• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt thách thức đang chờ nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy

Thế giới 27/09/2022 20:13

(Tổ Quốc) - Bà Giorgia Meloni - đảng cực hữu Italy đã bất ngờ giành chiến thắng sau cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật 25/9. Dự kiến, nữ Thủ tướng phải đối diện với nhiều thách thức như ngân sách, năng lượng.

Bà Giorgia Meloni sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy sau khi liên minh cánh hữu của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật

Tuy nhiên, bà Meloni có thể sẽ không còn nhiều thời gian để ăn mừng chiến thắng khi chờ đợi bà là một viễn cảnh kinh tế khó khăn, nợ nần chồng chất và giá năng lượng tăng cao sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Hiện có một số vấn đề cấp thiết mà bà Meloni cần phải đối mặt.

Sức ép ngân sách và năng lượng

Dự thảo ngân sách quốc gia dự kiến sẽ được trình bày ngay sau cuộc bầu cử và sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Do thời gian hiện tại quá gấp rút, bản dự thảo này có thể chỉ là một văn bản ngắn gọn tập trung vào các dự báo kinh tế khắc nghiệt trong thời gian tới và do đó sẽ chưa thể đưa ra nhiều biện pháp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế.

220926-fratelli-giorgia-meloni-m.jpg

Bà Meloni và liên minh cực hữu đã giành thắng lợi đầy bất ngờ. Ảnh: NBC.

Trong cuộc tranh cử, bà Meloni từng tuyên bố sẽ nỗ lực kiểm soát tài chính công và giúp người dân Italy vượt qua khủng hoảng. Với tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại và lãi suất gia tăng, sẽ ngày càng khó khăn cho bà Meloni để cải thiện nền kinh tế mà không gia tăng thâm hụt cho dự trữ tài chính của nước này. Đồng minh chính của bà, ông Matteo Salvini - Lãnh đạo đảng Liên đoàn Italy thì đang muốn nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp trị giá 30 tỷ euro (30 tỷ USD) để bù đắp chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp trong thời gian mùa đông sắp tới.

Cho đến nay, Italy đã chi 66 tỷ euro để bảo vệ công dân của mình khỏi việc tăng giá điện và sẽ cần nhiều hơn thế nữa trong thời gian sắp tới. Theo nguồn tin thân cận với vấn đề này, thậm chí nếu chỉ gia hạn thời gian giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng cho đến tháng 12 năm nay cũng sẽ khiến nguồn thu của Italy giảm đi gần 5 tỷ euro.

Nước này cũng đang đối mặt với viễn cảnh phải trả gấp đôi tiền nhập khẩu năng lượng so với cách đây một năm và kịch bản này cũng đang dấy lên nhiều lo ngại về tương lai của hàng nghìn công ty vừa và nhỏ. Trong bối cảnh này, bà Meloni ủng hộ chủ trương áp giá khí đốt trên toàn EU và bà cũng sẵn sàng tái cấu trúc thị trường năng lượng của Italy ngay khi nắm quyền mà không cần chờ đợi các đồng nghiệp châu Âu.

Cải tổ và cứu trợ ngành ngân hàng, hàng không, viễn thông

Chỉ vài tuần sau cuộc bỏ phiếu vừa qua, Bộ Tài chính Italy dự kiến sẽ phải đổ thêm 1,6 tỷ euro vào Banca Monte dei Paschi di Siena SpA – ngân hàng đang chìm trong nợ xấu và nếu không được chính phủ hỗ trợ thì sẽ phải đóng cửa. Lần đổ tiền lần này sẽ là nỗ lực mới nhất trong một chuỗi dài cố gắng thời gian qua để cải tổ ngân hàng "ốm yếu" này và tránh một cuộc khủng hoảng tài chính nếu SpA sụp đổ. SpA đã được cứu trợ lần đầu tiên vào năm 2009 và đã đốt hết khoảng 18 tỷ euro tiền mặt của người đóng thuế Italy và các nhà đầu tư kể từ đó đến nay.

Và đối với ngành hàng không nước này, chính phủ sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Mario Draghi đã có các cuộc đàm phán vào cuối tháng 8 với một nhóm đầu tư do quỹ Certares dẫn đầu, trong đó có các hãng hàng không lớn như Air France-KLM và Delta Air Lines Inc., để bán hãng hàng không Alitalia (ITA) đang gặp khó khăn của nước này.

Bà Meloni từng phản đối kế hoạch này, nói rằng việc giao ITA cho các quỹ nước ngoài sau khi đã chi hàng tỷ USD cho hãng hàng không này là một sự sai lầm. Hiện tại, khi bà đã ở trên cương vị người chiến thắng, sự phản đối của bà có thể có nhiều tác động đến tương lai thỏa thuận mà chính phủ cũ muốn đạt được vì quá trình đàm phán đó vẫn chưa ấn định ngày kết thúc. Chính phủ mới hiện tại có thể làm việc với một nhóm nhà đầu tư khác hoặc thậm chí chặn hoàn toàn quá trình tư nhân hóa của hãng hàng không ITA.

Chính phủ mới cũng sẽ phải giải quyết vấn đề của công ty viễn thông Telecom Italia, đơn vị đang nợ tới hơn 30 tỷ euro và đang phải tìm cách quay vòng vốn. Vào tháng 7, hội đồng quản trị của công ty đã yêu cầu Giám đốc điều hành Pietro Labriola từ bỏ quyền kiểm soát lưới điện và tìm cách phân chia dịch vụ điện thoại họ đang cung cấp thành nhiều công ty nhỏ hơn nhằm tìm kiếm đối tác mới tiếp quản các công ty này.

Trước đó, ông Labriola đã tìm cách bán đứt mảng dịch vụ điện thoại cố định của Telecom Italia cho một nhóm đầu tư do các công ty Cassa Depositi e Prestiti, KKR và Macquarie Group dẫn đầu. Động thái này đã bị liên minh chính trị của bà Meloni nghi ngờ. Và khi bà Meloni lên nắm quyền,  kế hoạch trên có thể sẽ phải thay đổi.

Về phần mình, liên minh của bà Meloni đang xúc tiến kế hoạch biến Telecom Italia thành tư nhân và bán bớt tài sản của công ty này nhằm cắt giảm hơn một nửa số nợ của họ- theo những nguồn tin thân cận với vấn đề này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ