(Tổ Quốc) - Thứ Bảy (19/10), 650 thành viên của Quốc hội Anh sẽ tổ chức họp tại Westminster để quyết định có thông qua đề xuất Brexit của Thủ tướng Boris Johnson hay không.
Kể từ Thế chiến II, đây mới là lần thứ tư Quốc hội Anh nhóm họp vào thứ bảy và động thái này được kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt giúp London giải quyết được một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong lịch sử của mình.
Mây đen "vần vũ" trên bầu trời toà nhà Quốc hội Anh tại Westminter, London (ảnh: Bloomberg)
Nếu ông Johnson giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu, Anh sẽ rời EU vào cuối tháng này với một thỏa thuận. Thời gian quá độ giữ nguyên hiện trạng sẽ kéo dài tới cuối năm 2020, cho phép các doanh nghiệp và người dân có đủ thời gian chuẩn bị cho tương lai bên ngoài EU.
Nhưng nếu ông Johnson thua, cuộc khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ của nước Anh sẽ lại tiếp tục với những ảnh hưởng tiềm tàng nghiêm trọng lên thương mại, nguồn cung thực phẩm và năng lượng cũng như cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Anh thể hiện quyết tâm đưa đất nước rời khỏi EU đúng thời hạn 31/10 ngay cả khi Quốc hội từ chối thỏa thuận mà ông vừa mới đạt được với liên minh vào giữa tuần. Các đối thủ của tại Quốc hội đặt mục tiêu ngăn cản ông Johnson thực thi một Brexit không thỏa thuận bằng một đạo luật, trong đó yêu cầu người đứng đầu nước Anh phải viết thư cho EU vào cuối ngày 19/10 để yêu cầu tiếp tục gia hạn Brexit trong trường hợp ông không vượt qua được cuộc bỏ phiếu trong ngày.
Theo Thủ tướng Johnson, ông sẽ tiếp tục đấu tranh để rời EU đúng hạn cho dù với bất kỳ giá nào. Tranh cãi có thể sẽ kết thúc với những thách thức pháp lý chống lại chính phủ trong những ngày tới, có khả năng dẫn tới Tòa án Tối cao Anh. Tiếp theo sau đó rất có thể là một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Brussels, tổng tuyển cử, một nỗ lực khác để lại một lần nữa bỏ phiếu tại Quốc hội hoặc thậm chí là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit…
Không có được sự ủng hộ đa số từ Hạ viện và bị các đồng minh Ai-len "xa lánh", mục tiêu thông qua thỏa thuận của ông Johnson đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
"Tưởng tượng tối ngày mai sẽ ra sao, nếu chúng ta dàn xếp được việc này và chúng ta tôn trọng ý kiến của người dân bởi vì chúng ta sau đó sẽ có cơ hội để tiến lên", ông Johnson nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh BBC hôm thứ sáu (18/10). "Đây là một vấn đề mệt mỏi đã bị kéo dài quá lâu và gây chia rẽ".
Nhà lãnh đạo Anh cũng đã nhận được một khích lệ từ EU khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, ngay cả khi Quốc hội Anh từ chối thoả thuận, Brexit sẽ không tiếp tục bị trì hoãn sau thời hạn 31/10. Đây là cũng là một áp lực lên các nghị sỹ Anh đang hy vọng có thể gia hạn Brexit nhằm tránh tình cảnh rời đi mà không kèm theo bất kỳ thỏa thuận nào.