• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mục tiêu thực sự của quân đội Pháp tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Thế giới 22/06/2022 16:28

(Tổ Quốc) - Pháp có công dân và các lợi ích rộng lớn hơn đang bị đe dọa trong khu vực này. Tuy nhiên, nhưng sự hiện diện quân sự của nước này tại đây hiện lạc hậu và không đáng kể.

Trong bối cảnh bất ổn hiện nay ở biên giới phía đông của châu Âu và liên quan đến cuộc bầu cử gần đây ở Pháp, câu hỏi về năng lực quốc phòng của Pháp ngày càng được quan tâm sau nhiều thập kỷ cắt giảm ngân sách và không đầu tư. Cuộc xung đột hiện tại ở cửa ngõ châu Âu là lời cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách của Pháp trong việc đánh giá lại nhu cầu của đất nước dựa trên tham vọng chiến lược và năng lực hiện tại.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trường hợp điển hình cần sự quan tâm của nước này. Như lời Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Pháp Sebastien Lecornu tại Đối thoại Shangri-La năm 2022 ở Singapore: "Trong khi một số bên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ che mắt chúng tôi và khiến Pháp quay lưng với các cam kết tại khu vực này, thì thực tế không đúng như vậy". Tuy nhiên, mặc dù Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn nằm trong chiến lược của Pháp, nhưng rõ ràng là các lực lượng vũ trang Pháp, và đặc biệt là Hải quân Pháp, không có đủ nguồn lực để đáp ứng những tham vọng này.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Lợi ích chiến lược của Pháp

Thực tế, Pháp vốn là một cường quốc thường trú ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với 1,65 triệu công dân Pháp sinh sống trên các vùng lãnh thổ của Pháp ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và vùng đặc quyền kinh tế rộng 9 triệu km2, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ là một khu vực có lợi ích chiến lược mà còn là một nơi có hiện diện chủ quyền của Pháp. Hơn nữa, những vùng lãnh thổ này phải đối mặt với một số thách thức: biến đổi khí hậu và sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt (bão, nước biển dâng, v.v.), đánh bắt cá bất hợp pháp, buôn bán ma túy và di cư bất hợp pháp, cùng những thách thức khác.

Để đối phó với những thách thức này, 7.000 quân nhân, cùng với 20 tàu và 40 máy bay của Pháp đang thường trực đóng tại khu vực và được bố trí xung quanh năm trung tâm chỉ huy. Nhiệm vụ của họ gồm: bảo vệ chủ quyền của Pháp, can thiệp để bảo vệ người dân trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và khẳng định sự hiện diện của Pháp trong khu vực, đặc biệt là duy trì khả năng hoạt động tự chủ của Pháp trong các cộng đồng toàn cầu và đảm bảo quyền tiếp cận tự do của nước này với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự cạnh tranh ngày càng cao giữa Trung Quốc và Mỹ đang làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này và phần nào thúc đẩy sự gia tăng vũ khí giữa các nước lớn khu vực.

Mục tiêu thực sự của quân đội Pháp tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Pháp có nhiều lợi ích trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: ipdefenseforum.

Trong bối cảnh này, vào năm 2018, Pháp đã thông qua "Chiến lược cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Văn bản này được Bộ Các lực lượng Vũ trang tiếp tục hoàn thiện vào năm 2019 trong "Chiến lược Quốc phòng của Pháp đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Các mục tiêu cơ bản có thể được tóm tắt trong ba vấn đề: bảo vệ các lợi ích cơ bản của Pháp (đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, thực thi chủ quyền và bảo vệ người dân của nước này); bảo vệ các lợi ích chiến lược của Pháp (đảm bảo quyền tự do hàng hải và tiếp cận cộng đồng toàn cầu và hỗ trợ sự ổn định và phát triển của các khu vực lân cận) và bảo vệ lợi ích của nước này với vị thế là một cường quốc toàn cầu, xuất phát từ trách nhiệm của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (đấu tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân, đảm bảo tôn trọng các điều ước quốc tế và duy trì sự ổn định chiến lược).

Lực lượng Pháp còn mỏng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tuy nhiên, trở ngại chính đối với việc hoàn thành tham vọng của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là các lực lượng của Pháp. Kể từ những năm 1990, quy mô lực lượng của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương liên tục bị thu hẹp. Trên thực tế, vào tháng 7 năm 2021, không có tàu nào trong số 4 tàu của Hải quân Pháp đóng tại New Caledonia đi vào hoạt động.

Một báo cáo của Ủy ban Nghị viện Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Quốc gia Pháp được công bố vào tháng 2 năm 2022 đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm. Trong khi Pháp đã phân bổ các phương tiện quân sự tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào đầu những năm 2000, chúng giờ đây dường như đang yếu thế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Quy mô lực lượng được triển khai đã giảm (ví dụ, lực lượng Không quân giảm khoảng 30% trong vài năm qua), và cơ sở vật chất sẵn có đã già cỗi và không phù hợp để đối phó với các mối đe dọa có thể xảy ra.

Pháp đang nỗ lực hiện đại hóa các phương tiện quân sự được triển khai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm việc thay thế hạm đội Falcon 200, chuyển giao sáu "tàu tuần tra trên biển" (POM) mới từ năm 2022 trở đi và đổi mới các khinh hạm giám sát của lực lượng hải quân từ sau năm 2030. Tuy nhiên, những thay thế này là không đủ so với các nước khác, đặc biệt là năng lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Tribune vào tháng 7 năm 2021, Đô đốc Pierre Vandier, tham mưu trưởng Hải quân Pháp, cũng đưa ra kết luận tương tự. Theo Vandier, Hải quân Pháp đang quá mỏng để có thể hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ mới của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đối với ông, Hải quân Pháp không chỉ phải tăng cường cơ sở vật chất trong khu vực mà quan trọng hơn là phải tăng cường năng lực của mình. Ví dụ, các tàu khu trục nhỏ giám sát có hệ thống vũ khí lỗi thời phải được thay thế bằng các tàu tối tân hơn.

Khoảng cách về năng lực, chính sách của Pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Khi căng thẳng và nguy cơ xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được dự báo sẽ gia tăng, thì nhu cầu gia tăng cả về quy mô và năng lực của Lực lượng vũ trang Pháp trong khu vực này là rõ ràng. Một số đề xuất được đưa ra trong báo cáo quốc hội tháng 2 năm 2022 nên được xem xét để điều chỉnh chiến lược quân sự dưới thời chính quyền mới của Pháp.

Đầu tiên và quan trọng nhất, các hệ thống khí tài sẵn có tại khu vực này cần được tăng cường và cải thiện. Báo cáo quốc hội năm 2022 khuyến nghị tăng gấp đôi số lượng tàu tuần tra ở New Caledonia và Polynesia và dự kiến sẽ thay thế các tàu khu trục giám sát bằng các tàu hộ tống cung cấp sự hiện diện quân sự có năng lực hơn.

Thứ hai, cần tăng cường khả năng sẵn sàng hoạt động của các hạm đội đã được triển khai bằng cách cải thiện năng lực bảo trì, sửa chữa và điều phối hoạt động. Thứ ba, để đánh giá đúng tình hình đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của mình, Pháp cần tăng cường nhận thức về tình huống của mình trong khu vực thông qua chương trình giám sát không gian và tăng cường đội máy bay giám sát hàng hải.

Và cuối cùng, các lực lượng của Pháp nên khẳng định sự hiện diện trong khu vực thông qua các hoạt động thể hiện rõ bản thân. Mối quan hệ Australia -Pháp ấm lên sau cuộc bầu cử của Thủ tướng Anthony Albanese vào tháng trước có thể củng cố thêm sự hợp tác quân sự Pháp-Australia và cũng là dịp để hồi sinh tham vọng về một liên minh Australia-Ấn-Pháp.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ