• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ bỏ ngỏ sức mạnh Trung Đông: Cơ hội nào cho Nga, Thổ, Iran?

Thế giới 26/12/2018 11:09

(Tổ Quốc) - Nổi lên liên minh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran tại Syria.

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi miền đông Syria đã gây sốc cho Trung Đông, đặc biệt là Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều đóng vai trò chính ở Syria và những người thường xuyên gặp gỡ về việc giải quyết cuộc xung đột ở đó. Trong hai tuần qua, khi ông Trump đang rầm rộ tuyên bố sẽ rút quân, các bộ trưởng ngoại giao của ba nước đã gặp nhau tại Geneva và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân bài chốt của Thổ tại Syria

Iran và Nga là những người ủng hộ chính của chế độ Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ phe đối lập. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ba quốc gia này đã ngày càng gần gũi hơn. Ban đầu điều này là do tất cả họ đều phản đối vai trò của Hoa Kỳ ở miền đông Syria. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Hoa Kỳ hỗ trợ cho các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Iran phản đối vai trò của Mỹ ở miền đông Syria vì Iran không chỉ phản đối Mỹ can thiệp vào Syria nói chung mà còn vì căng thẳng với chính quyền Trump. Các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ, bao gồm ông John Bolton và nhà ngoại giao chính của Mỹ về Syria James Jeffrey, chỉ ra rằng, Hoa Kỳ sẽ ở lại Syria lâu dài và sẽ tìm cách để Iran rời khỏi đất nước này. Nhưng bất ngờ ông Trump quyết định rời đi và Iran đang nhìn thấy một chiến thắng lớn. Còn Nga lâu nay cũng không đồng tình với vai trò của Mỹ ở Syria.

Mỹ bỏ ngỏ sức mạnh Trung Đông: Cơ hội nào cho Nga, Thổ, Iran? - Ảnh 1.

Ba nhà lãnh đạo Nga - Thổ - Iran thường xuyên có các cuộc gặp về Syria. (Nguồn: Reuters)

Mối quan tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria là YPG. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để Syria rơi vào tay của PKK, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong tuần này. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung quân đội ở khu vực biên giới giáp với miền đông Syria khi Mỹ cho biết họ sẽ phối hợp rút quân với Ankara. Vào ngày 12/12, Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố không có mối đe dọa ISIS nào ở Syria, nhưng giờ đây, họ lại tập trung vào câu chuyện rằng sự liên quan của họ ở Syria là để chống lại ISIS và YPG. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng YPG không được hưởng lợi từ việc Mỹ rút đi. Ông cũng chỉ ra rằng các cuộc tuần tra chung hiện tại với Hoa Kỳ gần Manbij sẽ dẫn đến việc lập ra một dạng bản đồ đường bộ - điều có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những phe phái mà họ hỗ trợ có thể sớm có vai trò ở Manbij. Khoảng 15.000 lực lượng nổi dậy Syria có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực có đông người Kurd ở miền bắc và miền đông Syria.

Nga, Iran hướng đến mục tiêu chung

Các phương tiện truyền thông và chính trị gia Iran đang có một cái nhìn khác về miền đông Syria, cũng như đồng minh Syria. Một nhà ngoại giao Syria nói rằng Mỹ đã thất bại ở Syria và đang rời đi. Ông tuyên bố Syria đã đánh bại ISIS chứ không phải Mỹ. Ông nhấn mạnh vai trò của liên minh Syria-Iran-Nga, và lưu ý rằng quân đội Nga đang ở Syria một cách hợp pháp, không giống như Hoa Kỳ là bất hợp pháp.

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều chỉ trích Israel trong tuần này, và ở cả hai quốc gia, Israel được coi là một bên ủng hộ khát vọng của người Kurd ở Syria, điều mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều phản đối. Tổng thống Iran Rouhani nói rằng Hoa Kỳ đã bị cô lập hơn bao giờ hết khi họ rút quân, nhưng cảnh báo rằng, người Do Thái sẽ tiếp tục các âm mưu của Hoa Kỳ chống lại Iran. Còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phản ứng gay gắt với Israel. Hôm thứ ba, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Israel vô căn cứ khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát người Kurd.

Lúc này, truyền thông Iran, có thể được hiểu là lập trường chính thức của Tehran, đang nhấn mạnh về một số mục tiêu ở Syria, trong đó có vấn đề người Kurd. Các nhà ngoại giao Iran nói rằng họ hiểu mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ về YPG, nhưng bất kỳ hoạt động nào của Thổ Nhĩ Kỳ phải được thực hiện với sự đồng ý của Damascus. Đồng thời, Press TV Iran nhấn mạnh rằng YPG cởi mở với việc để chính phủ Hồi giáo Syria bảo vệ biên giới có chủ quyền của Syria- điều có nghĩa là sẽ có một thỏa thuận giữa YPG và Damascus.

Còn Ankara cho biết hoạt động của họ nhằm tiến sâu vào phía đông Syria và xóa sổ YPG khỏi khu vực biên giới đã sẵn sàng. Trong khi đó, Nga đang bán S-400 cho Ankara. Trong tam giác quan hệ này, mỗi người chơi đều có đòn bẩy lợi thế.

Lúc này, mục tiêu của Nga sẽ là môi giới một thỏa thuận như đã làm ở Idlib. Mục tiêu của chế độ Syria sẽ là lấy lại càng nhiều đất càng tốt, dễ dàng và nhanh chóng. Mục tiêu của Iran là để duy trì ảnh hưởng. Còn mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ là chiếm lấy khu vực biên giới mà không đụng độ với chế độ Syria. Để điều đó xảy ra, Nga và chính quyền Syria phải cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng không phận Syria, như trước đây họ từng làm khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch chống lại YPG ở Afrin.

Tất cả các bằng chứng cho thấy, cho đến nay các nước này đều đang bắt tay hợp tác ở miền đông Syria. Đây là một sự hợp tác phức tạp, nhưng sự phản đối chung của họ đối với Mỹ và các lợi ích kinh tế chung khác, cũng như những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đối với Israel, và lo ngại về quyền tự trị của người Kurd, đang đẩy họ đến việc thảo luận một cách hòa bình, chứ không phải là một cuộc chiến mới. Các nhóm người Kurd cũng biết rằng họ không thể đối mặt với tất cả các quốc gia này và sẽ cần một thỏa thuận với ai đó để bảo vệ họ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ