• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ - châu Âu thêm “rối ren” về thế đòn vào Nga

Thế giới 25/05/2018 12:20

(Tổ Quốc) - Áp lực từ Washington nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt vào Nga đang cho thấy căng thẳng hiện có giữa Mỹ và EU.

Các quan chức chính quyền Trump cho biết họ đang thúc ép các đồng minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, nói rằng hành động hiện tại của phương Tây đã làm chậm nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt những động thái của Moscow nhằm phá hoại các nền dân chủ phương Tây thông qua các chiến dịch đánh lạc hướng thông tin và tấn công mạng, theo Financial Times.

TT Trump “bất nhất” về Nga

Bác bỏ dư luận cho rằng Tổng thống Trump đang mềm mỏng với điện Kremlin, các quan chức Mỹ nói rằng, họ muốn người châu Âu có hành động phối hợp chống lại “các yếu tố nhà nước và phi nhà nước” đứng đằng sau các vụ xâm nhập không gian mạng và sau đó áp dụng các biện pháp chống tham nhũng mới cấp quốc gia.

Một phái đoàn của Bộ Ngoại giao Mỹ đang nhóm họp với các đối tác tại Brussels và London trong tuần này để cảnh báo rằng Nga có thể tìm cách khai thác sự căng thẳng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương về thỏa thuận hạt nhân Iran và các kế hoạch của Mỹ về áp đặt thuế nhập khẩu thép, nhôm và các hàng hóa khác của châu Âu.

David Tessler – phụ trách về chính sách trừng phạt trong chính phủ Mỹ đã tổ chức các cuộc họp ở Brussels ngày 24/5 với các quan chức châu Âu, bao gồm David Geer, người phụ trách chính sách trừng phạt của phía EU, để thúc đẩy Brussels thực hiện các biện pháp cấm vận chống lại các mối đe dọa trên không gian mạng từ Nga.

Từ năm 2014 đến nay, Nga đã bị Mỹ và phương Tây áp nhiều vòng trừng phạt. 

Ngày 25/5, ông Tessler sẽ thúc giục các nước G7 ở London thông qua biện pháp trừng phạt (Nga) theo đạo luật gọi là Global Magnitsky và theo đuổi các cơ chế trừng phạt khác trước hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Canada vào tháng tới.

Trong một lá thư ngày 8/5 tới Quốc hội Mỹ, mà FT được xem, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chương trình trừng phạt toàn cầu Global Magnitsky đã trở thành "một công cụ trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ".

Bức thư cho biết Mỹ đã tích cực thúc giục một số thành viên của G7 thông qua đạo luật này. Canada và Anh là những thành viên G7 duy nhất đã thông qua văn bản trên, trong khi Pháp, Đức và Italy- trong số nhiều quốc gia hàng đầu châu Âu không có hành động.

"Chúng tôi cần hợp tác với các đối tác châu Âu để làm nhiều hơn nữa nhằm chống lại những hành động ác ý của Nga và ngăn chặn Nga khai thác bất kỳ căng thẳng nào đang hiện hữu giữa châu Âu và Hoa Kỳ", một quan chức Mỹ nói với Financial Times.

Chính quyền Trump đang gặp khó khăn để cho thấy họ coi mối đe dọa từ Nga là nghiêm túc, bất chấp sự mơ hồ của ông Trump về lập trường đối với Moscow.

Một cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu đang tìm cách xác định liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có hợp tác với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không. Một quan chức Mỹ cho biết, ông Trump không có hành động thống nhất khi vừa đề xuất thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, như ông đã làm trong tháng 3, vừa đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, chính quyền của ông đã áp đặt lệnh trừng phạt vào 205 mục tiêu liên quan đến Nga, theo một tài liệu tóm tắt nội bộ mà Financial Times tiếp cận được, mặc dù các quan chức Mỹ hồi tháng trước đã hủy bỏ vòng trừng phạt mới nhất.

EU “bất lực” trước thế trừng phạt của Mỹ

Tuy nhiên, một cố vấn quốc hội cấp cao thân cận với tiến trình xây dựng chính sách Mỹ - Nga nói rằng, các cường quốc châu Âu có thể sẽ không bị ấn tượng bởi cấp độ tương đối thấp của phái đoàn đàm phán lần này, bao gồm các chuyên gia kỹ thuật nhưng thiếu sự tán thành rõ ràng từ Ngoại trưởng Mike Pompeo. Mỹ đã liên tục khiến các đồng minh châu Âu nổi giận với các chính sách về mọi mặt, từ biến đổi khí hậu đến vấn đề Iran.

"Nếu bạn đang ngồi ở đầu kia của chiếc bàn, bạn sẽ không coi đây là vấn đề nghiêm túc", cố vấn trên nói và cho biết thêm, Mỹ sẽ khó mà thuyết phục châu Âu "chơi quả bóng này (áp đặt trừng phạt mạnh hơn vào Nga)".

Trong khi đó, nội bộ EU cũng đang bị chia rẽ với kịch bản ban hành trừng phạt nghiêm khắc hơn chống lại Nga. Một số quốc gia EU đã rất tức giận trước các biện pháp cấm vận của Mỹ vào tháng 4 -nhắm vào một số giới tinh hoa Nga có quan hệ làm ăn với châu Âu.

Các nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận rằng các nước EU không thể theo kịp cách tiếp cận trừng phạt của Mỹ đối với Moscow. "Ngay bây giờ, tôi không thấy nhiều tiềm năng", một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, nói thêm rằng, châu Âu đang quá chia rẽ.

Nga từ lâu đã là một chủ đề chia rẽ trong 28 nước thành viên EU. Khối này đã thống nhất các biện pháp trừng phạt Nga sau khi sáp nhập Crimea năm 2014 dù vấp phải sự miễn cưỡng từ các nước như Italy, Hy Lạp và Cyprus. Và kể từ đó, Châu Âu đã không theo kịp với hành động của Hoa Kỳ.

Khoảng cách ngày càng tăng khi Washington cố gắng làm dịu các căng thẳng đối với việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015 với Iran và có lập trường ngày càng thù địch đối với Tehran.

Các nhà ngoại giao cho biết, sự xuất hiện của chính phủ Italia mới, bao gồm cả chính đảng có lập trường cải thiện quan hệ với Nga – sẽ khiến việc gây sức tới EU nhằm trừng phạt Moscow cứng rắn ngày càng khó khăn hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ