• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh Hàn Quốc - quần đảo Thái Bình Dương ra tín hiệu chiến lược mới

Thế giới 31/05/2023 10:12

(Tổ Quốc) - Chuyên trang phân tích The Strategist của Viện chính sách chiến lược Australia đã đánh giá mục tiêu và ý nghĩa của thượng đỉnh Hàn Quốc-Quần đảo Thái Bình Dương đầu tiên.

Theo truyền thống, Hàn Quốc không đóng một vai trò quan trọng nào trong khu vực Quần đảo Thái Bình Dương. Vì vậy, thượng đỉnh Hàn Quốc-Quần đảo Thái Bình Dương đầu tiên được tổ chức tại Seoul từ thứ Hai (ngày 29/5) đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Mặc dù Hàn Quốc là đối tác đối thoại của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, nhưng họ chỉ chuyển 15,52 triệu USD trong số tiền 4,25 tỷ USD dành cho phát triển trong năm 2020. Số tiền của Hàn Quốc chỉ chiếm 0.36% tổng số tiền tất cả các nhà tài trợ đã chi cho khu vực này. Về thương mại, chỉ 0.3% hàng nhập khẩu của Hàn Quốc đến từ đây, chủ yếu từ quần đảo Marshall, New Caledonia, Papua New Guinea và Tonga.

Hòa cùng làn sóng tập trung vào khu vực quần đảo

Tuy nhiên, giống như đồng minh thân cận nhất là Mỹ và các đối tác của mình, bao gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, Hàn Quốc gần đây đã áp dụng chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", khuyến khích nước này tập trung nhiều hơn vào khu vực "Thái Bình Dương". Trong Chiến lược vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng, được công bố vào tháng 12/2022, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch "tăng cường sự can dự với các quốc đảo Thái Bình Dương mà chúng tôi đang cùng chia sẻ Thái Bình Dương". Sau đó, họ đã tham gia cùng Mỹ, Australia và các quốc gia khác trong sáng kiến Đối tác tại Thái Bình Dương Xanh nhằm điều phối tốt hơn sự hỗ trợ của đối tác cho khu vực này.

Thượng đỉnh Hàn Quốc - quần đảo Thái Bình Dương ra tín hiệu chiến lược mới - Ảnh 1.

Diễn đàn trong 2 ngày đã thu hút nhiều sự chú ý. Ảnh: The Strategist/ AFP.

Tuy Hàn Quốc là một đồng minh của Mỹ, nhưng nước này cũng áp dụng chính sách "ngoại giao linh hoạt" để cẩn trọng tránh dốc toàn lực vào các sáng kiến của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Ví dụ, chính quyền của cựu Tổng thống Moon Jae-in đã quyết định không tìm kiếm tư cách thành viên của Nhóm bộ tứ. Còn chính phủ của ông Yoon Suk-yeol hiện tại đã hạn chế tiếp cận với Nhóm bộ tứ trong các vấn đề an ninh phi truyền thống. Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng ưu tiên hiện tại của họ là quan hệ với Triều Tiên.

Đối với các nước quần đảo, Hàn Quốc cũng phải cân bằng lợi ích của các quốc gia này với lợi ích của những đối tác khác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Australia, đặc biệt là khí đốt và than đá. Và trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, Mạng lưới Hành động Khí hậu Thái Bình Dương đã đưa ra lời kêu gọi chính phủ Hàn Quốc ngừng hỗ trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch ở Australia.

Các quốc gia quần đảo hoan nghênh và cẩn trọng

Đối với khu vực quần đảo Thái Bình Dương, Hàn Quốc là một đối tác hấp dẫn. Seoul là một nước phát triển và nổi tiếng với lập trường ủng hộ hành động khí hậu toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Hàn Quốc đã đồng ý tăng gấp đôi hỗ trợ phát triển cho khu vực và phát triển hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như hàng hải, khí hậu, năng lượng, mạng và y tế.

Sự kết nối nhiều hơn với Hàn Quốc cũng mang lại cho các quốc đảo Thái Bình Dương một lựa chọn hợp tác khác khi môi trường chiến lược ngày càng phân cực. Trên thực tế, Hàn Quốc đã có kinh nghiệm phải điều phối quan hệ với các cường quốc nên họ có thể có những hiểu biết sâu sắc có giá trị để chia sẻ với các quốc đảo Thái Bình Dương - những quốc gia đã bày tỏ sự lo lắng về các tác động tiềm ẩn của sự cạnh tranh chiến lược đang diễn ra trong khu vực của họ.

Hội nghị thượng đỉnh tại Hàn Quốc lần này cũng tạo cơ hội cho các quốc đảo Thái Bình Dương tiếp tục xây dựng mối quan hệ của họ ở châu Á. Hiện tại, chỉ có Papua New Guinea là thành viên của APEC và là quan sát viên của ASEAN. Và sự kiện tại Seoul lần này có thể giúp mở đường cho sự kết nối trực tiếp hơn nữa giữa châu Á và quần đảo Thái Bình Dương.

Tiếp nối sự sôi nổi sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ – Quần đảo Thái Bình Dương và Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Diễn đàn Mỹ – Quần đảo Thái Bình Dương, hội nghị thượng đỉnh tại Hàn Quốc cũng cho thấy hiệu quả của chính sách ngoại giao tập thể của các quốc đảo Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới sự thúc đẩy của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo Diễn đàn này đã chính thức đề cập đến sáng kiến Thái Bình Dương Xanh trong thông cáo năm 2017 của họ để thể hiện 'cam kết chính sách đối ngoại dài hạn là nhằm hành động như một "Lục địa Xanh" và tạo điều kiện thuận lợi cho "một chính sách ngoại giao Thái Bình Dương chủ động". Và họ đã thành công trong việc khuyến khích các quốc gia đối tác cam kết hỗ trợ cho chiến lược năm 2050 của Diễn đàn đối với việc phát triển Thái Bình Dương Xanh.

Hiện tại, mối quan tâm của Hàn Quốc đối với khu vực các đảo ở Thái Bình Dương đã được các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương hoan nghênh. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng sẽ nhận thấy rằng, giống như những thế lực tương đối mới khác trong khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ, chính sách ngoại giao đối với các đảo ở Thái Bình Dương của họ sẽ phải duy trì một trạng thái cân bằng tương đối khó khăn. Và các quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng sẽ cẩn trọng theo dõi tình hình này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ