(Tổ Quốc)- Sau cuộc đàm phán thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã sang thăm Philippines.
Một trọng tâm của chuyến thăm này là xác định trách nhiệm của Mỹ đối với an ninh Philippines liên quan tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Tuyên bố mạnh của Mỹ
Phát biểu trước báo giới tại Manila, ngày 1/3, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố: "Bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào lực lượng Philippines, vào máy bay hoặc tàu bè của Nhà nước Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau được quy định trong Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ chung (Mỹ - Philippines)". Ngoài ra, ông Pompeo nhấn mạnh, Biển Đông là một khu vực biển quan trọng cho hoạt động tự do hàng hải: "Chúng tôi tiếp tục cam kết hỗ trợ không chỉ cho Philippines trong nỗ lực này mà còn tất cả các nước trong khu vực để bảo đảm tuyến đường biển rất quan trọng về mặt kinh tế là mở và Trung Quốc không được gây ra mối đe dọa đóng cửa đường biển này".
Thời báo Hoàn Cầu ngày 2/3 có bài viết với tựa đề "Mỹ lần đầu tiên công khai tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông". Bài viết phê phán lập trường mới của Mỹ và đưa ra các lập luận chia rẽ dư luận Philippines: Có không nhiều người Philippines tin tưởng vào phát biểu này của ông Pompeo, họ sẽ không tin rằng chỉ với vài lời của Ngoại trưởng Mỹ thì quốc gia này sẽ có chính sách mang tính răn đe đối với Trung Quốc.
Các nước phương Tây cung cấp tàu cảnh sát biển cho Philippines, giúp nước này tăng cường khả năng chấp pháp ở Biển Đông trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Tờ báo này thường phản ánh quan điểm diều hâu của Trung Quốc còn đưa ra lời đe dọa đối với Philippines và các nước Biển Đông: Việc Mỹ và Philippines vận dụng Hiệp ước phòng thủ chung như thế nào thì cũng không thể tác động đến quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Philippines. Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn giữ thái độ kiềm chế trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Tuy nhiên bất kể là ai, nếu như có hành động quá đà tại Biển Đông, thì kể cả là quân đội Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.
Những luận điệu đe dọa cũ kỹ của phái diều hâu Trung Quốc quên mất hai thực tế khách quan: Thứ nhất, trước áp lực gia tăng của Mỹ, Trung Quốc đang ở thế phải tranh thủ các nước trong khu vực, chứ không phải là đe dọa các nước này; thứ hai, họ quên rằng, Trung Quốc không thể làm mưa làm gió ở khu vực, vì một khi Bắc Kinh gây xung đột với một nước nào trong khu vực thì lập tức rơi vào "bẫy", vì các nước trong khu vực sẽ lập tức sẽ có lập trường nghiêng về Mỹ, thỏa hiệp với Mỹ, làm cho mối cân bằng mong manh hiện nay giữa các nước Đông Nam Á trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ sẽ thay đổi, có lợi cho Mỹ.
Lập trường Philippines
Thượng Nghị sỹ Koko Pimentel mong muốn chứng kiến cam kết được thể hiện bằng văn bản được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Thượng Nghị sỹ Joel Villanueva muốn chứng kiến Mỹ biến điều này thành hành động để ngăn chặn quá trình quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Lợi ích tốt nhất của Philippines và cộng đồng quốc tế là bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực tranh chấp mà không có mối đe dọa gây thiệt hại.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Locsin của Philippines thì tỏ ra hài lòng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Manila ngày 1/3. Ông này cho rằng việc xem xét lại Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ là không cần thiết; bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với Philippines.
Hồi tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines bất ngờ kêu gọi cập nhật Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký giữa Philippines với Mỹ năm 1951.
Tuyên bố gây sốc nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phản ánh mối lo ngại của Philippines về mối đe dọa lớn nhất trong suốt 70 năm qua trước một Trung Quốc không ngừng bành trướng. Một tuyên bố như thế lại xuất phát từ một bộ mà cho đến giờ vẫn kiên quyết chống lại sức ép từ Tổng thống Rodrigo Duterte trong việc giảm quan hệ quân sự lâu năm với Washington. Ông Lorenzana thậm chí tuyên bố không loại trừ khả năng hủy bỏ hoàn toàn MDT.
Tuy nhiên, hành động của ông Lorenzana có thể tinh tế hơn bề ngoài. Chắc chắn ông Lorenzana không hề muốn phá vỡ liên minh với Mỹ. Thay vào đó, bằng cách nêu bật khả năng đàm phán lại MDT, ông ta ép những quan chức Philippines thân Trung Quốc lộ diện, đồng thời buộc họ phải nói rõ họ muốn loại thỏa thuận an ninh nào và giải thích một thỏa thuận như thế sẽ bảo vệ lợi ích của Manila ra sao. Đồng thời, cũng buộc Washington cải thiện MDT - một hiệp ước bị xem là khá mơ hồ.
Sự lo lắng của Manila được hình thành từ vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough năm 2012. Lúc đó, Washington thể hiện lập trường trung lập khi kêu gọi Bắc Kinh và Manila giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Trước mắt, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tạo ra một điểm xuất phát mới về trách nhiệm của Mỹ đối với an ninh của Philippines liên quan Biển Đông. Khi tình hình phát triển nghiêm trọng, tuyên bố của phía Mỹ sẽ được kích hoạt và có hiệu lực. Điều này cũng tương tự như cam kết của phía Mỹ về trách nhiệm an ninh đối với Nhật Bản liên quan quần đảo Senkaku, tạo ra răn đe đối Bắc Kinh./.