(Tổ Quốc) - Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Trại David, gần thủ đô Washington, Mỹ vào tháng 8 tới.
Một trong nhiều vấn đề được quan tâm tại sự kiện này là năng lực quân sự Triều Tiên. Theo Nikkei Asia, các quan chức cấp cao của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đối thoại hơn 50 lần vào năm ngoái về vấn đề này.
Các cuộc họp với tốc độ nhanh này đã tiếp tục trong năm nay và cấp cao nhất dự kiến là thượng đỉnh 3 bên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Trại David vào ngày 18 tháng 8 theo lời mời của ông Biden. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của ba nhà lãnh đạo không nằm trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế nào.
Gia tăng mạnh tiến trình đối thoại
Trong tuần này, các đại diện hàng đầu của ba nước về vấn đề Triều Tiên đã gặp nhau hôm thứ Năm tại tỉnh Nagano của Nhật Bản, sau khi Bình Nhưỡng bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 vào tuần trước. Ngay ngày thứ Tư (19/7), Triều Tiên cũng đã phóng đi hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và chúng rơi xuống vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS). Sau khi bay khoảng 550 km, hai tên lửa này rơi xuống biển.
Trước tình hình này, quan chức 3 bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại chung sâu sắc về năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như tần suất các vụ phóng ngày càng tăng. Họ cũng tái khẳng định sự nhất trí về vấn đề Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới.
Trong năm 2022, các nhà lãnh đạo và các quan chức ngoại giao và an ninh cấp cao của cả 3 nước đã tổ chức các cuộc đàm phán ba bên 33 lần, bao gồm cả trực tiếp, trực tuyến hoặc qua điện thoại, dựa trên số liệu thống kê từ các trang web chính phủ. Con số này tăng lên 52 sau khi tính cả hai hội nghị thượng đỉnh, chín cuộc họp cấp bộ trưởng và các cuộc đối thoại song phương của mỗi bên.
Theo Nikkei Asia, Đây là sự gia tăng đáng kể số lượng các cuộc họp và tiếp xúc so với các năm trước. Năm 2019, 3 bên chỉ có 3 cuộc họp cho đến năm 2021 là 12 cuộc họp. Đà gia tăng này tiếp tục diễn ra vào năm 2023, với cuộc họp gần đây nhất là cuộc họp lần thứ 18.
Nikkei Asia dẫn đánh giá của một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Biden thì Tổng thống Mỹ đã đặt niềm tin vào ông Kishida kể từ khi nhà lãnh đạo Nhật Bản thúc đẩy việc đại tu kế hoạch an ninh quốc gia vào cuối năm ngoái. Điều đó đã mở đường cho chuyến thăm của ông Kishida tới Mỹ vào tháng 1 năm nay, đúng như Tokyo mong đợi. Ông Biden cũng bày tỏ sự đánh giá cao khi trò chuyện cùng nhau vào tuần trước trong chuyến đi đến Lithuania.
Kỳ vọng của nhà lãnh đạo Mỹ đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng rất cao. Ông đã cố gắng làm tan băng quan hệ với Tokyo bằng một thông báo hồi tháng 3 về đề xuất giải quyết những vấn đề còn tranh cãi song phương về lịch sử Thế chiến 2. Vào tháng 4, ông Biden đã đón ông Yoon trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ của một tổng thống Hàn Quốc sau 12 năm.
Gửi đi thông điệp chung
Trong khi người Hàn Quốc vẫn đang hoài nghi về khả năng Mỹ sử dụng hạt nhân để bảo vệ họ, thì Washington đã thực hiện nhiều bước đi để củng cố liên minh này theo nhiều cách, chẳng hạn như chuyến thăm trong tuần này của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân Mỹ tới cảng ở Busan. Đây là một động thái thể hiện quan hệ gắn bó trước sức ép hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên.
Trong kịch bản xung đột nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đóng quân ở đó sẽ được hỗ trợ từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ đang trú đóng tại Nhật Bản.
Do đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới "nhằm thể hiện: sự đoàn kết giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc sẽ không bị thụt lùi".
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không có dấu hiệu ngừng phóng tên lửa. Nước này đã bắn 69 tên lửa vào năm 2022 – gần gấp ba lần so với con số cao nhất trước đó là 25 tên lửa vào năm 2019, theo ghi nhận của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Trước tình hình này, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có kế hoạch bắt đầu chia sẻ thông tin nhanh và sớm về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm nay, nhằm theo dõi và đánh chặn chúng chính xác hơn.
Đánh giá về tiến trình đối thoại trên, Nikkei Asia nhận định các cuộc đàm phán ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không ngăn chặn được Triều Tiên. Trong khi đó, hiệu quả từ các biện pháp khác cũng bị hạn chế. Những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục bị Nga và Trung Quốc phản đối.