(Tổ Quốc) - Nợ công và tham nhũng là 2 vấn nạn của BRI; việc triển khai tại nhiều nước đang chững lại.
Chính phủ của Thủ tướng Mahathir đã quyết định hủy bỏ dự án đường tàu cao tốc (HSR) nối giữa Kuala Limpur với Singapore, gây gián đoạn cho đại dự án xuyên Đông Nam Á của Trung Quốc nối Côn Minh-Viên chăn-Bangkok-Kuala Lumpur-Singapore. Đoạn Trung-Lào đã hoàn thành. Đoạn Lào-Thái đã triển khai một phần. Đoạn Singapore-Kuala Lumpur đã có kế hoạch triển khai. Đoạn Kuala Lumpur – Bangkok bị hủy. Coi như dự án bị tắc.
Bên cạnh đó, chính phủ Mahathir bày tỏ ý định đàm phán lại với Bắc Kinh về dự án kết nối đường sắt bờ Đông (ECRL) do Trung Quốc cấp vốn và đang được một công ty Trung Quốc tiến hành xây dựng. Chính phủ này cũng tuyên bố xem xét lại tất cả các dự án liên quan có vốn Trung Quốc.
Từ trung tâm, thành điểm tắc nghẽn
Trong 3 năm qua, Bắc Kinh coi Malaysia là một trung tâm chiến lược trong triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ở ASEAN. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhảy ào ào vào Malaysia, đưa giá trị các dự án BRI lên khoảng 134 tỷ USD. Malaysia dẫn đầu giá trị đầu tư BRI trên thế giới, vượt xa cả nước thân hữu Trung Quốc ở Nam Á là Pakistan.
Do quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc với Malaysia thời Thủ tướng Najib Razak, Bắc Kinh đã khuyến khích các nhà đầu tư coi Malaysia là điểm đến ưu tiên. Càng nhiều đầu tư vào Malaysia, càng tăng cơ hội địa chính trị dụ đất nước có vị thế chiến lược này “thoát Mỹ thân Trung”. Trung Quốc đã trở thành nguồn FDI hàng đầu tại Malaysia năm 2017. Nhiều công ty Trung Quốc tin rằng Chính phủ của ông Najib Razak sẽ thắng cuộc bầu cử ngày 9/5 nên hiện đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Najib Razak - nguyên Thủ tướng người hùng Malaysia - bị dẫn đến nơi tạm giam để trả lời về các vụ tham nhũng khi đương chức |
Theo thông lệ, 30% giá trị dự án sẽ được dùng để lo lót thủ tục với các quan chức sở tại. Điều này tạo nên nạn tham nhũng tại nước nhận BRI, bên cạnh bẫy nợ.
Vợ ông Najib - được thẩm vấn nhiều lần về vai trò của chồng bà ta trong các vụ tham nhũng |
Các nhà đầu tư Trung Quốc ở Malaysia cho biết họ không chắc chắn phải làm gì sau các thông tin nêu trên. Simone Baptist viết trên The Economist: “Quyết định của Malaysia làm gia tăng quan ngại cho Trung Quốc vì các công ty Trung Quốc đã cam kết số vốn lên tới hàng tỷ cho Malaysia và nước này đã trở thành một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Một lãnh đạo nhóm doanh nghiệp Trung Quốc tại Malaysia cho biết nhiều người đang “xét lại” kế hoạch đầu tư. Nhưng theo một nhà ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh nhìn nhận tình hình ở Malaysia với sự thấu hiểu: “Thủ tường Mahathir đã bày tỏ với Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia rằng ông ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như việc kết nối đường sắt, nhưng với cương vị là Thủ tướng mới, ưu tiên của ông là phải giảm nợ công”. Cả trước và sau khi bầu cử, Thủ tướng Mahathir liên tục nhấn mạnh các dự án cơ sở hạ tầng cực lớn sẽ bị cắt giảm để hạ tổng số nợ quốc gia.
Có nguồn tin cho biết Bắc Kinh sẽ chuẩn bị để đàm phán lại các điều khoản của dự án ECRL giữa hai chính phủ. Với Bắc Kinh, ECRL là một dự án mang tầm chiến lược. Khi hoàn thành, đường sắt bờ Đông sẽ cho phép Trung Quốc đi qua Singapore để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ cảng Klang đến cảng Kuantan và ngược lại. Cảng Kuantan do tập đoàn IJM, chính quyền Pahang và Trung Quốc đồng sở hữu. Bên cạnh cảng này là Khu công nghiệp Malaysia – Trung Quốc Kuantan với hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có tập đoàn thép Alliance Steel. Alliance Steel và nhiều công ty khác đang sử dụng cảng này để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Phác thảo đại dự án hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN dựa trên tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh-Singpapore. |
Nếu các điều khoản hợp đồng tỏ rõ không công bằng với Malaysia, có thể Trung Quốc sẽ đưa ra giải pháp hòa giải với Malaysia.
Khi Malaysia cắt giảm các dự án siêu lớn, những dự án cơ sở hạ tầng đa phương mà các công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng hoặc đang quan tâm tham gia cũng có nguy cơ bị bãi bỏ. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng bình luận, quan hệ song phương vẫn có thể duy trì nếu Bắc Kinh và các nhà đầu tư Trung Quốc có thái độ mềm dịu hơn với chính phủ mới của Malaysia. Thực tế là cả hai nước đều cần đến nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 8 năm nay. Như bài bình luận nêu trên đã chỉ ra: “Malaysia cần đầu tư và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc”.
Trung Quốc dính líu vụ án tham nhũng 1MDB?
Bộ trưởng Tài chính mới của Malaysia Lim Guan Eng ám chỉ Trung Quốc liên quan đến vụ án tham nhũng của Quỹ đầu tư 1MDB Malaysia. Liên quan đến việc chính phủ của ông Najib Razak đồng ý trả tiền cho Trung Quốc theo lịch mà không theo tiến độ trong dự án xây dựng đường ống dẫn dầu. Hiện có hơn 90% số tiền đã được chi trả cho phía Cục Đường ống dẫn dầu Trung Quốc (China Petroleum Pipeline Bureau) mà tiến độ chỉ mới hoàn thành 13% sau một năm. Ông Lim Guan Eng cũng cho biết có thể cần sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc trong việc truy lại tình hình trả tiền của Malaysia.
Theo một số đánh giá, việc triển khai BRI tại nhiều nơi trên thế giới gần đây đã chững lại./.