(Tổ Quốc) - Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã chứng kiến những bước chuyển thời gian gần đây. Và nó đang đóng vai trò gì trong chiến lược đối ngoại của nước này?
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã chứng kiến những bước chuyển thời gian gần đây. Và nó đang đóng vai trò gì trong chiến lược đối ngoại của nước này?
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định tham vọng của Trung Quốc là hoàn thành việc hiện đại hóa quân đội nước này vào giữa thế kỷ 21. Điều này liên quan đến hai thập kỷ tăng cường hội nhập dân sự và quân sự cũng như những cải cách gần đây về cơ sở công nghiệp quốc phòng và công nghệ của Trung Quốc, cũng như việc tăng cường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc và sự hội nhập sâu hơn của khu vực sản xuất quốc phòng tư nhân. Nhưng về tổng thể, xuất khẩu quốc phòng đóng vai trò gì trong chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc?
Tăng cường phát triển vũ khí
Các cơ quan mới, chẳng hạn như Ủy ban trung ương về phát triển kết hợp quân sự và dân sự hay Ban chỉ đạo nghiên cứu Khoa học đã được thành lập để thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển vũ khí hiện đại. Trong năm 2017 và 2018, Ban phát triển thiết bị của Ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc đã công bố hàng ngàn bằng sáng chế liên quan đến quốc phòng - trong một nỗ lực hỗ trợ các công ty quân sự tư nhân gia nhập vào ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.
Tương tự, Trung Quốc cũng đang hướng đến khối doanh nghiệp tư nhân trong việc tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động của PLA. Chỉ cần nhìn vào đầu tư của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp về AI để hiểu được về quy mô phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực này: Bắc Kinh đã vượt qua Washington, với 48% tổng số vốn trên toàn thế giới cho các công ty khởi nghiệp AI trong năm 2017 đến từ Trung Quốc so với 38% đến từ Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã có nhiều bước tiến lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng. |
Cải cách ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc còn lâu mới hoàn thành, và ngành công nghiệp này vẫn phải đối mặt với những trở ngại bao gồm sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền và việc chưa đủ khuôn khổ lập pháp và pháp lý rõ ràng cho hội nhập sản xuất vũ khí giữa dân sự - quân sự. Nhưng nhìn chung, những nỗ lực cải cách của Bắc Kinh đã bắt đầu có hiệu quả. Một số công ty Trung Quốc đang dẫn đầu phát triển và xuất khẩu các phương tiện bay không người lái (UAV). Vào năm 2017, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc đã hợp tác với hãng sản xuất máy bay thương mại không người lái để phát triển tổ hợp máy bay không người lái đảo cánh. Vào năm 2018, Trung Quốc đã xuất khẩu UAV hạng nặng và được vũ trang tới hơn 10 quốc gia trên toàn thế giới.
Quá trình hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, kết hợp với giá cả cạnh tranh, đã giúp Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn và không còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi khối lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 275% từ năm 2000 đến 2017, nhập khẩu vũ khí giảm 56%, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Trong mười năm qua, Trung Quốc chiếm 5,2% tổng số lượng giao dịch vũ khí, sau Hoa Kỳ (32,4%), Nga (23,7%), Đức (6,6%) và Pháp (6,2%).
Tuy nhiên, thị trường phân phối vũ khí của Trung Quốc chưa thay đổi đáng kể. Trung Quốc vẫn chủ yếu bán cho các khách hàng truyền thống là Pakistan, Myanmar và Bangladesh, chiếm 63% tổng xuất khẩu của nước này trong 5 năm qua. Khu vực duy nhất mà xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng rõ rệt là Mỹ Latinh, từ 0% vào đầu những năm 2000 lên 5% vào năm 2017. Điều này bao gồm cả việc chuyển vũ khí sang Bolivia và Venezuela.
Cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng nhờ vũ khí
Doanh số bán vũ khí của Trung Quốc hiện tại dường như vẫn mang tính tăng cường lợi nhuận nhiều hơn là một công cụ của chính sách đối ngoại. Ví dụ, không có sự gia tăng trong việc giao dịch vũ khí Trung Quốc cho các nước đối tác thuộc Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI)- kể từ khi sáng kiến này được công bố vào năm 2013. Thực tế, trong số 74 quốc gia có liên quan trực tiếp đến các dự án BRI, chỉ có 23 nước - 31% - đã nhận được các hệ thống vũ khí lớn của Trung Quốc kể từ năm 2013.
Dù vậy, vai trò của giao dịch vũ khí trong quan hệ đối ngoại phần nào được chứng minh trong quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Bên cạnh việc sử dụng rộng rãi các ưu đãi kinh tế để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong việc thay đổi mối quan hệ của họ với Đài Loan, Trung Quốc đã không chuyển giao bất kì hệ thống vũ khí nào cho các quốc gia công nhận hoặc từng công nhận quan hệ với Đài Loan.
Những minh chứng trên phản ánh thực tế rằng doanh số bán vũ khí không hoàn toàn là một công cụ chính sách đối ngoại. Việc bán vũ khí diễn ra khi và chỉ khi các quốc gia là bên mua có nhu cầu về hệ thống vũ khí mới và ưu tiên cho các sản phẩm của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn bán cho các quốc gia nơi các nhà xuất khẩu phương Tây sẽ không bán do lệnh trừng phạt (như Iran), những nơi không thể mua các hệ thống vũ khí phương Tây (như Zambia) và các nước rơi vào cả hai trường hợp trên (như Sudan và Venezuela). Khu vực tiềm năng duy nhất mà Trung Quốc có thể xâm nhập vào các thị trường xuất khẩu truyền thống của phương Tây, như các nước vùng Vịnh là mặt hàng UAV. Không chỉ vì Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất UAV mà có thể các nhà xuất khẩu phương Tây, trong trường hợp này là Hoa Kỳ, từ chối bán các hệ thống bản quyền của riêng họ.
Quá trình hiện đại hóa công nghiệp - quốc phòng mạnh mẽ của Trung Quốc được thực hiện trong hai thập kỷ qua đã phục vụ cho nhiều tham vọng của PLA. Điều này đãtạo ra một số cơ hội cho việc buôn bán vũ khí của Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty quốc phòng Trung Quốc vẫn sẽ có thêm cơ hội trong thị trường vũ khí toàn cầu nếu xuất khẩu quốc phòng trở thành một phần của bộ công cụ chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của chính phủ Trung Quốc.