(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt loại vaccine phòng Covid-19 thứ hai, có tên là Moderna trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp toàn khối.
EU phê duyệt vaccine Moderna
Bà Emer Cooke – Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết loại vaccine này sẽ là công cụ giúp chúng ta vượt qua tình trạng khẩn cấp.
"Đây là minh chứng cho các nỗ lực và cam kết của tất cả những người liên quan trong cuộc chiến chống Covid-19. Thông tin tích cực về vaccine thứ hai chỉ diễn ra một năm ngắn ngủi sau khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu", bà nói.
EU đã đảm bảo sẽ có 160 triệu liều vaccine Moderna – số lượng đủ để tiêm cho 80 triệu người trong tổng số 448 triệu công dân. Sự ra đời loại vaccine phòng Covid-19 thứ hai là một phần chiến lược vaccine nhằm đảm bảo phân phối công bằng cho cả khối.
"Theo hợp đồng, công ty công nghệ sinh học của Mỹ (Biotech) cũng đã hứa sẽ cung cấp tất cả các liều lượng vaccine từ nay tới tháng 9/2021", Ủy ban châu Âu cho biết.
Đại diện của Moderna tuyên bố quá trình phân phối vaccine lần đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu trong tuần tới.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã chúc mừng thành công của vaccine Moderna đồng thời cho biết "chúng tôi sẽ cung cấp thêm nhiều loại vaccine hơn cho khối. Riêng loại vaccine Moderna, chúng tôi sẽ bổ sung thêm 160 triệu liều. Và sẽ có nhiều vaccine hơn nữa trong thời gian tới".
"Hiện tại châu Âu sẽ đảm bảo có thêm 2 tỷ liều vaccine Covid-19 và chúng tôi sẽ đảm bảo mức độ an toàn và hiệu quả với loại vaccine này để bảo vệ người dân châu Âu", bà Leyen nói thêm.
Stella Kyriakides, Ủy viên phụ trách vấn đề y tế của EU lên tiếng "chúng ta hãy đoàn kết và đồng lòng", khẳng định "các nỗ lực của chúng tôi sẽ tiếp tục không ngừng cho đến khi có đủ vaccine cho tất cả mọi người ở châu Âu".
Bà Kyriakides nhấn mạnh các bang sẽ phải đảm bảo quy trình sử dụng và bảo quản vaccine theo đúng quy định.
Hiện tại, 27 thành viên liên minh châu Âu đang đối mặt với các thách thức quá trình phân phối vaccine Pfizer/BioNTech. Châu Âu đã đặt mua 300 triệu liều và được phép đưa vào sử dụng trong tháng 12.
Châu Âu đã triển khai vaccine ra sao?
Tại Pháp, vào khoảng tháng Một, số lượng người được tiêm vaccine phòng Covid-19 rất ít, chỉ khoảng 516 người, cơ quan y tế nước này cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex khẳng định khoảng 1 triệu người dân Pháp sẽ được tiêm chủng vaccine vào cuối tháng này.
Ông Jean Rottner – người đứng đầu khu vực Grand Est nước Pháp – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai khẳng định, tỷ lệ người dân sử dụng vaccine rất thấp đang tạo nên "hiệu ứng xung đột" và chính quyền các khu vực phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
"Điều này có chút hài hước khi việc được tiêm chủng còn khó hơn mua một chiếc xe ô tô", ông Rotter nói trên đài truyền hình công cộng France 2. "Chúng ta cần phải tăng tốc và mọi người dân đều được quyền tiêm chủng ."
Trong khi đó, chính phủ Đức cũng đang phải chịu áp lực vì chưa thể cung cấp đủ liều vaccine Pfizer/BioNTech cho chương trình tiêm chủng trong cả nước.
Đức đã tiến hành đợt tiêm chủng cho 316.962 người (chiếm khoảng 0,4% dân số cả nước)", dữ liệu từ Viện Robert Koch – cơ quan quốc gia về kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho biết.
Những người được ưu tiên tiêm chủng bao gồm 131.885 người cao tuổi ở viện dưỡng lão và khoảng 149.727 nhân viên y tế, dữ liệu của liên bang Đức cho biết. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã bác bỏ các chỉ trích về sự chậm trễ trong lịch tiêm chủng và hứa hẹn các liều vaccine hiện có tại Đức "đạt mức độ chính xác nhất định".
Ông Spahn cũng nêu rõ các nỗ lực của chính phủ khi tiếp tục đặt thêm vaccine cho người dân Đức. Các cơ quan chức năng đang tích cực hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất BioNTech mói ở Marburg.
Các chuyên gia cảnh báo thách thức lớn nhất đối với EU là việc triển khai và phát triển vaccine, trong đó hai loại Pfizer/BioNTech và Moderna đều sử dụng công nghệ mRNA mới – khác với các loại vaccine truyền thống đang bảo quản.
Vaccine Moderna được bảo quản trong nhiệt độ -20 độ C (-4 độ F) với tối đa 6 tháng và nhiệt độ tủ lạnh 2-8 độ C (35-46 độ F) với tối đa 30 ngày. Loại vaccine này cũng có thể bảo quản trong phòng ở nhiệt độ lên tới 12 tiếng và không cần phải pha loãng trước khi sử dụng.
Trong khi đó, vaccine Pfizer/BioNTech cũng được đánh giá là phức tạp hơn trong công tác bảo quản vì quy định ở nhiệt độ khoảng -70 độ C (94 độ F) và giữ trong tủ lạnh chỉ 5 ngày. Loại vaccine này cũng phải pha loãng khi tiêm. Sau khi pha, chúng được sử dụng trong 6 tiếng hoặc phải bỏ đi.
Ứng viên vaccine khác phải kể đến là Oxford/AstraZeneca hiện đã được phân phối ở Anh. Các chuyên gia tin tưởng loại vaccine này có thể sẽ được phê duyệt đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Oxford/AstraZeneca sẽ bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường ít nhất 6 tháng.