• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tiến hành 10 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, đối phó loạt chiến thuật từ Trung Quốc

Thế giới 13/02/2019 08:50

(Tổ Quốc) - 2 tàu khu trục của Mỹ vừa thực hiện tuần tra tự do hàng hải lần thứ 10 kể từ đầu năm 2017.

Với 2 cuộc tuần tra tại Biển Đông trong tháng 1 và tháng 2/2019, hải quân Mỹ đẩy nhanh nhịp độ tuần tra tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này.

Cuộc tuần tra đầu năm, vào ngày 7/1, do khu trục hạm McCampbell lớp Arleigh Burke tiến hành trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, nơi có 1.000 quân thường trực của Trung Quốc đồn trú trái phép. Hôm 11/2, hai tàu khu trục USS Spruance và USS Preble thuộc Hạm đội 7 đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn do Trung Quốc thiết lập trái phép.

Tính ra, trong năm 2017, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra FONOP; năm 2018, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra nữa. Trong 2 tháng đầu năm 2019, tiến hành 2 vụ. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng về thương mại và vòng đàm phán đầu tiên chưa mang lại kết quả. Vòng thứ hai sắp được nối lại tại Bắc Kinh.

FONOP nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế. Sau hoạt động vừa rồi, Người phát ngôn Hạm đội 7 Clay Doss nhấn mạnh hoạt động tuần tra lần này nhằm "thách thức các tuyên bố hàng hải vô lý" và gìn giữ quyền tiếp cận các tuyến đường hàng hải được quản lý bởi luật pháp quốc tế.

Mỹ tiến hành 10 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, đối phó loạt chiến thuật từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Hải quân Mỹ thực hiện FONOP (tháng 11/2019)

Từ chiến thuật "vùng xám"

Ngày 6/2, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, khẳng định Mỹ sẽ triển khai các biện pháp cứng rắn hơn nhằm đối phó với sự gây hấn kiểu "vùng xám" của Trung Quốc.

Chiến thuật "vùng xám" trên biển của Trung Quốc bao gồm các hành động gây hấn ở dưới ngưỡng có thể tạo ra xung đột quân sự. Chiến thuật này cho phép Trung Quốc sử dụng dân quân biển hơn là hải quân trong các cuộc xung đột nhằm tránh đối đầu quân sự vì dân quân biển được xem là lực lượng dân sự.

Báo cáo do Đại học Sydney và Diễn đàn Thái Bình Dương, một viện nghiên cứu chính sách tại Honolulu, công bố hôm 8/2, hối thúc Mỹ phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh để đẩy lùi sự gây hấn do chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc có thể gây ra.

Adam Ni, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Macquarie (Australia), cho rằng hải cảnh Trung Quốc "đóng vai trò then chốt trong các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết của Bắc Kinh bằng cách tuần tra ở các khu vực tranh chấp để củng cố yêu sách hàng hải của nước này. Hải quân Trung Quốc thực thi sức mạnh ở các khu vực xa bờ biển Trung Quốc hơn".

Nhưng, các cơ quan tình báo Mỹ nhìn xa hơn từ khía cạnh địa-chính trị và an ninh quân sự. Ngày 29/1, Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) đã trình Thượng Nghị viện Mỹ bản báo cáo đánh giá thường niên. Báo cáo này phân tích, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng cả về chính trị và kinh tế với các nước ở sân sau trong khi tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh ở khu vực. Giám đốc CIA Dan Coats nhận định: "Năng lực và tầm ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc tiếp tục mở rộng khi họ đổ tiền phát triển các vũ khí hiện đại, Bắc Kinh sẽ dùng sức mạnh quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị như chúng ta đã thấy với dự án Một vành đai, Một con đường… Theo xu hướng này, chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách củng cố và tăng cường kiểm soát hơn tầm ảnh hưởng ở Biển Đông và sự hiện diện ở nước ngoài".

Mỹ tiến hành 10 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, đối phó loạt chiến thuật từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Đảo Thị tứ do Philippines kiểm soát đang trong quá trình cải tạo nâng cấp dưới sức ép của các lực lượng tàu thuyền quân sự và bán quân sự của Trung Quốc

Đến chiến thuật "bắp cải"

Hồi cuối tháng 12/2018, Trung Quốc cử một tàu hộ vệ tên lửa và tàu hải cảnh hoạt động ngoài khơi đảo Thị Tứ, trong khi số lượng tàu Trung Quốc tại khu vực này được tăng lên đến 95 chiếc. Các chiến hạm Trung Quốc được ghi nhận chỉ cách tàu hải quân Philippines BRP Ramon Alcaraz khoảng hơn 12km. Các tàu cá của Trung Quốc thả neo ở khoảng 2 đến 5,5 hải lý về phía tây đảo Thị Tứ, còn các tàu hải quân và hải cảnh hoạt động xa hơn về phía tây và phía nam.

Cách bố trí này tương tự như các trường hợp trước đây trong chiến thuật "bắp cải", khi Trung Quốc triển khai nhiều lớp tàu cá, tàu của lực lượng chấp pháp và tàu quân sự xung quanh các khu vực tranh chấp. Các tàu cá thể hiện đầy đủ dấu hiệu của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc, tắt Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) nhằm che giấu hoạt động.

Hồi tháng 4/2017, chính phủ Philippines tuyên bố sẽ bắt đầu kế hoạch cải tạo tại đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa. Nhưng tiến độ bị trì hoãn do điều kiện thời tiết và tình trạng biển. Sự hiện diện của đội tàu Trung Quốc xung quanh đảo Thị Tứ liên quan đến vấn đề Philippines cải tạo đảo này.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời tờ Philippine Daily Inquirer hôm 4/2, cho hay công trình ở đảo Thị Tứ sẽ được hoàn thành trong quý 1/2019. Đại sứ Trung Quốc tại Manila thuyết phục Philippines dừng công việc cải tạo. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn lẳng lặng tăng cường sức mạnh quân sự tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ