(Tổ Quốc) - Mới đây, trang Reuters đã có một bài viết về mối tình cảm động xuyên biên giới giữa một cựu sinh viên Việt Nam và cô gái Triều Tiên.
31 năm trước, ông Phạm Ngọc Cảnh (69 tuổi) đã chụp bức ảnh đầu tiên cho bà Ri Yong Hui; nhưng phải đến tận năm 2002, mối tình của ông bà mới chính thức có một cái kết đẹp bằng một đám cưới. Đó cũng là khi Triều Tiên "phá lệ", chấp nhận một công dân của mình kết hôn với một người nước ngoài.
Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui nắm tay nhau trước cửa căn nhà tại Hà Nội
"Khi lần đầu nhìn thấy ông ấy, tôi đã rất buồn vì cảm thấy đó là một tình yêu không bao giờ thành hiện thực," bà Ri (70 tuổi) hồi tưởng lại.
Giờ đây đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội, hai ông bà Cảnh và Ri đều có những kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 – 28/2.
"Khi mọi người lần đầu nghe về cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump, họ mong muốn thống nhất sẽ sớm diễn ra. Nhưng thật khó để điều này xảy đến trong một hoặc hai ngày," bà Ri nói. "Tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp".
Năm 1967, ông Cảnh là một trong 200 sinh viên Việt Nam được gửi sang du học tại Triều Tiên. Một vài năm sau đó, trong một lần thực tập tại một nhà máy ở bờ đông Triều Tiên, ông đã gặp bà Ri.
"Tôi tự nhủ, 'mình phải cưới cô gái này", ông Cảnh nhớ lại. Trong thực tế, ông đã lấy hết dũng khí để tới gặp và hỏi xin địa chỉ bà Ri lúc đó.
Những gì chờ đợi người đàn ông Việt và người phụ nữ Triều Tiên là vô vàn thách thức. Cho tới ngày hôm nay tại Triều Tiên, và thời điểm lúc hai ông bà mới yêu nhau, tại Việt Nam, quan hệ tình cảm với người nước ngoài hoàn toàn bị cấm.
Tấm ảnh chụp chàng sinh viên Việt Nam bên cô gái Triều Tiên thời trẻ
Sau một thời gian trao đổi qua thư từ, bà Ri đã chấp nhận mời ông Cảnh về thăm nhà. Để làm được điều này, ông Cảnh phải mặc quần áo của người Triều Tiên, trải qua hành trình bằng xe buýt dài ba tiếng đồng hồ và quãng đường đi bộ dài 2km. Tuy nhiên, cho tới tận khi phải quay về Việt Nam vào năm 1973, hàng tháng ông vẫn đều đặn tới nhà thăm người con gái mình yêu.
Sau 5 năm ở Việt Nam, vào năm 1978, ông Cảnh có cơ hội quay trở lại Triều Tiên và tái ngộ bà Ri. Nhưng mỗi lần gặp gỡ, người phụ nữ Triều Tiên cho biết, bà đều cảm thấy như trái tim tan vỡ và e sợ họ sẽ không bao giờ gặp lại. Ông Cảnh đã đem theo một lá thư tự viết cho nhà lãnh đạo Triều Tiên, với hy vọng sẽ có được sự đồng ý để cưới bà Ri. Cuối cùng, lá thư không được gửi đi, nhưng ông Cảnh vẫn kiên định yêu cầu bà Ri hãy chờ đợi mình.
Đến tận năm 1992, ông Cảnh mới lại một lần nữa đặt chân tới Triều Tiên theo một phái đoàn thể thao Việt Nam, nhưng lại không gặp được bà Ri. Khi quay trở lại Hà Nội, ông phát hiện ra bà Ri đã gửi cho mình một lá thư.
Trong những năm 1990, Triều Tiên bị rơi vào nạn đói trầm trọng. Lo lắng cho bà Ri và người thân, ông Cảnh đã kêu gọi bạn bè quyên góp 7 tấn gạo gửi sang Triều Tiên. Chính hành động này của ông đã mở ra con đường giúp ông gặp lại người phụ nữ mình yêu. Nhà lãnh đạo Triều Tiên biết được câu chuyện và đồng ý để hai ông bà có thể cưới nhau và chọn sống tại một trong hai đất nước, nếu bà Ri chịu giữ lại quốc tịch Triều Tiên.
Năm 2002, ông Cảnh và bà Ri cuối cùng đã tổ chức lễ kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng, và bắt đầu cuộc sống mới cùng nhau tại Hà Nội cho tới ngày hôm nay.