• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ báo động siêu tên lửa Nga đổ bộ Kaliningrad

Thế giới 03/01/2019 14:51

(Tổ Quốc) - Theo trang National Interest (NI), việc triển khai tên lửa Iskander-M leo thang một cuộc chạy đua tên lửa kéo dài nhiều năm khiến người Nga đối phó lại người Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Vào năm 2019, lực lượng đồn trú của Nga tại khu vực Kaliningrad sẽ có được một tên lửa mới mạnh mẽ, NI dẫn lời Điện Kremlin tuyên bố.

Sức mạnh Iskander-M

Lực lượng mặt đất Nga ở Quân khu phía Tây sẽ nhận được tên lửa đạn đạo Iskander-M vào năm 2019, "hoàn thành" việc "tái cấu trúc tên lửa của lực lượng mặt đất", Điện Kremlin tuyên bố vào ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Việc triển khai tên lửa Iskander-M có thể leo thang một cuộc chạy đua tên lửa kéo dài nhiều năm, theo đó, người Nga sẽ đối phó lại người Mỹ và các đồng minh châu Âu. Tên lửa mới này có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, trang NI cho hay.

Mỹ báo động siêu tên lửa Nga đổ bộ Kaliningrad - Ảnh 1.

Tên lửa Iskander-M của Nga tại Kaliningrad có thể tạo ra một sức ép đáng kể với Mỹ và NATO. (Nguồn: NI)

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga dường như đề cập đến Lữ đoàn tên lửa 152 của Quân khu phía Tây, có căn cứ tại Chernyakhovsk ở Kaliningrad, một phần lãnh thổ Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Vùng lãnh thổ này tách biệt về mặt địa lý với phần còn lại của Nga.

Lữ đoàn tên lửa 152 của Quân khu phía Tây sở hữu hơn 50 thiết bị, bao gồm các bệ phóng, thiết bị chỉ huy và bảo trì cùng nhiều phương tiện hỗ trợ khác, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Tên lửa Iskander-M, trong đó, phiên bản phóng từ mặt đất của nó có thể bắn trúng mục tiêu với đầu đạn nặng khoảng gần 400kg và đi xa tới 300 dặm, là loại vũ khí phổ biến trong việc triển khai đối với Điện Kremlin. Iskander-M và các vũ khí mới khác đã "khẳng định hiệu quả của chúng" trong tác chiến ở Syria, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết vào tháng 9 năm 2018.

Có lẽ đáng ngạc nhiên nhất, Điện Kremlin đã điều chỉnh Iskanders để sử dụng được trên không. Là một phần của kết quả này, tên lửa không đối đất Kinzhal là một loại vũ khí siêu thanh "tức thời" mà các quan chức Nga tuyên bố có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ.

Bất kỳ loại đạn nào đi nhanh hơn năm lần tốc độ âm thanh đều được coi là "siêu thanh". Tên lửa Iskander trong giai đoạn cuối của chuyến bay có thể vượt quá sáu lần tốc độ âm thanh.

Điện Kremlin thường tuyên bố vũ khí mới của mình là vô song và bất khả chiến bại. "Iskander-M là hệ thống tên lửa tốt nhất trong cùng hạng, nó có thể áp đảo bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào", hãng thông tấn Nga TASS tuyên bố. "Còn Kinzhal không có sự tương tự trên thế giới, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Trong thực tế, nhiều tên lửa đạn đạo, thậm chí các loại tầm ngắn hơn, đều là siêu thanh. Điều đó làm cho chúng khó khăn, nhưng không phải là không thể, để đánh chặn. Về mặt lý thuyết, các tên lửa đánh chặn do Mỹ chế tạo như SM-3, Patriot và hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), về mặt lý thuyết, đều có thể nhắm trúng Iskander.

Vào tháng 7 năm 2017, một hệ thống đánh chặn THAAD đã phá hủy một mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung trong cuộc thử nghiệm ở Alaska. SM-3 cũng đã thành công trong nhiều thử nghiệm gần đây.

Nguy cơ chạy đua tên lửa Nga – Mỹ

Theo NI, Điện Kremlin trước đây đã triển khai Iskander-Ms đến Kaliningrad theo chương trình tạm thời. Một động thái triển khai vĩnh viễn có thể coi là một sự khiêu khích. Moscow thông báo có kế hoạch phóng phủ đầu Iskanders vào những giây phút đầu của một cuộc chiến lớn với hy vọng phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân của Mỹ và NATO, trang NI cũng cho hay.

Iskander-M khi được triển khai tại Kaliningrad có thể tấn công các mục tiêu ở Ba Lan, các nước vùng Baltic và miền nam Thụy Điển. Viện dẫn việc Nga triển khai tên lửa vi phạm thỏa thuận, trong tháng 10 năm 2018, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước lực lượng các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF), theo đó, cấm các tên lửa có tầm bắn từ 310 - 620 dặm. Hiệp ước này không áp dụng cho Iskander-M.

Sự xuất hiện trước đó của Iskander-M tại Kaliningrad được cho là đã thúc đẩy chính phủ Ba Lan đặt hàng từ Hoa Kỳ tám khẩu đội tên lửa Patriot trị giá khoảng 6 tỷ USD.

Nhưng Moscow đã tuyên bố rằng chính Hoa Kỳ và NATO là bên khởi xướng quá trình triển khai tên lửa qua lại khi họ bắt đầu lắp đặt tên lửa SM-3 ở Romania và Ba Lan với mục tiêu được tuyên bố là để phòng thủ chống lại một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran.

Điện Kremlin đã bác bỏ việc đưa Iran ra làm lí do cho việc phương Tây tập trung lực lượng tên lửa và dường như Moscow cho rằng, lá chắn tên lửa của phương Tây là vỏ bọc cho một lực lượng có kế hoạch tấn công phủ đầu Nga.

Người Nga tin rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân và được sử dụng như một lực lượng INF bí mật để hạ bệ lãnh đạo Nga, Jeffrey Lewis, chuyên gia hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey giải thích.

Cách nhìn trên đã có tác động đến chính sách quân sự của Nga.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng, theo ý kiến của các chuyên gia, việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa gây ra mối đe dọa cho Nga", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Câu hỏi không phải là liệu các biện pháp đối phó có được thực hiện hay không vì các biện pháp đã đang được thực hiện để duy trì an ninh Nga Nga ở mức cần thiết."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ