(Tổ Quốc) - Theo CNN, Trung Quốc đang là quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc khủng nhất thế giới.
Vào đầu thế kỷ 21, Trung Quốc không hề có bất kỳ đường sắt cao tốc nào mà chỉ là những chuyến tàu chậm chạp và thường xuyên gây khó chịu cho hành khách trong những hành trình dài. Tuy nhiên, hiện nay quốc gia có dân số đông nhất thế giới đang sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc khủng nhất thế giới. Các mạng lưới đường sắt cao tốc đan chéo, trong đó một nửa dự án đã hoàn thành chỉ sau 5 năm xây dựng.
Với tốc độ tối đa 350km/h, đường sắt cao tốc Trung Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu nhiều tuyến du lịch liên tỉnh, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho hành khách.
Tính đến năm 2020, 75% thành phố của Trung Quốc đã có đường sắt cao tốc .
Biểu tượng của quyền lực kinh tế
Tham vọng của Trung Quốc là biến đường sắt cao tốc trở thành mô hình du lịch đường dài trong nước. Tuy nhiên, sự ra đời mạng lưới đường sắt đồ sộ hiện nay của nước này mang đến ý nghĩa lớn hơn nhiều.
Giống như Shinkansen của Nhật Bản vào những năm 1960, sự ra đời mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang được xem là biểu tượng quyền lực kinh tế, tốc độ hiện đại hóa nhanh, sức mạnh công nghệ phát triển và sự thịnh vượng của đất nước. Hiện tại, đường sắt cao tốc là công cụ quyền lực gắn kết xã hội, ảnh hưởng chính trị và hội nhập khu vực giữa các nền văn hóa.
"Việc xây dựng các tuyến đường sắt mới là một phần trong kế hoạch lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy hội nhập vào thị trường quốc gia rộng lớn", Tiến sỹ Olivia Cheung – Viện Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London cho biết.
Động thái này cho thấy Trung Quốc đang lặp lại lịch sử thúc đẩy mạng lưới đường sắt cao tốc, trước đó nhiều tuyến đường sắt sơ khai ở Bắc Mỹ, châu Âu đã từng làm như vậy. Sự phát triển mạng lưới đường sắt ở Nga, Pháp, Anh và một số nước khác từng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhu cầu chính trị và quân sự.
"Trung Quốc đã tạo ra mạng lưới đường sắt cao tốc ở quy mô chưa từng có trong lịch sử, được dự báo là nhanh hơn và chắc chắn là đáng tin cậy hơn các chuyến bay nội địa của Trung Quốc. Quy mô của các nhà ga mới và lộ trình di chuyển đáng kinh ngạc đang là điểm ấn tượng của chương trình này. Tất cả các vé phải đặt trước và hành khách chỉ cần quét thẻ căn cước hoặc hộ chiếu tại các cửa soát vé", chuyên gia du lịch đường sắt Mark Smith nhấn mạnh.
Trung Quốc ban đầu từng nghĩ đến việc sẽ lựa chọn công nghệ tốc độ cao nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản để thiết lập mạng lưới đường sắt cao tốc. "Các gã khổng lồ kỹ thuật đường sắt toàn cầu" như Bombardier, Alstom và Mitsubishi đều rất muốn thúc đẩy chương trình hợp tác bởi quy mô tiềm năng của thị trường mới và kế hoạch tham vọng mà Trung Quốc hướng đến thông qua dự án này. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các công ty trong nước của Trung Quốc đã phát triển thành những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật tàu cao tốc. Vì vậy, sự huy động tiềm năng sẵn có được xem là thành công nhất định của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Quy mô khổng lồ và các thay đổi lớn về địa hình, địa chất và khí hậu đặt ra rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện dự án này. Từ Cáp Nhĩ Tân đến tuyến đường Lanzhou-Urumqi ngang qua sa mạc Gobi, các kỹ sư Trung Quốc đã phải mất rất nhiều công sức để có thể thiết kế phù hợp với địa hình thời tiết đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cho lộ trình đường sắt ngang qua.
Tính hiệu quả mô phỏng công nghệ cao
Các công ty Trung Quốc nằm trong số những công ty đi đầu thế giới trong việc giới thiệu công nghệ mới như vận hành tàu tự động (không người lái) và công nghệ điều khiến tiên tiến.
Tàu cao tốc không người lái kết nối giữa Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu ở phía bắc tỉnh Hà Bắc có khả năng đạt tốc độ lên tới 350km/h hiện đang trở thành tàu tự hành nhanh nhất thế giới. Tuyến đường mới được khai trương vào tháng 12/2019 là một phần trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông Bắc Kinh 2022. Các chuyến tàu nhanh nhất hoàn thành chuyến đi chỉ trong 45 phút.
Xây dựng trong vòng 4 năm, tuyến đường bao gồm 10 nhà ga phục vụ hai trong số các địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông lớn cùng với một số nhà ga khác ở Badaling Changcheng giúp khách du lịch có thể có hành trình đến Vạn Lý Trường Thành nhanh nhất.
Các toa hành khách trên tàu tự hành đã được mở rộng khu vực lưu trữ thiết bị thể thao mùa đông, ghế ngồi có bảng điểu khiển màn hình cảm ứng 5G, hệ thống chiếu sáng thông minh, hàng nghìn cảm biến an toàn và ghế có thể tháo rời dành cho hành khách ngồi trên xe lăn...
Theo hãng CNN, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng khắp châu Á, sang châu Âu và châu Phi thông qua "Sáng kiến Vành đai và Con đường" đầy tham vọng thì việc xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc đang đóng góp một phần cơ bản tạo ra "Con đường Tơ lụa" mà Bắc Kinh đang hướng đến.
"Ngành công nghiệp đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã trở thành một trong những ngành kinh tế trụ cột của quốc gia và mạng lưới đường sắt tốc độ cao đã mang lại thuận lợi cho hành khách trong quá trình di chuyển", ông Jianwei Zhang – Chủ tịch và Đại diện Quốc gia của Bombardier Trung Quốc cho biết.