• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Đầu tư 2014 gây “khó dễ” cho việc thu hút đầu tư nước ngoài?

Thời sự 16/07/2018 08:39

(Tổ Quốc) - Không như các quy định đảm bảo về việc bảo vệ nhà đầu tư trong các hiệp định đầu tư  (IIA) của Việt Nam, Luật Đầu tư  2014 không có sự đảm bảo rõ ràng về đối xử công bằng.

Hình minh họa: Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp

Đây là những phân tích, đánh giá của các chuyên gia thuộc  Nhóm Ngân hàng Thế giới về Luật đầu tư 2014 của Việt Nam.

Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, Luật Đầu tư 2014 của Việt Nam cho thấy Luật này có chuẩn mực bảo vệ yếu hơn so với một số quy định đảm bảo về việc bảo vệ nhà đầu tư trong các hiệp định đầu tư  (IIA) của Việt Nam. Quy định về bổ sung trong Luật Đầu tư 2014 không đảm bảo việc bảo vệ nhà đầu  tư tránh hành vi sung công trực tiếp và gián tiếp.

Luật cũng không quy định rõ ràng về việc sung công sẽ không có sự phân biệt đối xử, tuân thủ nguyên tắc đối xử công bằng trong sung công, bảo đảm đền bù nhanh chóng, hiệu quả, đầy đủ. Đây là những yêu cầu chính của các quy định về sung công theo chuẩn “thông lệ tốt” và trên thực tế cũng quy định tại các IIA được rà soát.

Theo các chuyên gia Luật Đầu tư 2014 cũng có thể được tiếp tục hoàn thiện liên qua đến những quy định về chuyển tiền. Luật nên cho phép thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam một cách kịp thời.

Chuẩn mực đối xử công bằng (FET) yêu cầu nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc rộng hơn về thiện ý, minh bạch, tỷ lệ hợp lý, thủ tục hợp pháp và không phân biệt đối xử được tuân thủ đối với mọi hành vi của nhà nước đối với nhà đầu tư. Không như các IIA của Việt Nam, Luật Đầu tư 2014 không đảm bảo rõ ràng về đối xử công bằng. Luật Đầu tư 2014 và một số văn bản khác tuy có một số nội dung về chuẩn mực FET nhưng không có quy định đầy đủ về nội dung này. Có một số báo cáo gần đây cho biết quan điểm của nhà đầu tư về tình trạng thiếu minh bạch và không áp dụng nguyên tắc đối xử công bằng trong thủ tục cấp phép kinh doanh. Một khảo sát của thành viên Phòng thương mại Hoa Kỳ  (AmCham) ở khu vực ASEAN vào tháng 3 năm 2017 cho thấy việc thực  thi luật pháp ở Việt Nam là một trong những rào cản hàng đầu đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Báo cáo này cũng đề cập về việc thực hiện các quy định một cách thiếu công bằng, bất bình đẳng.

Về giải quyết tranh chấp, Luật Đầu tư 2014 quy định mọi tranh chấp liên quan đến đầu tư tại Việt Nam trước tiên phải được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, sau đó mới sử dụng trọng tài hoặc tòa án. Tuy nhiên, Luật Đầu tư không quy định thời hạn thương lượng hoặc tham vấn trước khi nhà đầu tư có thể chuyển việc tranh chấp sang trọng tài hoặc tòa án của Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia thành viên của Công ước New York (NYC). Bộ luật Tố tụng Dân sự của Việt Nam cho phép công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài theo quy định NYC. Tuy nhiên, trên thực tế đây vẫn là một điểm yếu lớn của Việt Nam.

Theo gợi ý của các chuyên gia, những hạn chế và sự thiếu nhất quán với các hiệp định quốc tế này của Việt Nam cần phải được giải quyết sớm. Đặc biệt, khi điều 4 của Luật Đầu tư quy định rằng trường hợp Luật Đầu tư trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì sẽ áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.  Điều 5 còn quy định thêm rằng nhà nước tôn trọng điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà Việt Nam là thành viên. Theo những quy định này, nên điều chỉnh  các quy định của luật pháp trong nước cho phù hợp với các hiệp định quốc tế để tránh lúng túng trong thực hiện cả đối với cơ quan quản lý và nhà đầu tư./.

Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ