(Tổ Quốc) - Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện ở châu Mỹ Latinh để lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại, nhà phân tích người Argentina Gustavo Cardozo nói với Sputnik.
Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện ở châu Mỹ Latinh để lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại, nhà phân tích người Argentina Gustavo Cardozo nói với Sputnik.
Bên cạnh việc củng cố vị thế của mình tại khu vực này, Trung Quốc đang tìm cách trở thành một cường quốc lớn về không gian, cũng theo chuyên gia này.
Dấu chân không gian tại Argentina
Theo Gustavo Cardozo, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Argentina (CAEI), nỗ lực của Trung Quốc là nhằm theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng hơn: Bắc Kinh đang tìm cách trở thành một cường quốc không gian lớn.
"Trung Quốc có ý định rất nghiêm túc trong việc tiến vào không gian và cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ", Cardozo nói với Sputnik Mundo. "Căn cứ quân sự này cho phép không chỉ hỗ trợ kiểm soát không gian bên ngoài, mà còn do Patagonia của Argentina và miền nam Chile là những khu vực rất tốt để có một cái nhìn tổng quan về vũ trụ."
Trạm nghiên cứu không gian của Trung Quốc tại Patagonia của Argentina. (Nguồn: New York Times) |
Việc xây dựng căn cứ Trung Quốc để phục vụ nghiên cứu sâu hơn về không gian ở Argentina đã được đàm phán giữa chính phủ của cựu Tổng thống nước này Christina Fernandez de Kirchner (2007-2015) và chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hợp đồng 50 năm đã chính thức được ký vào tháng 4/ 2014 và đã được Quốc hội Argentina phê chuẩn vào tháng 2/ 2015.
Việc thiết lập hoạt động bắt đầu vào tháng 3/2018. Theo tờ The New York Times, cơ sở này đóng vai trò then chốt trong nỗ lực táo bạo của Bắc Kinh bắt đầu "một chuyến thám hiểm đến tận cùng mặt trăng."
Cardozo đã giải thích rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một số dự án tương tự, cho thấy Bắc Kinh khá nghiêm túc về ý tưởng "cuộc đua không gian". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào thăm dò không gian để trở thành một cường quốc lớn trong lĩnh vực này, nhà phân tích này cho biết.
Trên thực tế, cơ sở này là một phần của mạng lưới phát triển không gian đường dài được thiết lập để hỗ trợ các hoạt động của Trung Quốc trong không gian vũ trụ, ông giải thích.
Như The Diplomat lưu ý trong năm 2016, chưa kể đến dự án Trung Quốc-Argentina thì Bắc Kinh đã duy trì nhiều cơ sở mặt đất "để hỗ trợ chương trình không gian có người lái của họ" - ở Namibia, Pakistan và Kenya.
Cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ
Việc Trung Quốc triển khai một cơ sở không gian tại Patagonia của Argentina cũng đang khiến Washington cảm thấy không hài lòng trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục tăng cường sự hiện diện tại châu Mỹ Latinh – nơi từng được coi là sân sau của Mỹ.
"Cơ sở bị cô lập này là một trong những biểu tượng nổi bật nhất cho thấy bước tiến dài của Bắc Kinh hướng tới châu Mỹ Latinh và định hình tương lai của mình cho các thế hệ tới- thường là theo những cách trực tiếp làm suy yếu quyền lực chính trị, kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực", Ernesto Londono, một biên tập viên cho tờ The New York Times cho hay.
Trung Quốc cũng rất coi trọng việc thiết lập cơ sở Patagonia, cũng như các sáng kiến khác ở Mỹ Latinh, ông Cardozo cho hay. Chuyên gia này đề cập đến nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh trên lục địa Mỹ Latinh- đang được tăng cường xây dựng như một phần của dự án Vành đai và con đường trên toàn cầu.
Nhà phân tích này cũng nhấn mạnh rằng, trong chiến lược của Bắc Kinh, lục địa này có một ý nghĩa chiến lược về nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn. Gần đây, Mỹ đã "ngừng chú ý" đến Nam Mỹ, và Trung Quốc thấy cơ hội tận dụng điều này, ông Cardozo lưu ý.
Trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ ít chú ý đến sân sau ở châu Mỹ. Thay vào đó, Washington tuyên bố xoay trục về phía châu Á, với hy vọng tăng cường quan hệ kinh tế, quân sự và ngoại giao như là một phần trong chiến lược của chính quyền Obama nhằm kiềm chế Trung Quốc.
"Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, khoảng cách giữa Washington và Mỹ Latinh ngày càng sâu sắc hơn", Cardozo nhấn mạnh. "Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống còn lại của Mỹ, thông qua sự hỗ trợ bằng các khoản đầu tư lớn."
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhà phân tích này lưu ý. Ông đề cập đến thực tế rằng khu vực bao quanh trạm vũ trụ của Trung Quốc ở Patagonia được kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc và "những người sống trong khu vực lân cận không được phép tiến vào lãnh thổ [của căn cứ]".
Cardozo cũng dự đoán rằng, "trong mười năm tới, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong khu vực."