• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một quan chức Mỹ đến Philippines: Tìm kiếm tín hiệu từ tân lãnh đạo

Thế giới 09/06/2022 16:03

(Tổ Quốc) - Một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp Tổng thống mới đắc cử của Philippines Ferdinand Marcos Jr hôm thứ Năm tại Manila.

Theo AP, đây là một điểm đến trong chiến dịch tăng cường thúc đẩy ngoại giao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Washington nhằm giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mỹ sẵn sàng làm việc với đồng minh

Sau khi gặp ông Marcos, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã tweet rằng hai người đã thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm cả quan hệ liên minh Philippines-Mỹ, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế, thúc đẩy nhân quyền và "bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Ông Marcos đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tại Philippines vào tháng trước và nước Mỹ dường như đang rất sẵn sàng làm việc với ông. Tổng thống Joe Biden là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gọi điện cho ông Marcos và chúc mừng ông về chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Một quan chức Mỹ đến Philippines: Tìm kiếm tín hiệu từ tân nhà lãnh đạo - Ảnh 1.

Philippines là một đồng minh truyền thống và chiến lược của Mỹ. Do đó, điều dễ hiểu là Washington muốn tiếp tục xây dựng quan hệ với chính quyền mới của Philippines. Ảnh: AP.

Thông tin chi tiết về cuộc gặp của ông Marcos và bà Sherman không được công bố ngay lập tức, nhưng chuyến đi của bà là một phần trong một chiến dịch quy mô lớn hơn nhằm tiếp cận trực tiếp với các nhà lãnh đạo trong khu vực để xây dựng tiếng nói chung. Chiến dịch này được diễn ra khi Mỹ ngày càng quan ngại về việc Trung Quốc thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng ở một khu vực chiến lược quan trọng.

Một vấn đề quan trọng nữa là tranh chấp Biển Đông, khi Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở một tuyến đường thủy chiến lược của thế giới. Mỹ và các đồng minh đã tìm cách thể hiện sự hiện diện bằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, tuy nhiên, đã vấp phải sự chỉ trích và đôi khi được cho là sự can thiệp của quân đội Trung Quốc.

Australia – một đồng minh của Mỹ - cũng đã lên tiếng phản đối sau khi cho biết một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện các động tác nguy hiểm xung quanh một trong các máy bay giám sát của họ và buộc máy bay của Australia phải quay trở lại căn cứ vào tháng trước. Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.

Mỹ hướng đến Đông Nam Á

Được biết, bà Sherman cũng có điểm dừng ở Hàn Quốc, Lào và Việt Nam. Cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet cũng có mặt tại khu vực Đông Nam Á, gặp gỡ các quan chức ở Thái Lan, Singapore và Brunei.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai chuyến thăm này nêu bật cam kết của Mỹ đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, một khối khu vực gồm 10 thành viên được gọi là ASEAN, cũng như quan hệ đối tác song phương của Washington và các quốc gia khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng là một diễn giả nổi bật vào cuối tuần này tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, một diễn đàn quốc phòng và an ninh hàng đầu ở châu Á.

Cố vấn Chollet đã chia sẻ với tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat trong một bài báo tuần này rằng: "Có một số yếu tố trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi, từ việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi chúng tôi có thể giải quyết các vấn đề một cách công khai và các quy tắc được áp dụng minh bạch và công bằng, cho đến điều thứ hai của chiến lược là tạo dựng các kết nối mạnh mẽ hơn trong khu vực và vượt ra ngoài khu vực".

Ông Chollet cho biết chiến lược chung hiện tại bao gồm tăng cường mối quan hệ Mỹ - ASEAN và thúc đẩy hợp tác của nhiều liên kết khác, chẳng hạn như quan hệ đối tác của Anh, Australia và Mỹ được gọi là AUKUS và cơ chế Quad liên quan đến Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.

Bản thân Trung Quốc cũng đã tích cực tăng cường kết nối ngoại giao trong khu vực, gần đây đã ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon. 

Sau thỏa thuận quần đảo Solomon, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đi đến nhiều quốc đảo khác, hy vọng sẽ ký một thỏa thuận đầy tham vọng với 10 quốc gia bao gồm nhiều lĩnh vực như an ninh và ngư nghiệp. Nhà ngoại giao Trung Quốc chưa thể đạt được sự đồng thuận về thỏa thuận quy mô lớn này mà thay vào đó, Bắc Kinh đã ký được các thỏa thuận song phương nhỏ hơn.

Trước động thái này, Australia cũng đã cử ngoại trưởng của mình tới một số quốc đảo Thái Bình Dương, tiếp tục chiến lược tiếp cận ngoại giao của riêng mình.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ