(Tổ Quốc) - Tờ SCMP đưa tin, những nỗ lực nhằm tìm ra phương thuốc điều trị COVID-19 của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng do không có đủ tình nguyện viên thích hợp tham gia thử nghiệm.
Chuyên gia hàng đầu về y tế của Trung Quốc, ông Zhong Nanshan cho hay, có ít nhất 45 cuộc thử nghiệm liên quan tới điều trị COVID-19 đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ trước hạn cuối đăng ký vào giữa tháng 4. Lý do được đưa ra nhiều nhất là không có đối tượng thử nghiệm.
"Nhiều nghiên cứu bị hủy bỏ vì không ai tưởng tượng được rằng Trung Quốc có thể kiểm soát đại dịch nhanh như vậy", ông Zhong nói. "Giờ đây không có cơ hội để tiến hành các nghiên cứu thuốc hoặc phác đồ điều trị quy mô lớn tại Trung Quốc".
Ông Zhong cũng nhấn mạnh, cơn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19 đã qua, và giờ đây Trung Quốc đang kiểm soát tốt cơn sóng thứ hai.
Hai trong số các cuộc thử nghiệm bị ảnh hưởng có liên quan tới remdesivir – một trong những loại thuốc đầu tiên được nhận định là có thể điều trị được COVID-19.
Các nhà nghiên cứu tại Vũ Hán bắt đầu thử nghiệm remdesivir trên hai nhóm người, một nhóm gồm những người có triệu chứng vừa phải và nhóm còn lại là những người có triệu chứng nặng hơn.
Cả hai nghiên cứu đều bắt đầu từ tháng 2 và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 27/4. Tuy nhiên, đến giữa tuần này, thử nghiệm trên nhóm người triệu chứng nhẹ đã bị hủy bỏ còn nhóm triệu chứng nặng đang bị tạm hoãn. Nguyên nhân được cho là COVID-19 đã "được kiểm soát" tại Trung Quốc và thiếu đối tượng thử nghiệm phù hợp.
Trước đó, công ty sản xuất ra remdesivir, tập đoàn Gilead cho hay, các nghiên cứu liên quan tới bệnh nhân có triệu chứng nặng đã bị dừng; tuy nhiên vẫn còn 5 nghiên cứu khác vẫn đang được tiến hành ở Mỹ và châu Âu. Số lượng ca nhiễm COVID-19 tại cả hai địa điểm này vẫn đang gia tăng.
Việc thiếu đối tượng tham gia thử nghiệm thuốc sẽ dẫn tới quy mô mẫu thử không đủ và thiếu dữ liệu chất lượng cao về tính hiệu quả và an toàn của các cuộc thử nghiệm.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 580 cuộc thử nghiệm liên quan tới virus đã được đăng ký tại Trung Quốc. Theo ông Zhong, mặc dù dù bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, nhưng con số này cho thấy quyết tâm của quốc gia châu Á trong việc tìm ra cách điều trị COVID-19 cũng như công bố các kết quả nghiên cứu của mình.
"Sẽ rất tốt nếu các nhà khoa học tổng kết các kinh nghiệm và công bố các nghiên cứu, đặc biệt khi chúng ta không biết loại thuốc nào có hiệu quả", ông Zhong nhấn mạnh.
Ông cũng chia sẻ thêm, thái độ của giới nghiên cứu Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 hoàn toàn khác với thời điểm dịch bệnh SARS bùng phát 18 năm trước. Vào lúc đó, mọi người chỉ tập trung vào tìm ra phác đồ điều trị mà không viết về các kinh nghiệm của mình. Bản thân ông Zhong cũng chỉ công bố "vỏn vẹn" 3 bài viết về chủ đề này.