• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mất cơ hội vàng, hòa đàm Syria vòng 8 rơi vào ngõ cụt

Thế giới 15/12/2017 16:08

(Tổ Quốc) - Tiến trình hòa đàm Geneva nhằm tiến tới kết thúc nội chiến Syria đã hoàn toàn sụp đổ khi Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tuyên bố “cơ hội vàng” đã bị mất.

Cơ hội vàng bị mất

Ông Staffan de Mistura cho rằng phái đoàn chính phủ Syria không thực sự mong muốn đối thoại và dường như không quan tâm tới việc thảo luận về bất kỳ điều gì ngoài chống chủ nghĩa khủng bố.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Mistura cho biết, phái đoàn chính phủ Syria từ chối tham gia đàm phán hòa bình Geneva. Ảnh:Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images

Kết thúc đàm phán vào ngày 14/12 cho tiến trình hòa bình Geneva và hiện tại là ở vòng thứ 8 của hòa đàm, ông De Mistura cho biết sẽ báo cáo về kết quả của cuộc hòa đàm lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trong tuần sau và sẽ không từ bỏ cho đến khi đạt được kết quả.

Theo ông De Mistura, bởi có sự hậu thuẫn từ phía Nga nên Tổng thống Syria Bashar al-Assad tỏ ra hờ hững với các đàm phán từ phe đối lập.

Phái đoàn chính phủ Syria đã từ chối tham gia hòa đàm Geneva. Do đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã phải yêu cầu từ Nga gây sức ép cho chính phủ Syria bắt đầu đi vào đàm phán. Tuy nhiên, ông Bashar Ja’afari  - đại diện từ đoàn đàm phán chính phủ Syria lại tuyên bố, họ không thể đàm phán với phe đối lập.

Trước thềm cuộc hòa đàm, phe đối lập đã đưa ra yêu cầu chuyển giao chính trị tại Syria và muốn Tổng thống Assad ra đi. Ông Bashar Ja’afari cho rằng, chính phủ Syria sẽ không bao giờ đàm phán với thái độ không hợp tác như vậy.

“Chính phủ Syria không hề mong muốn các cuộc đàm phán thất bại, nhưng phe đối lập phải từ bỏ điều kiện tiên quyết mà họ đã đưa ra trong Thông cáo Riyadh rằng Tổng thống al-Assad không được có vai trò gì trong chuyển giao chính trị”, ông Ja’afari nhấn mạnh và mô tả bản thông cáo này giống như lời đe dọa đối với tiến trình Geneva”.

Theo ông De Mistur, cho dù phe đối lập có đưa ra các tuyên bố không thuyết phục tại Geneva nhưng đây không phải là điều kiện tiên quyết và kêu gọi Tổng thống Assad nên đưa ra các ý kiến trước thềm bầu cử Tổng thống mà Liên Hợp Quốc sẽ đứng ra giám sát.

Ông Ja’afari cho rằng chính ông de Mistura đã mắc phải sai lầm khi cố tình sắp xếp phái đoàn chính phủ Syria vào trong một phòng gần với phe đối lập.

Đây là lần thứ 8 hòa đàm Syria thất bại. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Mistura đã tổ chức 7 vòng đàm phán kể từ năm 2016 mà không thu được kết quả đáng kể nào.

Mặc dù vòng đàm phán lần này không đạt được tiến triển nào, tuy nhiên, Đặc phái viên Mistura tiết lộ ông đang lên kế hoạch cho một vòng đàm phán sắp tới vào tháng 1/2018.

Phe đối lập cầu cứu Nga giải hòa đàm Liên Hợp Quốc

 

Trước đó, phe đối lập Syria đã lên tiếng yêu cầu Nga thuyết phục phái đoàn chính phủ Syria tham gia vòng đàm phán trực tiếp tiến tới tiến trình hòa bình Syria.

Bà Basma Kodami, thành viên đứng đầu đoàn đàm phán của phe đối lập Syria đã nhấn mạnh đến tiến trình chuyển giao chính trị trong bầu cử Tổng thống trong thời gian tới và nhắc tới tương lai không phải là chính quyền Tổng thống Assad.

Bà Kodami bày tỏ tin tưởng Nga có thể tạo sức ép đến phái đoàn chính phủ Syria để tiến tới vòng đàm phán quan trọng tại Geneva lần này.

Tổng thống Nga Putin cũng từng bày tỏ mong muốn giúp đỡ một thỏa thuận hòa bình và sẵn sàng tổ chức một sự kiện đặc biệt tại Nga - một Đại hội Đối thoại quốc gia Syria – điều Moscow hy vọng sẽ tập hợp được tất cả các bên và cố gắng vạch ra một hiến pháp mới.

Nhưng De Mistura cũng đã nói rõ rằng các cuộc đàm phán hòa bình phải thông qua Liên hợp quốc tại Geneva và rằng: "Các biện pháp khác thì không có giá trị ... Đây là một cuộc chiến tranh phức tạp, chỉ có thể ở ở Geneva thông qua Liên Hợp Quốc ".

Tín hiệu cho thấy, Syria đang đối mặt với sức ép chính trị lớn từ Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các bên phải bắt đầu vòng đàm phán trực tiếp về hiến pháp mới và chuẩn bị cho tiến trình bầu cử.

Các nhà ngoại giao phương Tây tỏ ra hoài nghi về việc Tổng thống Putin sẽ chấp nhận gây sức ép đối với Tổng thống Syria Assad để bắt đầu tiến trình đàm phán quan trọng lần này.

Bà Kodami cho biết: “Giả thiết của chúng tôi đặt ra là Nga luôn thích thúc tìm kiếm và tăng cường ảnh hưởng. Chúng tôi cần Nga tăng cường ảnh hưởng lên chính phủ Syria và họ chắc chắn sẽ nghe theo điều này. Đây là thời điểm tốt nhất để Moscow có thể tiến tới hòa bình Syria và chiến lược rút lui cuối cùng”, bà Kodami nói.

Tuy nhiên, vòng hòa đàm thứ 8 tại Geneva lại bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc.

(Theo Guardian)

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ