(Tổ Quốc) - Các đồng minh NATO đang lo lắng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ từ bỏ Hiệp ước Bầu trời mở.
Trước đó, họ đã được thông báo rằng chính quyền Mỹ coi thỏa thuận kiểm soát vũ khí này là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ, và trừ khi các đồng minh có thể xoa dịu những lo ngại như vậy, thì Mỹ có thể sẽ rút lui.
Trong một cuộc họp tại Brussels tuần trước, lần đầu tiên các quan chức của chính quyền Trump đã đưa ra đầy đủ các mối quan ngại với hiệp ước và nói rõ rằng họ đang nghiêm túc xem xét việc rời đi. Thỏa thuận này, được phê chuẩn vào năm 2002, cho phép tiến hành các chuyến bay do thám lẫn nhau đối với 34 nước, bao gồm Hoa Kỳ và Nga.
Theo một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ, phái đoàn nước này đã đưa ra các thông tin tình báo để giải thích mối quan ngại của họ, chủ yếu là các lực lượng Nga đang lạm dụng hiệp ước để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, và yêu cầu trợ giúp từ các đồng minh để giải quyết những lo ngại đó.
Thời điểm chót còn ở lại hiệp ước?
Đây là lập trường của Hoa Kỳ - rằng chúng tôi nghĩ rằng hiệp ước này là một mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi không nhận được gì từ nó. Các đồng minh của chúng tôi không nhận được gì từ nó, và chúng tôi có ý định rút lui, tương tự như với [Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung]. Từ quan điểm của chúng tôi, phân tích này đã hoàn tất", một quan chức chính quyền cấp cao của Trump nói.
Các đồng minh NATO đã không đạt được thỏa thuận tại cuộc họp đó, quan chức này lưu ý.
Các nguồn tin thân cận với một số quốc gia đồng minh này nói với Defense News rằng chính quyền Trump tháng trước chỉ ra rằng họ sẽ chưa đưa ra quyết định trước cuối tháng 1. Trước mắt, Hoa Kỳ đã gửi thông điệp qua kênh ngoại giao tới một số quốc gia NATO vào đầu tháng này, về cơ bản yêu cầu các thành viên hiệp ước thể hiện hành động để cứu lấy hiệp ước.
Động thái của Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh họ chịu nhiều sức ép và có sự bắt tay bất thường từ nhiều thành viên Quốc hội và chính quyền, nơi ủng hộ ở lại Hiệp ước và ngay trước thềm thượng đỉnh NATO tháng tới tại London.
Các đồng minh cho rằng hiệp ước này là một kênh có giá trị cho sự minh bạch và đối thoại giữa Nga và Hoa Kỳ, hai siêu cường hạt nhân hàng đầu thế giới.
Cuộc họp sắp tới sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ về lập trường của Nhà Trắng, vì phái đoàn Hoa Kỳ bao gồm đại diện cấp trung của Bộ Quốc phòng, Tham mưu trưởng Liên quân, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia. Nói rộng ra, phái đoàn Mỹ cho rằng hành động của Nga từ năm 2014 và sự phổ biến của hình ảnh vệ tinh thương mại chất lượng cao kể từ năm 2002 đã khiến hiệp ước trở nên lỗi thời.
Việc ông Trump thường bỏ qua phản hồi từ các đồng minh dường như cũng khiến ông là mục tiêu chỉ trích từ Quốc hội và các đồng minh rằng Tổng thống có xu hướng hành động đơn phương khi hủy bỏ các hiệp định đa phương. Các nhà lập pháp và đồng minh đã mất cảnh giác, ví dụ, khi tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 10 rằng Trump đã ký một tài liệu báo hiệu ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Vài tuần sau, chính quyền vẫn chưa công khai ý định của mình.
Việc Mỹ rút hiệp ước sẽ làm xói mòn thêm kiến trúc kiểm soát vũ khí sau Chiến tranh Lạnh, sau khi Hoa Kỳ và Nga rời khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung 1987 vào tháng 8. Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng còn lại giữa Hoa Kỳ và Nga, New START, hết hạn vào năm 2021.
Cho đến nay, sự ủng hộ của châu Âu dành cho Hiệp ước Bầu trời mở được thể hiện ở hành động ngoại giao chung của 1 số quốc gia Bắc Âu tới Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ và một hành động chung khác từ Đức, Anh và Pháp. Đại sứ Đức tại Mỹ được cho là cũng đã đến thăm Nhà Trắng để đề cập đến hiệp ước này.
Thụy Điển, một thành viên tích cực trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này đã một lá thư của Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist tới người đồng cấp Mỹ Mark Esper bày tỏ mối quan ngại sâu sắc.
Than phiền từ Mỹ và châu Âu
Đã có nhiều tiếng nói quan ngại về việc Nga hạn chế các chuyến bay gần khu vực Kaliningrad của Nga và các khu vực xung đột biên giới Gruzia ở Nam Ossetia và Abkhazia. Hoa Kỳ đã đáp trả bằng việc hạn chế các chuyến bay tới một số phần ở Hawaii và Alaska.
Tại Brussels, các quan chức chính quyền Trump cũng đã bày tỏ sự không hài lòng với kế hoạch của Đức về thử nghiệm một cảm biến hồng ngoại mới trong chuyến bay qua Hoa Kỳ vào năm 2020, cho rằng điều đó sẽ mở ra cơ hội cho Nga làm điều tương tự. Máy bay Tupolev Tu-154 của Nga đã phát triển công nghệ cảm biến quang điện kỹ thuật số vào năm 2017, điều đã gây lo ngại cho Lầu năm góc và cộng đồng tình báo Hoa Kỳ.
Một mối quan ngại khác của Mỹ là không có cách nào để các bên tham gia kí kết biết liệu Nga có lén lút thu thập thông tin tình báo về lực lượng Mỹ trong các chuyến bay do thám theo lịch trình hay không. Ví dụ, Hoa Kỳ lo ngại máy bay Nga có thể tập trung cảm biến vào lực lượng Mỹ ở Ba Lan khi bay tới Đức.
Sau cuộc họp này tại Brussels, không rõ các đồng minh NATO làm cách nào để giải quyết các mối quan ngại của chính quyền Mỹ. Trong khi một số nguồn tin cho rằng việc Mỹ chờ sự phản hồi từ châu Âu là sự thiện chí thể hiện họ muốn cứu vãn hiệp ước thì những người khác hoài nghi rằng động thái này là cái cớ đổ lỗi cho các đồng minh khi không đáp ứng được yêu cầu của họ.
Một trong những lập luận chính ủng hộ hiệp ước Bầu trời mở là nó giúp duy trì an ninh trên toàn châu Âu và đóng vai trò là kênh liên lạc hiếm hoi giữa Nga và các bên ký kết khác. Nhưng bởi vì các lập luận dựa trên việc duy trì các chuẩn mực toàn cầu và tôn trọng các hiệp ước kiểm soát vũ khí được coi là không hiệu quả với chính quyền Trump, nên người châu Âu có thể sẽ thúc đẩy một đòn bẩy khác.
Trong khi đó, lợi ích về tình báo cũng đang được đưa ra tranh luận. Những người phản đối nói rằng các hình ảnh vệ tinh thương mại là một sự thay thế vượt trội so với việc thực hiện các chuyến bay do thám và các quân đội đồng minh luôn có thể chia sẻ thông tin tình báo với nhau.
Còn những người ủng hộ nói rằng các chuyến bay có thể di chuyển nhanh và cơ động và họ cũng đặt câu hỏi về việc Mỹ hay Anh có thể chia sẻ thông tin tình báo với tất cả các bên ký kết hiệp ước hay không, bao gồm một số quốc gia không thuộc NATO.