• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ cam kết với thương mại, đầu tư Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thế giới 17/11/2021 12:40

(Tổ Quốc) - Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến châu Á trong tuần này.

Bà Katherine Tai sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ để tổ chức các cuộc họp cấp cao với đại diện thương mại liên quan ở các quốc gia này. Mục tiêu của chuyến đi là "thảo luận về cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường mối quan hệ thương mại và kinh tế với các đồng minh và đối tác quan trọng".

Chuyến thăm của bà Tai tới khu vực này diễn ra vào một thời điểm quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang đặt câu hỏi về sự sẵn sàng và cam kết của Mỹ trong việc theo đuổi tự do thương mại mạnh mẽ hơn với các nước trong khu vực.

Địa chiến lược khu vực đang thay đổi

Mỹ từ lâu đã là một quốc gia hàng đầu ở Thái Bình Dương. Nhưng đối với nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực, tuyên bố "Nước Mỹ đã trở lại" của Tổng thống Joe Biden chỉ là một khẩu hiệu ngoại giao trống rỗng thiếu hành động cụ thể, theo nhận định của tờ Washington Examiner.

Mỹ cam kết với thương mại, đầu tư Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Theo tờ Washington Examiner, Mỹ cần có những hành động thiết thực đẩy mạnh giao thương và đầu tư trong khu vực. Ảnh: AP.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực đông dân và năng động về kinh tế nhất trên thế giới, đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Trong số những thách thức này đáng chú ý là đại dịch Covid-19 và việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động cứng rắn nhằm thiết lập các quy tắc thương mại theo cách có thể làm suy yếu sân chơi bình đẳng hiện tại.

Trên thực tế, bối cảnh địa chiến lược tổng thể trong khu vực đã và đang thay đổi. Nhiều lợi ích của Mỹ trên một số mặt trận chính sách quan trọng, bao gồm kinh tế và an ninh, đang đối mặt với nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo của Mỹ cũng đang bị thử thách bởi nhiều nguy cơ đối đầu mới trong khu vực và sự không chắc chắn đến từ các chính sách của chính nước Mỹ liên quan đến thương mại và đầu tư.

Mỹ không thể một mình quyết định cho một khu vực châu Á được bảo vệ và duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, Mỹ có thể và phải đưa ra quyết định, phần nào dễ dàng hơn, bằng cách thể hiện vai trò lãnh đạo mới trong khu vực, tiếp tục tham gia tích cực vào khu vực như một đối tác không thể thiếu thông qua các cam kết kinh tế và thương mại.

Một mối quan hệ đối tác tập trung và mạnh mẽ có sự dẫn dắt có thể có hiệu quả sâu sắc hơn việc đối thoại trên diện rộng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các vấn đề khó khăn và phức tạp mà khu vực đang đối mặt, trong đó có nhiều hành động được cho là mang tính bá quyền của Trung Quốc nhằm định hình lại khu vực.

Đi kèm nhiều hành động thiết thực

Theo tờ Washington Examiner, cam kết kinh tế của Mỹ với khu vực này là rất cần thiết, nhưng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có sự lãnh đạo của Washington trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Cuối cùng, nếu Mỹ trở thành một lực lượng hàng đầu đáng tin cậy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì Mỹ phải chứng tỏ mình là một tác nhân tích cực và đáng tin cậy, chứ không phải là một bên khó đoán và có những hành động mang lại tác dụng ngược.

Mỹ cần những giá trị thực chất, và giá trị này được đo đếm một cách cụ thể và thiết thực trong thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Mỹ nên tăng cường các liên minh truyền thống và tiếp tục phát triển các liên minh non trẻ bằng cách đẩy mạnh nhiều cơ hội kinh tế và loại bỏ các rào cản thương mại hai chiều. Trong một số trường hợp, điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ có thể là bên phải thực hiện các bước đi đầu tiên, thậm chí có thể đơn phương, nhằm loại bỏ các rào cản đối với quyền tự do thương mại và đầu tư.

Từ quan điểm chính sách đối ngoại trên diện rộng, các giá trị tự do và dân chủ mà Mỹ luôn thúc đẩy cũng vấp phải nhiều thách thức trong khu vực. Hiện tại, quan hệ đối tác đòi hỏi sự củng cố bền vững và mang lại giá trị cốt lõi. Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã đưa ra nhiều lựa chọn chiến lược để bảo vệ các nguyên tắc của thị trường tự do dựa trên luật lệ trong khu vực trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự lựa chọn đó phải được củng cố bằng các cam kết mạnh mẽ hơn và nhiều hành động cụ thể hơn bao giờ hết. Và chuyến thăm của bà Tai tới ba quốc gia quan trọng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải là một bước đi thiết thực và quan trọng để hiện thực hóa điều đó.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ