• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mục tiêu thực sự của “lò lửa” Triều Tiên: Mỹ hay Trung?

Thế giới 05/09/2017 18:54

(Tổ Quốc) - Không phải Washington, chính Bắc Kinh mới đang là bên lo ngại nhất trước những diễn biến hạt nhân mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.  

Năm 2017 chứng kiến CHDCND Triều Tiên tăng tốc hết sức trong chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Hãng tin Sputnik dẫn lời một số chuyên gia nhận định, mặc dù luôn chĩa mũi dùi về phía Mỹ, các cuộc phóng tên lửa và thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên lại thực sự có ảnh hưởng sâu sắc đến Trung Quốc.    

Thời điểm không đơn giản chỉ là trùng hợp

Bất chấp những cáo buộc và trừng phạt của cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng dường như vẫn không có dấu hiệu chậm lại trong cuộc chạy đua hạt nhân của mình. Ngày 5/8, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đã nhất trí thông qua các lệnh trừng phạt mới chống lại Triều Tiên. Đây được coi là một giọt nước tràn ly, đẩy Triều Tiên ngày càng xa khỏi Trung Quốc, bất chấp nước này vẫn đang dựa rất nhiều vào mối quan hệ thương mại với nước láng giềng lớn, để chi trả cho chương trình hạt nhân của mình.

Chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn hôm Chủ nhật (3/9), những rung chấn lên tới 6,3 độ rich-te đã được ghi nhận tại phía đông bắc Trung Quốc. Chiều cùng ngày, Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử một bom nhiệt hạch (bom H) - được thiết kế cho loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới – đã diễn ra “hoàn hảo”. Trước đó, vào ngày 14/5, Triều Tiên cũng đã thử thành công một trong những mẫu tên lửa hiện đại nhất của mình, Hwasong-12 – vào đúng ngày 29 quốc gia đang có mặt tại Bắc Kinh trong khuôn khổ Hội nghị “Một vành đai, một con đường”, một sáng kiến do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

“Thời điểm vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên không phải là tình cờ. Rõ ràng, Bình Nhưỡng chọn tiến hành các vụ thử khi Trung Quốc đang làm chủ nhà của các sự kiện quan trọng. Đây là điều mà chính quyền Trung Quốc phải xem xét cẩn thận,” ông Zhang Liangui, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương, nơi chuyên đào tạo các cán bộ cấp cao Trung Quốc cho biết.

Theo ông Zhang, so sánh với Mỹ hoặc Nga, Trung Quốc là quốc gia sẽ “mất” nhiều nhất nếu Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân.

“Tất cả các khu vực chủ chốt của Nga đều ở tại châu Âu, trong khi các khu vực chủ yếu của Trung Quốc lại ngay cạnh bán đảo Triều Tiên. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, ảnh hưởng tới Trung Quốc là vô cùng lớn. Trung Quốc cần phải nhìn nhận vai trò của vấn đề này trong an ninh quốc gia một cách nghiêm túc. Một số người nghĩ Trung Quốc đang ủng hộ Mỹ trong quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đây là một điều sai lầm bởi vì nước Mỹ ở rất xa so với Triều Tiên. Trung Quốc là quốc gia phải đối mặt với nhiều thiệt hại nhất nếu quá trình phi hạt nhân Triều Tiên bị thất bại,” ông Zhang nói.

Bình Nhưỡng sẵn sàng chứng minh khả năng của mình

Các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc đánh giá, mức phá hủy của quả bom Triều Tiên thử nghiệm hôm 3/9 mạnh gấp nhiều lần quả bom Mỹ thả xuống Nagasaki trong Thế chiến thứ 2.

“Mặc dù có nhiều báo cáo khác nhau dựa trên những rung chấn của vụ nổ, có thể ước tính sức mạnh của quả bom vào khoảng 100 kiloton, lớn hơn nhiều so với mức 20 kiloton của quả bom rơi xuống Nagasaki,” Zhao Tong, một học giả đến từ chương trình Chính sách hạt nhân Carnegie tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa về chính sách toàn cầu tại Bắc Kinh, nói với Sputnik.

Ông Zhao cũng dự đoán, Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thử một quả tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân, nhằm chứng minh hơn nữa khả năng hạt nhân của mình.

“Trong quá khứ, nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo có đầu hạt nhân. Tuy nhiên, đây không phải là điều bắt buộc phải làm. Không phải tất cả các quốc gia hạt nhân đều có những thử nghiệm như thế này. Có một xu thế là, nếu cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng nghi ngờ về công nghệ hạt nhân của Triều Tiên, nước này sẽ lại càng sẵn sàng chứng minh khả năng của mình. Đây chính là nguy cơ mà chúng tôi phải đối mặt,” chuyên gia người Trung Quốc chỉ ra.

Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình

Phi hạt nhân hóa hay giữ nguyên chế độ

Theo ông, Bắc Kinh cần phải quyết định xem điều gì quan trọng hơn cho họ: phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay là sự ổn định cho chế độ lãnh đạo đương thời của Bình Nhưỡng: “Chúng ta phải làm rõ ưu tiên của mình là gì. Chúng ta ưu tiên việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, hay nhìn nhận việc giữ cho chế độ hiện tại của Bình Nhưỡng không thay đổi, là mục tiêu hàng đầu? Nếu không trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ không có được giải pháp hiệu quả. Chính quyền hiện tại của Triều Tiên đã lặp đi lặp lại rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Không may mắn là, nhiều nước trên thế giới vẫn chưa nắm bắt được thông điệp này.”

“Một số quốc gia hạt nhân mới có thể nổi lên, và thế giới sẽ sớm phải đối mặt với thảm kịch. Triều Tiên không thể tập trung vào phát triển kinh tế sau khi sở hữu được khả năng hạt nhân. Diễn biến tại Đông Á sẽ trở nên không dự đoán được,” ông Zhang nhận xét.  

Tránh chiến tranh bằng mọi giá

Hồi tháng Sáu, Trung Quốc đã đề xuất giải pháp “đóng băng kép” cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ dừng các hoạt động hạt nhân trong khi Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Nga, tuy nhiên lại bị Mỹ từ chối. Trong khi đó, Triều Tiên chưa đưa ra trả lời chính thức.

Chuyên gia hạt nhân Zhao Tong cho rằng, để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc có thể sẽ phải chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

“Một cường quốc hạt nhân Triều Tiên trong thực tế là mối đe dọa an ninh cho Trung Quốc. Nhưng mối đe dọa này không nghiêm trọng bằng một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên với nguy cơ leo thang thành một chiến tranh hạt nhân. Nếu chiến tranh xảy ra, Trung Quốc sẽ không thể không tham gia bởi vì lợi ích chiến lược của mình. Kết quả là, Trung Quốc phải tránh kịch bản tồi tệ nhất, và chấp nhận một tình huống bớt tệ hơn [một Triều Tiên sở hữu hạt nhân,” ông Zhao nói.

Trong khi đó, theo ông, nhiều quan chức và học giả Trung Quốc tiếp tục có sự nghi ngờ sâu sắc và thái độ thù địch trước Mỹ: “Đối với họ, so sánh với Triều Tiên, Mỹ tiếp tục là kẻ thù chiến lược lớn nhất. Họ cũng coi Triều Tiên là một con bài mặc cả chống lại Mỹ.”

Với cách suy nghĩ trên, lãnh đạo Trung Quốc hiện nay sẽ ủng hộ hướng đi không làm ảnh hưởng đến chế độ hiện tại của Triều Tiên, ngay cả khi nước này trở thành một cường quốc hạt nhân.

(Theo Sputnik)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ