• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ chuẩn bị tung khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương mới vào tháng 5

Thế giới 08/04/2022 21:07

(Tổ Quốc) - Nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của mình, Washington có kế hoạch thiết lập một hiệp ước kinh tế phi truyền thống ở khu vực này.

Một quan chức thương mại chủ chốt trong chính quyền Mỹ hôm thứ Tư cho biết nước này có thể khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới (IPEF) của nước này sớm nhất là đầu tháng 5. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington đang hướng đến xây dựng quan hệ thương mại và phát triển chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn với Nhật Bản và Đông Nam Á để chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Pamela Phan, Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực châu Á thuộc Bộ Thương mại Mỹ, thông tin tại một hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tuần này: "Chúng tôi hy vọng rằng trong tháng tới, chúng tôi sẽ ở một vị thế ... có khả năng khởi động" IPEF.

Mỹ chuẩn bị tung khuôn khổ Ấn Độ - Thái Bình Dương mới vào tháng 5 - Ảnh 1.

Khuôn khổ kinh tế hướng đến tăng cường quan hệ kinh tế của Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng không cho phép họ tiếp cận nhiều hơn với thị trường này. Ảnh minh họa: Reuters.

Mỹ đang làm việc chi tiết với một loạt quốc gia trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Singapore, Malaysia, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ về hiệp ước kinh tế này.

IPEF sẽ tập trung vào bốn trụ cột chính: tạo thuận lợi thương mại, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thiết lập cơ sở hạ tầng và quá trình giảm phát thải cacbon, cải thiện hệ thống thuế và chống tham nhũng. Mỹ có kế hoạch ký kết các thỏa thuận với các quốc gia khác nhau về từng vấn đề một. Tuy nhiên, những nước nào muốn thuận lợi hóa hoạt động thương mại sẽ phải ký vào cả bốn trụ cột này.

"Chúng tôi không định thực hiện một hiệp định thương mại truyền thống", đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói về IPEF. Không giống như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khuôn khổ mới sẽ không giảm thuế quan hoặc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng IPEF vào tháng 10 năm ngoái, coi đây là một biện pháp đối trọng với việc quan hệ kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của châu Á ngày càng tăng.

Trung Quốc hiện đang nộp đơn xin trở thành thành viên của CPTPP trong khi chính Mỹ, dưới thời ông Donald Trump, đã rút khỏi hiệp định này. Chính quyền Mỹ hiện tại có kế hoạch tập trung vào các lĩnh vực nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nước, chẳng hạn như các quy định về thương mại điện tử và hợp tác cung ứng chip và các mặt hàng chiến lược khác.

Tuy nhiên, các nước châu Á, vốn mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ và Nhật Bản, tin rằng hành động tốt nhất sẽ là để Mỹ quay trở lại CPTPP. Nhiều người đang đặt câu hỏi liệu Washington có thể chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi không có ý định giảm thuế quan.

Tuy nhiên, chính quyền Biden có vẻ lạc quan về quy mô và hiệu quả của IPEF. Bà Sarah Bianchi, phó đại diện thương mại Mỹ cho biết tại hội nghị của CSIS: "Các đối tác của Mỹ trong khu vực thể hiện rất nhiều sự quan tâm".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ