(Tổ Quốc) - Sáng sớm ngày 19/7, Triều Tiên đã phóng đi 2 tên lửa. Động thái này diễn ra sau chuyến thăm của một tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới Hàn Quốc.
Hôm thứ Ba (ngày 18/7), một tàu ngầm tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Hải quân Mỹ đã cập cảng ở Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tàu ngầm USS Kentucky, lớp Ohio, đã cập cảng Busan. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc kể từ những năm 1980.
Loạt động thái tăng cường liên minh
Theo các thỏa thuận giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 nhằm đối phó với năng lực hạt nhân của Triều Tiên, chuyến thăm của các tàu ngầm hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo của Mỹ tới Hàn Quốc sẽ trở thành hoạt động định kỳ. Mỹ và Hàn Quốc cũng nhất trí thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân song phương và mở rộng các cuộc tập trận quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-Sup cho rằng chuyến thăm tàu ngầm lần này là minh chứng cho quyết tâm của Mỹ trong việc thực hiện cam kết "răn đe mở rộng". Mỹ đã đưa ra cam kết sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ các đồng minh, theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Ông Lee Jong-Sup cũng cho biết chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ "cho thấy năng lực và vị thế áp đảo của các đồng minh đối với Triều Tiên."
Vào cuối những năm 1970 trong Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo của Mỹ thường xuyên đến thăm Hàn Quốc, đôi khi hai hoặc ba lần mỗi tháng, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ. Đó là thời kỳ Mỹ có hàng trăm đầu đạn hạt nhân đặt ở Hàn Quốc. Nhưng vào năm 1991, Washington đã rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi Bán đảo Triều Tiên.
Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi kể từ đầu năm ngoái đến nay, Triều Tiên đã tiến hành khoảng 100 vụ thử tên lửa.
Cũng trong ngày thứ Ba, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc họp khai mạc Nhóm tham vấn hạt nhân tại Seoul để thảo luận về các phương thức tăng cường khả năng răn đe trước năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
"Bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh là không thể chấp nhận được", Mỹ và Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp.
Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một cảnh báo tương tự sau hội nghị thượng đỉnh của ông ở Washington với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào tháng Tư.
"Cả hai bên khẳng định rằng nhóm tham vấn hạt nhân sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc thảo luận và thúc đẩy các cách tiếp cận song phương, bao gồm việc đưa ra định hướng cho kế hoạch chiến lược và hạt nhân để ứng phó với hành động của Triều Tiên, tuyên bố cho biết.
Cơ quan tham vấn có nhiệm vụ chia sẻ thông tin về các kế hoạch vận hành vũ khí hạt nhân chiến lược cũng như các hoạt động chung. Mỹ sẽ duy trì quyền kiểm soát hoạt động đối với vũ khí hạt nhân của mình. Các quan chức Mỹ cũng cho biết việc thành lập nhóm này và các bước đi khác được công bố vào tháng 4 là nhằm giảm bớt những lo lắng của Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên trong khi cũng nhằm ngăn cản Seoul theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình.
Trước đó vào thứ Ba, ông Yoon đã phát biểu tại một cuộc họp Nội các rằng việc thành lập nhóm tư vấn "sẽ là điểm khởi đầu quan trọng để xây dựng vị thế răn đe (Hàn Quốc-Mỹ) mở rộng một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Và liên minh của họ cũng đang được "nâng cấp lên một mô hình mới và có nền tảng hạt nhân".
Cuộc họp do Điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell và Phó Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo đồng chủ trì.
Phản ứng gay gắt từ Triều Tiên
Triều Tiên trước đó đã lên án các thỏa thuận Mỹ - Hàn vào tháng 4, nói rằng chúng chứng tỏ sự thù địch của các đồng minh đối với Triều Tiên.
Sáng sớm thứ Tư (ngày 19/7) theo giờ địa phương, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và chúng đã rơi xuống vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS). JCS cho biết các tên lửa được phóng từ khu vực Sunan của Triều Tiên. Sau khi bay khoảng 550 km, hai tên lửa này rơi xuống biển.
JCS cho biết: "Thông số kỹ thuật chi tiết của những tên lửa này đang được các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ phân tích". Chính phủ Nhật Bản cũng ra tuyên bố về hai tên lửa này và nói rằng chúng rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cũng cho biết rằng việc triển khai một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ tới bán đảo này sẽ phá hỏng các kênh liên lạc vốn đã bị rạn nứt giữa hai bên và càng khiến Triều Tiên tìm cách tăng cường năng lực quân sự của mình.