ủng hộ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – một thỏa thuận bao gồm ASEAN và 6 nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với ASEAN. Trong khi đó, kể từ sau khi rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên tác xuyên Thái Bình Dương tới giờ, Mỹ vẫn chưa đưa ra được một sự thay thế đủ tích cực, để có thể quay trở lại ván cờ kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cuối cùng, The Washington Post cho rằng, hiện tại, Mỹ không cần phải lựa chọn giữa Nga và Trung Quốc. Sẽ là khôn ngoan hơn nếu Washington có thể cùng "bắt tay" một cách có chọn lựa với cả hai bên, kiềm chế giọng điệu "theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi"; đồng thời lưu ý các lĩnh vực đã hợp tác từ trước đó. Trước khi thực thi thêm bất kỳ vòng trừng phạt nào, các nhà lập pháp Mỹ nên cân nhắc cẩn thận hậu quả lâu dài, như có thể thúc đẩy sự hình thành của hệ thống chi trả thay thế (cho đồng đôla), đẩy các đối thủ của Mỹ tới gần nhau hơn…
Nếu thận trọng và kiên nhẫn hơn, Mỹ có thể sẽ tái thiết lập mình thành một chướng ngại vật tự nhiên giữa Trung Quốc và Nga; thay vì trở thành một cây cầu kết nối hai cường quốc Á, Âu.