(Tổ Quốc) - Trước đây, các hội nghị thượng đỉnh ba bên chỉ được tổ chức khi cần thiết và nằm bên lề các sự kiện thượng đỉnh đa phương khác, theo tờ Hankyoreh (Hàn Quốc).
Theo thông tin từ các nguồn thân cận ngày 1/8, sau hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào ngày 18/8 tại Trại David ở Mỹ, cả 3 nước đang hướng tới kế hoạch tổ chức các sự kiện như vậy định kỳ.
Chính phủ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã xúc tiến các cuộc thảo luận ở cấp chuyên viên về vấn đề này. Nếu kế hoạch như vậy đạt được sự nhất trí ở cấp cao nhất, các hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ trở thành khuôn khổ để củng cố sự phối hợp chiến lược giữa ba bên.
Trước đây, các hội nghị thượng đỉnh ba bên chỉ được tổ chức khi cần thiết và nằm bên lề các hội nghị thượng đỉnh đa phương khác. Sự kiện sắp tới sẽ là lần đầu tiên ba nhà lãnh đạo nhóm họp tại một hội nghị thượng đỉnh ba bên mà không liên quan đến dịp nào khác.
Nếu sự kiện như vậy được tổ chức thường xuyên, 3 nước có thể sẽ triển khai theo thể thức tương tự của G7 là luân phiên chủ trì cuộc họp.
Tìm kiếm tiếng nói và vị thế chung
Ý tưởng tổ chức thường xuyên này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang thúc giục Seoul và Tokyo hòa giải để cùng nhau xây dựng chiến lược toàn cầu.
Kkhi đề cập đến cuộc họp này trong một sự kiện vận động tranh cử ở Freeport, Maine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ "đưa các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc" đến Trại David và "Họ gần đây đã xây dựng lại quan hệ từ Thế chiến II. Đây cũng là một sự thay đổi đáng kể".
Nếu các cuộc họp diễn ra thường xuyên, ba bên dường như đang thể hiện rằng họ sẵn sàng thảo luận và hợp tác chặt chẽ hơn về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên. Họ cũng sẽ tăng cường tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu, tìm kiếm các thỏa thuận quan trọng và sẵn sàng đưa ra các tuyên bố chung ba bên hơn so với trước đây. Theo truyền thống, tuyên bố chung sau cuộc họp của 3 nước thường ngắn gọn và chỉ mang tính thứ yếu vì diễn ra bên lề các hội nghị thượng đỉnh đa phương khác.
Tờ Hankyoreh nhận định, đối với Hàn Quốc, so với khi gặp riêng từng bên thì các sự kiện 3 bên cũng sẽ khiến họ phải gắn bó chặt chẽ hơn với cả Washington và Tokyo.
Khi ông Yoon gặp gỡ các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5 năm ngoái, ông cũng đã công bố kế hoạch "thúc đẩy sự phối hợp ba bên lên một tầm cao mới".
Mỹ cũng đồng tình với chủ trương trên, ghi nhận tầm quan trọng của các cuộc nhóm họp đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Khi công bố kế hoạch về sự kiện tại Trại David, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ba nhà lãnh đạo sẽ "thảo luận về việc mở rộng hợp tác ba bên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhiều khu vực khác. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ thúc đẩy một tầm nhìn chung ba bên nhằm giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu và khu vực, thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế".
Nguy cơ khiến quan hệ với Trung Quốc xấu đi
Tuy nhiên, tờ Hankyoreh cho rằng, nếu Mỹ, Nhật, Hàn gần gũi hơn thông qua các hội nghị thượng đỉnh ba bên được tổ chức thường xuyên thì tình huống này có thể dẫn đến sự gần gũi gia tăng ở phía bên kia giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Gần đây, các phái đoàn cấp cao của Trung Quốc và Nga cũng đã có chuyến thăm Triều Tiên.
Trong khi đó, kế hoạch tổ chức thượng đỉnh thường xuyên giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cũng không nhận được chú ý. Cả ba nước đã cam kết sẽ tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hàng năm, nhưng cho tới nay họ mới có một sự kiện như vậy vào năm 2019 ở Thành Đô.
Ngoài lý do là đại dịch COVID-19, căng thẳng giữa Seoul và Tokyo về vấn đề lịch sử thì mối quan hệ đi xuống của Washington và Bắc Kinh cũng phần nào khiến sự kiện này khó có thể diễn ra như ý muốn ban đầu.
Phát biểu với các phóng viên nước ngoài tại Washington đầu tuần này, đặc phái viên Hàn Quốc tại Mỹ, Đại sứ Cho Hyun-dong, giải thích tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh ba bên sắp tới với Mỹ và Nhật Bản là "hội nghị đầu tiên được tổ chức độc lập mà không liên quan đến bất kỳ hội nghị thượng đỉnh đa phương nào khác". Ông cũng cho biết đây sẽ là "hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Trại David kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức."
"Một trong những yếu tố đằng sau hội nghị thượng đỉnh này là sự quyết tâm của chúng tôi nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản," ông nói thêm.