(Tổ Quốc) - Có cách tiếp cận khác biệt đối với xung đột Israel – Palestine, liệu Tổng thống Mỹ có làm nên lịch sử?
Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ không kỳ vọng về một bước ngoặt lịch sử sau chuyến thăm hai ngày đến Israel và bờ Tây, nhưng rõ ràng, ông là vị Tổng thống Mỹ mới nhất đặt chân đến miền đất luôn đầy mâu thuẫn này, với mục tiêu về một thỏa thuận hòa bình luôn “canh cánh” bên mình.
Các nước Arab thay đổi thái độ với Israel, cùng hướng tới kẻ thù chung Iran
Những hy vọng cho hòa bình đã được thể hiện rõ trong chuyến công du đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng đến Trung Đông. Ông mong đợi có thể tìm ra được con đường thích hợp, hoặc ít nhất là có được một chuyển biến nào đó, sau các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas.
“Trong chuyến đi của mình, tôi đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu hy vọng cho phép tôi tin rằng, chúng ta có thể thực sự có được một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân khu vực, người dân của mọi tôn giáo - đức tin và thực tế là người dân trên toàn thế giới,” Tổng thống Mỹ phát biểu hôm thứ Hai (22/5).
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel trong cuộc họp báo chung (ảnh: whitehouse) |
Tuy nhiên, theo kênh CNN, cho dù ông Trump có ám chỉ khả năng về việc “hâm nóng” lại quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab, hay những cố vấn của ông khăng khăng rằng Washington đang có cách tiếp cận mới so với các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, cuộc xung đột và các điều kiện chính trị giữa người Israel và Palestine hầu như vẫn không thay đổi.
Chính phủ Israel hiện tại của Thủ tướng Netanyahu được đánh giá là một trong những nội các bảo thủ nhất trong lịch sử đất nước, trong khi sức mạnh quyền lực mà ông Abbas nắm trong tay dường như ngày càng mỏng manh – và sự thiếu niềm tin đang ngự trị trong quan hệ giữa hai bên.
Tuy nhiên, tại chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục đưa ra kỳ vọng, thể hiện sự lạc quan về một thỏa thuận hòa bình rốt cuộc sẽ có thể kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài gần 70 năm.
Ngài Tổng thống thậm chí còn cung cấp dẫn chứng cho sự lạc quan của mình rằng, chuyến thăm đến Arab Saudi đã củng cố niềm tin của ông, về việc các nhà lãnh đạo Arab sẽ bắt đầu dành nhiều tâm sức cho một thỏa thuận hòa bình, và đoàn kết để đối phó mối đe dọa trong khu vực là Iran.
“Tôi đã nhìn thấy một cảm giác khác biệt hướng tới Israel từ những quốc gia mà các bạn biết đấy, từng không có cảm tình với Israel,” ông Trump phát biểu.
Cựu đặc phái viên hòa bình Trung Đông George Mitchell nhận định, các quốc gia vùng Vịnh như Arab Saudi “đang dần nhận ra thực tế rằng, mối nguy hiểm thực sự của họ không đến từ Israel, mà là Iran…”.
“Những viễn cảnh về việc họ cùng chung tay làm gì đó, để giảm bớt sự bất đồng với Israel… tạo ra một cơ hội,” ông Michell trả lời phỏng vấn kênh CNN. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, những thách thức giữa Israel và Palestine vẫn còn cực kỳ vững chắc, bất chấp những nỗ lực hàn gắn mới nhất của Tổng thống Trump.
Khả năng về thỏa thuận hòa bình vẫn khó trở thành hiện thực
“Lần đầu tiên trong cuộc đời minh, tôi nhìn thấy một cơ hội thực sự để thay đổi,” Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Hai với Tổng thống Trump. “Các nhà lãnh đạo Arab mà ông Trump đã gặp gỡ có thể giúp thay đổi bầu không khí… và giúp thay đổi những điều kiện dẫn đến nền hòa bình thực sự.”
Robert Danin, một cựu quan chức Mỹ với nhiều năm kinh nghiệm về Israel và Palestine cho rằng, trong khi cả hai nhà lãnh đạo Trung Đông không muốn để lại ấn tượng xấu với ông Trump, khả năng cho một thỏa thuận vẫn khó trở thành hiện thực. “Phía sau những nụ cười và cảm giác ấm áp trong cuộc gặp gỡ này, là rất nhiều sự e ngại,” Danin nói.
Tổng thống Trump đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas |
Chuyên gia Trung Đông của Trung Tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Anthony Cordesman đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, khả năng lớn nhất mà ông Trump có thể đạt được từ chuyến công du là nhà lãnh đạo Israel sẽ đồng ý thảo luận, và “ít nhất cố gắng bề ngoài tỏ ra nỗ lực duy trì giải pháp hai nhà nước, và hạn chế các khu định cư.”
Tuy nhiên, cả Netanyahu và Abbas đều đang phải đối mặt với những thách thức chính trị từ bên trong chính quốc gia mình. “Vấn đề là, chính trị nội bộ Israel không thực sự muốn điều trên xảy ra,” Cordesman phân tích. “Đây dường như không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngài Thủ tướng.”
Nhà Trắng đã bỏ ngoài tai những nhận định tỏ ra nghi ngờ về khả năng của ngài Tổng thống trong việc đưa tiến trình hòa bình thoát khỏi sự bế tắc, dựa trên một cách tiếp cận khác biệt so với những gì mà các chính phủ tiền nhiệm đã làm.
Ông Trump gây sốc với cách tiếp cận mới
Ở một số góc độ, Tổng thống Trump đang nhìn nhận vấn đề theo một cách khác biệt. Không như các Tổng thống trước – thường cung cấp những giới hạn cụ thể và yêu cầu cả hai bên đều thực hiện, ông Trump hầu như không đòi hỏi gì từ các nhà lãnh đạo Israel và Palestine.
Thay vào đó, người đứng đầu nước Mỹ coi mình là một “nhà hòa giải, người phân xử, người cố vấn” để giúp cả hai bên đạt được một hiệp định hòa bình lâu dài, và cố gắng không nêu ra những điều khoản “bắt buộc phải có” trong thỏa thuận này.
Ông Trump từng khiến các chuyên gia lâu năm về tiến trình hòa bình Israel – Palestine phải sốc, khi hồi đầu năm từng tuyên bố không ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột – lựa chọn của các đời Tổng thống Mỹ trước.
“Tôi nhìn vào giải pháp hai nhà nước và một nhà nước, và tôi thích giải pháp được cả hai bên ủng hộ,” ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hồi tháng Hai. “Tôi có thể chấp nhận một trong hai giải pháp.”
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng từng yêu cầu Thủ tướng Israel “kiềm chế [xây dựng] các khu định cư”, mặc dù không đưa ra chi tiết cụ thể, bao gồm cả việc nó có áp dụng cho các công trình của Israel tại Đông Jerusalem hay không.
Ông Trump tại Di tích bức tường phía Tây |
Trong khi tìm cách rời xa lối suy nghĩ của những người tiền nhiệm, ông Trump cũng tỏ ra “khiêm tốn” hơn khi có những phát ngôn bày tỏ sự ủng hộ với Israel – khác với những gì ông từng thể hiện trong chiến dịch tranh cử.
Mặc dù từng cam kết sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ tới đây khi còn là một ứng cử viên Tổng thống, tuần trước, ông Trump lại dừng việc công bố kế hoạch chuyển dời trong chuyến công du tới Israel.
CNN dẫn lời các nguồn tin chính thức cho biết, mặc dù Tổng thống chưa tuyên bố việc di chuyển sứ quán, nhưng khả năng này không hoàn toàn bị loại trừ trong tương lai.
(Theo CNN)