(Tổ Quốc) - Nguồn cung khan hiếm đang khiến người dân Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng giá cam tăng vọt trong thời gian tới.
Cơn bão Ian vừa qua đã tàn phá cuộc sống và công việc kinh hoanh của hàng triệu người dân ở bang Florida, kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài trong thời gian sắp tới. Trong số đó, những vườn trồng cam ở bang này đã bị thiệt hại nặng nề.
Điều này không chỉ làm cho người tiêu dùng phải tiêu tốn thêm chi phí nhiều hơn để mua nước cam mà đẩy người nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn.
Những vườn cam bị tàn phá
Theo Donald Keeney, nhà khí tượng học của Maxar Technologies Inc., khoảng 90% cây trồng ở Florida nằm trong lộ trình bão Ian đi qua. Hệ quả là nhiều cây cam đã không thể cho thu hoạch lứa quả mới.
Raymond Royce, giám đốc điều hành tại Hiệp hội những người trồng cây ở Florida cho biết: "Không có gì có thể bảo vệ mùa màng tránh khỏi những cơn bão. Mọi khía cạnh khác cũng bị ảnh hưởng. Điều này làm cho người nông dân ở đây càng thêm khốn khó".
Bão Ian là cú đòn giáng mạnh thêm vào những người trồng trọt ở Florida vốn đã chịu tổn thất nặng nề trước đó bởi dịch bệnh, gây hại cho biết bao cây trồng. Điều này sẽ khiến nước Mỹ phải gia tăng thêm hoạt động nhập khẩu trái cây khi nguồn cung đang khan hiếm.
Một người Mỹ cho biết: "Ngành công nghiệp cam quýt ở Florida đang đứng trên bờ vực 'phá sản'. Họ đã bị mất mùa trong năm nay lại còn bị bão tàn phá. Phải rất lâu nữa họ mới có thể bắt đầu lại mọi thứ. Vẫn còn nhiều khu vực trồng trọt bị ngập trong nước".
Andres Padilla, nhà phân tích của Rabobank cho biết, sau mùa bão năm 2005, nhiều nhà sản xuất cam quýt ở Florida không thể khôi phục hoàn toàn hoạt động. Thời gian này có thể còn khó phục hồi hơn vì những người trồng gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và lạm phát. Người nông dân không có đủ nguồn lực kinh tế để cố gắng phục hồi các vườn cây bị hư hại.
Andres Padilla nói thêm rằng: "Những thiệt hại nghiêm trọng đối với cây trồng có thể loại bỏ vĩnh viễn một số nhà sản xuất ra khỏi thị trường".
Người tiêu dùng thay đổi thói quen
Theo NBC News, 90% nước cam của Mỹ được sản xuất từ khu vực trồng trọt của Florida. Vài năm trước, cam quýt ở Florida là ngành công nghiệp trị giá 9 tỷ đô la, sử dụng 76.000 nhân công nhưng bây giờ là 6,7 tỷ đô la và 33.000 người lao động.
Người trồng trọt ở Florida phải đối mặt với vô số thách thức: Thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh, sự cạnh tranh từ các đối thủ khác, giá cả đầu vào tăng vọt và thiếu nhân công.
Vào tháng 7, giá nước cam trên các kệ hàng tạp hóa đã đạt mức cao kỷ lục, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Sam George, một đầu bếp ở Mỹ cho hay, giá buôn nước cam vắt tươi đã lên tới gần 500 nghìn đồng khi mua 3,7 lít nước. Trước đại dịch, con số này là gần 200 nghìn đồng. Chính vì vậy, nhà hàng của Sam George đã quyết định thay thế nước cam bằng những loại nước ép khác có giá mềm hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp, dự trữ nước cam trong kho lạnh ở mức thấp nhất chưa từng thấy kể từ năm 2019. Các nhà sản xuất Hoa Kỳ đang cố gắng tìm cách duy trì lượng nước cam cơ bản để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người dân.
Shawn Hackett, chủ tịch của Hackett Financial Advisors, công ty chuyên về phân tích hàng hóa nông nghiệp cho biết, nhu cầu nước cam của người dân Mỹ tăng cao trong thời gian đại dịch vì nó cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Vào thời điểm đại dịch hoành hành, nhiều người lựa chọn ăn sáng ở nhà và sử dụng nhiều nước cam hơn.
Tuy nhiên giờ đây, người tiêu dùng có lẽ lại quay trở về thời kỳ dùng ít nước cam vì tình hình lạm phát hiện nay. Các chuyên gia dự đoán rằng. chắc chắn trong thời gian sắp tới, giá nước cam sẽ còn tăng lên nữa.
Mặc dù vậy những người trồng cam quýt ở Florida vẫn đang thể hiện sự quyết tâm của mình trong việc cố gắng cung cấp trái cây ngon và chất lượng cao, đồng thời tìm kiếm các giải pháp mới để trồng lại những vườn cây bị phá hủy.
Nguồn: NBC News, Yahoo News